Ngoài kỹ năng chuyên môn, nếu bạn thông thạo một hoặc hai ngoại ngữ thì cơ hội thành công trong công việc sẽ lớn hơn nhiều so với những người chỉ đơn thuần nói một ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ.
Sinh viên Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn trong cuộc thi viết chữ Hàn. Ảnh: V.T.L |
Tập suy nghĩ, tư duy và nói chuyện với bản thân bằng ngoại ngữ
Mùa hè năm 2006, Hoàng Viên tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), gần 3 tháng sau anh được tuyển vào làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia lớn của Nhật Bản là Sumitomo Corporation.
Thực ra, ngoại ngữ không phải là lựa chọn số 1 của anh khi thi đại học, nhưng chính tiếng Anh đã mang lại cho anh rất nhiều cơ hội mà quan trọng nhất là có công việc tại một tập đoàn nước ngoài. “Đó là cơ sở để tôi tích lũy, trau dồi kinh nghiệm, từ đó có thể tận dụng những cơ hội lớn hơn đến với mình để mở rộng đối tác ra nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, tiếng Anh cũng mang đến cho tôi những người bạn thân, những người anh em mới bởi ngôn ngữ thông thạo và giao tiếp chân thành sẽ giúp xóa bỏ mọi rào cản về không gian và văn hóa”, anh chia sẻ.
Để học tốt ngoại ngữ, theo kinh nghiệm của Hoàng Viên, điều trước tiên cần phải có đam mê, tính cần cù, không e ngại, sợ sai khi giao tiếp; hãy tìm cách tiếp xúc với ngôn ngữ đó càng nhiều càng tốt và nếu được, hãy để nó trở thành một phần trong cuộc sống của mình thì việc học ngôn ngữ sẽ rất nhanh. Hãy tập suy nghĩ, tư duy và nói chuyện với bản thân bằng ngoại ngữ, đó là cách rất tốt để tập nói và diễn đạt suy nghĩ bằng ngoại ngữ.
Hoàng Viên nằm trong số hơn 90% sinh viên (SV) có việc làm sau khi tốt nghiệp ở Trường ĐH Ngoại ngữ, theo số liệu thăm dò của trường. Trong số đó có nhiều người hiện nắm giữ các chức vụ như: tổng giám đốc ngân hàng, CEO, nhà huấn luyện doanh nghiệp quốc tế, giám đốc các công ty TNHH nước ngoài tại Việt Nam, giám đốc khách sạn,...
Khi thế giới phẳng, nhu cầu trao đổi thông tin và giao tiếp giữa con người càng ngày càng cao hơn. Ngoài tiếng Anh, những ngoại ngữ khác cũng dần dần trở nên quan trọng và được nhiều người theo học hơn.
Có điều, trong giao tiếp thời hội nhập, nếu chỉ biết sử dụng ngoại ngữ ở mức họ nói ta hiểu, ta nói họ hiểu không thôi là chưa đủ mà phải đạt cả mức ứng xử văn hóa. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong giáo trình dạy ngoại ngữ tại Trường ĐH Ngoại ngữ.
PGS.TS Nguyễn Văn Long, Phó hiệu trưởng, cho biết Trường ĐH Ngoại ngữ là một trong 9 đơn vị đầu tiên trong cả nước được kiểm định thành công vào năm 2016, hiện đang đào tạo 7 ngoại ngữ, bao gồm: Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Thái.
Với 7 thứ tiếng, trường triển khai thành nhiều chương trình đào tạo, phù hợp với nhu cầu xã hội và định hướng việc làm cho SV ngay sau khi tốt nghiệp ra trường. Mỗi thứ tiếng có nhiều chương trình đào tạo như: Ngôn ngữ, Thương mại, Du lịch, Truyền thông và Sự kiện... “Hơn nữa, triết lý giáo dục của nhà trường là Nhân văn - Sáng tạo - Thích ứng (Humanity - Creativity - Adaptability) đã và đang được lan tỏa trong việc xây dựng chương trình đào tạo và giảng dạy của các giảng viên. Chính triết lý này là minh chứng cho sự phù hợp của ngành nghề đào tạo của nhà trường với thực tế xã hội và hội nhập quốc tế”, PGS Long khẳng định.
“Bắt” một lúc hai ngoại ngữ
SV thời nay, ngoài định hướng nghề nghiệp còn phải “lận lưng” ít nhất một ngoại ngữ mới có thể đủ sức “cạnh tranh” trong cuộc mưu sinh. Ở Trường CĐ Thực hành FPT Polytechnic – Cơ sở Đà Nẵng, ngoài việc đào tạo nghề, tiếng Anh được coi là một trong ba kỹ năng quan trọng nhất (cùng với kỹ năng làm việc và kỹ năng học tập) được nhà trường tập trung đào tạo cho SV.
Theo cô Trương Thị Hoàng Phúc, Trưởng bộ môn Tiếng Anh của trường, một số SV học cùng lúc 2 - 3 ngoại ngữ, nhưng tiếng Anh vẫn được chọn nhiều nhất. Một là do khung chương trình, hai là do đây là ngôn ngữ thông dụng trong ứng dụng nghề nghiệp. Thứ ba là do chiến lược liên kết đào tạo quốc tế của nhà trường. Nhằm nâng cao khả năng tương tác và rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ cho SV, nhà trường áp dụng giảng dạy theo phương pháp Blended learning (SV tự học ở nhà và thực hành tại lớp học). Điều này tạo điều điện cho SV có nhiều cơ hội rèn luyện và ứng dụng nghề nghiệp.
Ở Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt-Hàn, khuyến khích SV học một lúc hai ngoại ngữ cũng là hướng tập trung đào tạo thời gian qua. Trưởng Bộ môn ngoại ngữ, khoa Cơ bản của trường, cô Võ Thị Thanh Ngà cho biết nhà trường chú trọng phát triển đầy đủ các kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết), đặc biệt là kỹ năng giao tiếp cho người học. Thời lượng học kỹ năng nói nay đã tăng gấp đôi so với trước. Ngoài tiếng Anh chính khóa, SV có thể học thêm tiếng Hàn do hai tình nguyện viên Hàn Quốc phụ trách trong khuôn khổ hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Tận dụng cơ hội này, ông Lê Viết Trương, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt-Hàn cho biết nhà trường đã mở các lớp học tiếng Hàn miễn phí cho tất cả các SV trường có nhu cầu. “Các lớp học này đã mang đến cho SV cơ hội học tiếng Hàn rất tốt, phần nào hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp tiếng Hàn ở mức độ sơ cấp làm nền tảng cho việc giao tiếp sau này cũng như giúp cho một số SV thi đạt các chứng chỉ TOPIK để làm hành trang cho việc du học tại Hàn Quốc cũng như xin việc trong tương lai”, ông Trương thông tin.
Ở ĐH Ngoại ngữ, SV phải học thêm ngoại ngữ 2 là học phần bắt buộc và số SV học thêm ngoại ngữ này các năm qua tăng đáng kể. Đặc biệt, chính sách cho phép SV học cùng lúc hai ngoại ngữ để khi tốt nghiệp SV được hai bằng đại học với hai khối kiến thức là chủ trương của ĐH Đà Nẵng nhằm tăng cơ hội việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên Trường Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic – Cơ sở Đà Nẵng rèn luyện kỹ năng nói, nghe tiếng Anh. Ảnh: V.T.L |
PGS Nguyễn Văn Long giải thích: “Điều này có nghĩa là SV các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng như ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm,... có thể đăng ký học để lấy thêm một bằng ở Trường ĐH Ngoại ngữ, sau khi tốt nghiệp sẽ được trang bị hai khối kiến thức và tất nhiên cơ hội thành công sẽ tăng lên theo”.
Trở lại câu chuyện của Hoàng Viên. Đầu năm 2018, anh thi TOEIC đạt điểm số 965/990, thuộc mức có thể giao tiếp ở bất cứ môi trường tiếng Anh nào. Qua giao tiếp công việc, anh quen biết một số doanh nhân nước ngoài, có người xem anh như bạn thân và gợi ý cho anh đứng ra mở công ty riêng. Ở công ty mới này, những lúc cần đàm phán với đối tác nước ngoài anh đều trực tiếp trao đổi, nhờ đó tạo được sự tin tưởng với họ và mang lại thành công cho công ty mình.
Ngoại ngữ là chiếc chìa khóa mở ra cơ hội việc làm và dẫn đến thành công. Nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài yêu cầu ứng viên thông thạo 1 - 2 ngoại ngữ. Nhưng đâu phải dễ dàng gì khi “bắt” một lúc hai ngoại ngữ. Hoàng Viên chia sẻ kinh nghiệm: “Một điều quan trọng là khi bạn đã học một ngoại ngữ nào đó thì hãy theo đến cùng và thật nghiêm túc cho đến khi bạn có thể giao tiếp được, nếu bạn không xác định được điều đó thì các bạn không nên học bởi cuối cùng bạn sẽ không nắm vững được nó mà còn mất thời gian và tiền bạc. Nếu bạn học tốt một ngoại ngữ nào đó, tôi tin chắc rằng bạn sẽ gặp nhiều thành công”.
Văn Thành Lê