Mới sáng sớm, trên news feed của bạn bè Facebook đã nóng ran với tin về vụ bắt một lượng khủng ma túy mà thấy kinh sợ, dư âm còn lại vụ chùa Ba Vàng… Rồi tin cậu bé rong ruổi hơn trăm cây số đường trường thăm mẹ và em, những siêu thị khuyến khích gói thực phẩm và rau bằng lá chuối thay cho túi nilon,... Tổng kết lại thì trên trang Face của tôi tin tốt lành vẫn chiếm phần hơn, vậy là thấy bình an. Ai đó chê bai mặt trái mặt phải Face, tôi nghĩ việc đó do chính chúng ta, muốn hay không muốn để được nhìn và được gạn lọc.
Mai kia cậu bé sẽ lớn. Ký ức nhớ tuổi mười ba của cậu sẽ có một Nguyễn Nhật Ánh thứ hai. Tôi nhớ tuổi mười ba của mình, những dự án lớn của tuổi mười ba của bạn. Lên kế hoạch là thực hiện thôi chớ mấy ai hiểu phía trước là nguy hiểm, là phiêu lưu, nhưng gần như muốn kể cho khắp thế giới, muốn hét to cho mọi người biết. Tôi nhớ chuyến về quê đầu tiên một mình của tuổi lên mười hai, mười ba. Tôi đã làm gì, tôi đã đến đâu và tôi được nhìn thấy những gì,....
Như sáng nay về một ngôi nhà nghèo, một ngôi nhà của bà cụ cô đơn, nhỏ xíu, như nghìn năm không đổi trước thời gian. Chuẩn bị cho ngày giỗ cha mình, bà làm bánh da, xôi ngọt. Cái bánh da dẻo quánh, đỏ nâu, ai đó hỏi sao không làm đường trắng cho đẹp, bà trả lời bà thích màu đỏ nâu của bánh hơn màu trắng. Tôi ngưỡng mộ tấm lòng bà cụ đơn côi chiều qua đã tỉ mẩn làm bánh để hôm nay cúng giỗ. Mặc ngoài kia hàng quán ào ào, muốn món gì có món đó, từ bánh khô đến bánh dẻo.
Tôi nhón miếng bánh dẻo quẹo, bánh thơm mùi hương dầu chuối. Cái mùi xa lắc gợi tôi nhớ quà bánh ngày xưa đã từng ăn, đã từng làm vậy mà bao lâu rồi tôi không sờ tay lại.
Ngôi nhà nhỏ xíu và một ngôi vườn chuối. Sáng bà cắt lá chuối, rau trong vườn ra chợ, tỉ mẩn, chăm chút. Mua bán chỉ là một cuộc trao đổi, để đem về một con cá, chút gia vị đủ cho một bữa ăn của người già đã quá tám mươi.
Những tàu lá chuối mốc thuôn, xanh, đẹp, ít vỡ lá, xanh bắt mắt. Những tàu lá chuối đã có thể về siêu thị, quay lại một thói quen đẹp, rất đẹp, bớt đi một ít túi nylon... cho ngày sau, đời sau.
Để quay về một thói quen cũ, thiệt khó. Như đận trước, đi chợ xách giỏ, lần đầu tôi thấy ngượng, tưởng ai cũng nhìn mình “làm điệu”. Muốn quay lại một thói quen đẹp cũng phải tập tành.
Nhớ những gói lá, những bó dây chuối cột. Miếng lá được cắt vừa vừa, to hơn tờ giấy vở học trò, món hàng được bỏ vào giữa, gấp hai bên tà khít mí, bẻ cúp hai đầu lá. Gói hàng giống hình cái bánh gói, tay rút sợi lạt, tay cầm gói hàng, quấn sợi lạt, thắt gút. Muốn chắc hơn có cô bán hàng còn ghé răng giữ sợi lạt, đầu kia rút lại. Món hàng kiểu như dưa giá, măng chua thì còn thêm khoản chắt nước trở lại vào thau cho kiệt, đỡ dây dính.
Người đi chợ có cái giỏ thì sắp xếp hợp lý. Món cá tươi, thịt sống thì để gần nhau, xuống dưới đáy giỏ. Trứng thì phải nương nương một góc để khỏi vỡ. Mấy miếng đậu khuôn thì để lên trên. Rau hành các loại đã được bó sẵn. Cái nào không bó thì để nhẹ nhàng trên mặt giỏ. Xưa các bà các chị đi chợ cúng Tết Đoan Ngọ còn phải mua cả chú vịt sống để vào giỏ đung đưa, chú vịt ngóc mỏ ra khỏi giỏ mắt láo liên nhìn ngó. Hình ảnh đó đã một thời là hình ảnh trong mắt người phương Tây khi nghĩ về người phụ nữ Việt Nam.
Mẹ đi chợ về. Ai đó đã một thời say mê phút giây nhìn mẹ giở từng món, từng món trong chiếc giỏ thần kỳ. Háo hức, tin tưởng rằng sẽ có, sẽ có món gì đó ăn ngay mà không phải qua chế biến, nấu nướng. Có bữa trong chiếc lá chuối là những cái bánh chuối chiên giòn nóng hổi nếu hôm đó trời mưa, màu lá xanh chín óng dầu chiên thấm ra ngoài mặt lá. A ha, bánh chuối chiên thần thánh, béo thơm lạ kỳ trong vị giác trẻ thơ.
Bà tôi, mẹ tôi đã đi chợ như vậy. Tôi bây giờ đang tập lại thói quen xưa. Đi chợ bằng giỏ và ưa dùng lá gói. Nếu người bán sẵn sàng với quá nhiều bao nylon tôi hứa mình sẽ từ chối, luôn từ chối vì một ngày mai...
Ngày mai cho con cháu tôi.
LƯU BÌNH