1. Hỗ trợ trẻ tự kỷ, tác giả Kate C. Wilde (người dịch: The Big Friends, NXB Lao động, tháng 3-2019) được xem là cuốn sách dành cho tất cả các bậc phụ huynh, các nhà trị liệu, giáo viên hay thành viên trong gia đình, những người yêu quý những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ.
Nội dung cuốn sách chỉ cách giúp bạn giải quyết những vấn đề xuất hiện với trẻ tự kỷ ngoài thời gian trị liệu hoặc ở trường như: đánh răng, đi vệ sinh, mặc đồ, giấc ngủ, hành vi đánh người…; những điều có thể diễn ra hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, thậm chí năm này qua năm khác, có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên rối tung.
Cuốn sách cũng đưa ra những quan điểm và khái niệm về cách suy nghĩ và tiếp cận với đứa trẻ đặc biệt của bạn. Bạn cần nghĩ khác, ứng xử khác để cuộc sống của con với bạn và những người trong gia đình trở nên hài hòa hơn. Tất nhiên, sẽ không có hướng dẫn chung nào cho tất cả những đứa trẻ, đặc biệt khi con bạn là đứa trẻ ở trong phổ tự kỷ, cuốn sách vẫn là một tài liệu đáng tham khảo cho những ai quan tâm đến trẻ tự kỷ.
2. Tối giản, tác giả: Hideko Yamashita (người dịch: Phạm Hưng Long, NXB Thế giới, tháng 3-2019) đưa ra triết lý: “Sở hữu ít đi, hạnh phúc nhiều hơn” dường như đi ngược lại với suy nghĩ thông thường rằng, vật chất càng tiện nghi, đủ đầy, cuộc sống con người sẽ càng thoải mái.
Người Nhật cho rằng, đơn giản hóa vật dụng bao nhiêu, cuộc sống sẽ tối ưu bấy nhiêu. Tối giản vật dụng giúp chúng ta có thể nhận thức được bản thân, sắp xếp lại những suy nghĩ hỗn loạn, buông bỏ gánh nặng, sống tích cực hơn mỗi ngày.
Ngọc Dung