Ở địa giới của hai xã Đại Cường và Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, có một khoảng đất trống, nằm cạnh chiếc hồ rộng, người dân gọi là cồn Văn Thánh. Nơi đây, có một miếu lớn, hằng năm đến dịp xuân kỳ thu tế, dân làng quanh vùng thường đổ về tổ chức cúng tế, suy tôn đức Khổng Tử và những người học giỏi, đỗ đạt của địa phương; đồng thời cầu hồn các nghĩa sĩ trận vong của Nghĩa hội Quảng Nam trong trận đánh Pháp tại đồng Gia Cốc năm nào…
“Văn Thánh miếu” giờ có tên mới là “Văn Vũ miếu”. Ảnh: V.T.L |
Từ truyền thống kiên cường...
Giặc Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng hịch Cần Vương, ở Quảng Nam dưới sự chỉ đạo của Chánh sứ Sơn phòng Trần Văn Dư, và sau này người kế nhiệm là Nguyễn Duy Hiệu, nghĩa hội Quảng Nam đã được thành lập và tồn tại trong 3 năm.
Trong phong trào kiệt hiệt và đáng tự hào này, bên cạnh những thủ lĩnh như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, vùng lưu vực sông Vu Gia đã sản sinh ra những con người anh hùng như: Đỗ Đăng Tuyển, Trần Đĩnh, Trần Huy… với nhiều trận đánh nổi tiếng như: Phong Thử, Vân Ly, gò Muồng, đồng Gia Cốc…
Vào đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu liên kết hào kiệt bốn phương từ Bắc đến Nam để thành lập Duy Tân hội. Người hào kiệt nổi tiếng vùng đất Nghệ Tĩnh này đã nhiều lần đến làng Ô Gia để gặp Đỗ Đăng Tuyển, vị Tán tương của Nghĩa hội năm xưa trở thành một yếu nhân trong phong trào Duy Tân hội, một tổ chức cách mạng đầu tiên có quy mô cả nước vào đầu thế kỷ XX.
Cuộc chống sưu thuế vào tháng 2-1908 nổ ra ở Đại Lộc và lan nhanh các tỉnh Trung Kỳ. Dọc đôi bờ sông Vu Gia trong đó có cả làng Gia
Cốc - Ô Gia cũng trở thành điểm xuất phát của những người dân áo rách, nón cời kéo nhau xuống tỉnh đường xin miễn sưu thuế. Cuộc chính biến bị đàn áp thảm khốc, nhiều người bị giết và tù đày, trong đó có các ông Trương Hoành, Lương Châu, Hứa Tạo, Trần Phước,... và cả Đỗ Đăng Tuyển, vị thủ lĩnh của phong trào Nghĩa hội trước đó và Duy Tân bấy giờ.
Đánh thù lòng như đá/ Lo nước tóc thành tơ… Câu thơ trích từ bài thơ điếu Đỗ Đăng Tuyển do Đặng Đoàn Bằng và Phan Bội Châu chép tiểu sử của ông trong “Việt Nam nghĩa liệt sử”, được Tôn Quang Phiệt dịch từ chữ Hán, đã trở thành truyền thống kiên cường của nhân dân Đại Lộc nói chung và nhân dân vùng lưu vực Vu Gia (Ô Gia - Gia Cốc) nói riêng trong suốt chiều dài giữ nước của dân tộc.
... đến một vùng đất học
Cũng ở vùng đất này, có truyền thống hiếu học, “Núi sông thanh tú nên có nhiều người có tư chất thông minh, dễ học” (Đại Nam nhất thống chí). Mặc dù thời ấy ít có trường học song tinh thần ham học, ham hiểu biết đã giúp các chàng trai tuấn tú vượt qua khó khăn để học tập.
Từ xưa, đã xuất hiện nhiều tấm gương hiếu học và đỗ đạt cao. Tiêu biểu như gia đình họ Hồ ở làng Phú Mỹ (ngôi làng có di tích nghĩa trủng chôn cất tử sĩ trận đồng Gia Cốc), có đến 4 người thi đỗ trong các khoa thi của nhà Nguyễn: ông Hồ Lệ (1848-1905) đỗ cử nhân khoa Canh Ngọ (Tự Đức thứ 23-1870); chú ruột ông là Hồ Hằng Tánh đỗ phó bảng khoa Giáp Thìn (Thiệu Trị thứ 4-1844); em ông là Hồ Lãm, đỗ cử nhân khoa Đinh Hợi (Đồng Khánh thứ 2-1887), con Hồ Lệ là Hồ Mậu và Hồ Ngận đều đỗ cử nhân.
Chuyện kể rằng, vào thời Tự Đức, một nhóm tri thức vùng lưu vực sông Vu Gia (tổng Phú Mỹ) đã thành lập Văn chỉ để có cơ sở hội tụ tri thức nhằm ôn tập và bình văn thơ (như hình thức câu lạc bộ bây giờ). Cho đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XIX, những người đỗ đạt cao của vùng đất lưu vực sông Vu Gia đã đóng góp tiền của xây dựng một ngôi miếu khang trang ở làng Phú Mỹ, trên nền đất gần nghĩa trủng (nơi mai táng các sĩ tử Nghĩa hội Quảng Nam hy sinh trong trận đồng Gia Cốc).
Ngôi miếu này thờ Khổng Tử và tôn vinh những người hiếu học của địa phương. Ngôi miếu có tên là miếu Văn Thánh. Từ đó, địa danh Cồn Văn Thánh được nhắc đến cho đến ngày nay. Đây cũng là tâm nguyện của tất cả nhân dân các làng xã quanh vùng thời đó, vì kết hợp vào việc cúng tế Văn miếu hằng năm, mọi người có thể thực hiện nghi lễ cầu siêu cho các vong hồn tử sĩ của Nghĩa hội mà không bị các quan lại sở tại dòm ngó, cấm đoán.
Vùng đất này còn có một sự kiện khá lý thú về lịch sử mái tóc ngắn, trào lưu mặc âu phục, học chữ quốc ngữ, lập hội thương tín… của phong trào Đông Du và Duy Tân do các cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh khởi xướng.
Đó là lần cụ Phan Châu Trinh từ Nhật về nước vào năm 1906 và ngược lên Đại Lộc viếng thăm cụ Học Tổn ở làng Gia Cốc. Cụ Học Tổn lúc bấy giờ có một cơ sở chế biến nông sản thuộc đơn vị kinh tế của Hội buôn Diên Phong, một tổ chức của phong trào Duy Tân vang dội cả nước. Cùng đi với cụ Phan có Phan Khôi và Nguyễn Bá Trác.
Trong cuộc đàm đạo, cụ Phan Châu Trinh nói tới việc cắt tóc ngắn, đại ý như: “Việc nhỏ như vậy mà các anh không làm được thì nói gì đến việc lớn”. Nghe cụ Phan nói vậy, mọi người cảm thấy xấu hổ và thế là tất cả cùng nhờ người con trai cụ Học Tổn mang kéo ra cắt tóc. Cuộc vận động này mấy ngày sau được Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện hưởng ứng rồi trở thành phong trào lan tỏa khắp trong tỉnh và cả nước.
Cồn Văn Thánh là một di tích hiếm hoi có liên quan đến làng Gia Cốc - Phú Mỹ, một làng quê từng là nơi thu hút và hội tụ những nhân vật kiệt xuất, xứng đáng là vùng đất màu mỡ của văn hóa, giáo dục và lịch sử, xứng đáng là niềm tự hào của con người Đại Lộc – Quảng Nam. Miếu xưa vừa được trùng tu, tôn tạo, nhưng lại ghi là “Văn Võ miếu” [文武廟] chứ không phải là “Văn Thánh miếu” [文聖廟]. Phải chăng các bậc túc nho địa phương muốn ngầm nhắc rằng đây không chỉ là nơi thờ Khổng Tử (Văn) mà còn là chốn ngơi nghỉ của các vong hồn tử sĩ của Nghĩa hội (Vũ) một thời?
Nguyễn Hải Triều