Thời thanh xuân đã xa là quyển ký của tác giả Nguyễn Thị Thúy, viết về thời tuổi trẻ của một thế hệ những người đi lao động ở nước Nga thời Liên bang Xô Viết. Trong câu chuyện của chính tác giả, những người đi Liên Xô thời ấy hẳn sẽ thấy được bóng dáng của chính mình qua từng trang sách.
Hà Nội giữa thu thật đẹp, nắng vàng, trời xanh ngăn ngắt. Nhưng chẳng ai chú ý tới tiết trời đẹp đẽ ấy. Ngày mai, một chuyến bay sẽ chở hơn 150 phụ nữ Việt đáp xuống thành phố Barnaul. Rồi đây, họ sẽ cùng nhau trải qua cuộc sống 4 năm nơi xứ người. Khỏi phải nói mỗi người đều có tâm trạng riêng của mình, buồn lo nhiều hơn vui. Ai mà biết được chuyện gì sẽ đến, tương lai phía trước thế nào? Tất cả chỉ có một mục tiêu duy nhất: vì kinh tế gia đình!
Tác giả, và cũng là phiên dịch của đoàn công nhân ngày xưa “thả” ký ức của mình như những thước phim quay chậm. Từng câu chuyện cứ thế được kể theo trình tự, sắp xếp có chủ ý, giúp người đọc dễ hình dung về cuộc sống của những người đi xuất khẩu lao động thời ấy.
Lần đầu đến Liên Xô, họ nhìn đâu cũng bỡ ngỡ, từ đường phố, công trình công cộng, phương tiện giao thông đến thực phẩm. Người đọc chắc sẽ phải bật cười trước phản ứng ngạc nhiên của đoàn công nhân nữ khi lần đầu tiên thấy căn bếp tập thể ở Liên Xô. Căn bếp có tường được ốp gạch men - thứ chưa hề thấy ở quê nhà, rồi nồi nhôm, ấm đun sôi, bếp gas… Cả đoàn cứ há hốc miệng, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bởi, ở nước Việt Nam, cái thời vừa thoát khỏi bao cấp được mấy ngày, vừa mới đổi tiền, muốn mua được cái nồi nhôm Liên Xô phải có phiếu ưu tiên, phải phấn đấu cả năm ở cơ quan hoặc nhà máy, nếu ai được tập thể bầu là chiến sĩ thi đua mới được tặng 10 cái bát sứ Hải Dương…
Cảnh các chị rồng rắn cùng nhau đi lĩnh tháng lương đầu tiên, tò mò, lo lắng, sốt ruột… khiến người đọc thương cảm. Thời ấy ở nhà khó khăn chồng chất, việc nợ lương diễn ra thường xuyên. Thậm chí có nhà máy không có tiền mặt phát lương cho công nhân thì trả sản phẩm quy đổi theo mức lương. Vì thế, có nhà phải “ăn no” khăn mặt; có nhà “ăn no” xà phòng, thuốc lá…
Trong khi ở bên này, tháng nào được lĩnh lương tháng đó, sướng thật! Vừa nhận lương ra là các chị nghĩ ngay đến người ở nhà. Vậy là tan ca, tranh thủ đi cửa hàng mua ổ cắm điện, quạt máy, bàn là, quần áo trẻ con, vải bay, thuốc bổ, vài lọ kháng sinh, những lọ thuốc không cần chỉ định của bác sĩ… đủ cho một thùng hàng 10kg gửi về nhà theo tiêu chuẩn hằng tháng. Tháng lương đầu tiên đấy, bao nhiêu tình cảm với gia đình được nhắn gửi bên trong bằng những sản phẩm mà chỉ nhà có “người đi nước ngoài” mới có.
Với 60 câu chuyện nhỏ phác họa đời sống công nhân ngoài công xưởng: Ngày học tiếng Nga đầu tiên, Đi cửa hàng, Chơi Noel, Đi trượt tuyết, Đi xem phim, Tiết kiệm và giời hành, Thoái trào, Sinh hoạt luộm thuộm..., Nguyễn Thị Thúy đã vẽ nên những bức tranh đời sống ở Liên Xô ngày ấy vừa chân thực, vừa hóm hỉnh. Ở Liên Xô ngày ấy, dẫu công nhân người Việt còn nhiều khổ cực, họ đã được đối xử với một tình cảm nồng ấm. Đó là cô giáo dạy tiếng Nga thương học trò như con. Cuối tuần, cô mời cả lớp đến nhà dùng bữa và luôn động viên: “Chả mấy nữa đâu, có bốn năm thôi mà, các trò sẽ được về, kiếm được ít tiền mua sắm cho gia đình. Lúc ấy, Việt Nam lại tiến nhanh hơn ấy chứ”.
Những người lao động xa quê, họ phải lao lực ngày đêm. Điều duy nhất sưởi ấm họ đó chính là lòng tốt của người dân bản xứ. Và, may mắn thay, công nhân Việt Nam tìm thấy điều đó ở Liên Xô xa xôi. Để rồi, ngày trở về, ai cũng rớm nước mắt, biết bao giờ gặp lại. Barnaul, những ngày hè nắng gắt nhưng tình người thật mát dịu. Barnaul-những năm tháng không thể nào quên.
Thời thanh xuân đã xa - Nước Nga, nơi chúng tôi đã sống, làm việc và yêu nhau như thế của Nguyễn Thị Thúy là một câu chuyện riêng nói về cái chung. Hẳn là những ai từng sống qua những năm tháng không thể nào quên ở Liên bang Xô Viết sẽ thấy bóng mình trong đó với đầy ắp kỷ niệm tươi đẹp.
Hải Âu