HỌC NGOẠI NGỮ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Đổi mới để theo kịp xu thế

.

Cùng với xu hướng hội nhập, khả năng thông thạo một đến hai ngoại ngữ giúp mở ra cơ hội để mọi người tiếp cận với thế giới. Ngoại ngữ không chỉ là công cụ, mà là “tấm vé đặc biệt” cho cả tương lai. Trong xu hướng đó, nếu đợi đến khi các bạn trẻ ngồi trong giảng đường đại học mới tính tới việc học ngoại ngữ thế nào thì có lẽ đã quá trễ.

Giờ luyện nghe tại phòng ngoại ngữ - Trường THPT Hòa Vang. Ảnh: T.T
Giờ luyện nghe tại phòng ngoại ngữ - Trường THPT Hòa Vang. Ảnh: T.T

Nỗ lực đổi mới

Giờ đã là tháng 4, thời điểm năm học sắp kết thúc, đồng nghĩa với những ngày áo trắng đang dần rời xa những cô cậu học trò lớp 12. Tuy nhiên, không vì thế mà tiết thuyết trình bằng tiếng Anh của học sinh lớp 12 chuyên Anh của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vội vã. Chủ đề của giờ thuyết trình là mỗi nhóm/ cá nhân tự xây dựng CV (hồ sơ lý lịch) của bản thân. Gần 50 phút, tất cả các thành viên của lớp hoàn toàn làm chủ tiết học chứ không phải là giáo viên. 50 phút tập trung, hiệu quả nhưng không cứng nhắc, khô khan, mà rộn tiếng cười với những chi tiết thú vị, hóm hỉnh, đầy dấu ấn sáng tạo cá nhân của các bài thuyết trình. Nói là 50 phút bởi ngay cả khi tiếng trống báo hiệu kết thúc tiết học, các “diễn giả” và những “khán giả” của cả lớp vẫn say sưa. Và mọi thứ chỉ dừng lại khi cô giáo bộ môn tiếp theo tiến vào lớp.

Cô giáo Hoàng Thị Bảo Kim - giáo viên chủ nhiệm lớp, Tổ trưởng Bộ môn Tiếng Anh của trường cho hay, thế mạnh về các tiết học thuyết trình đã trở thành “truyền thống” của học sinh chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hơn 10 năm nay. Vì thế, học sinh của trường luôn đoạt giải cao (mới đây là giải đặc biệt trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh học sinh các trường THPT chuyên toàn quốc, năm 2018), trong các cuộc thi thuyết trình/ hùng biện cấp quốc gia, được chọn đi thi quốc tế. Một tiết thuyết trình/ tuần học, chính là lúc giáo viên và học sinh thu hái, củng cố thành quả của việc dạy và học bộ môn trước đó. Học sinh hào hứng thể hiện mình, tập trung hầu như 100% năng lượng. Theo cô Kim, để có được những tiết học thuyết trình hấp dẫn như thế, là cả quá trình nỗ lực học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng của cả giáo viên và học sinh.

Tại Trường THPT Hòa Vang, chất lượng việc dạy - học ngoại ngữ (tiếng Anh) không ngừng được nâng cao, cải thiện toàn diện bởi những nỗ lực thực hành các chủ trương đổi mới của nhà trường, theo định hướng của bộ và ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố. Nổi bật có thể kể đến việc thí điểm xã hội hóa dạy học tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài trong năm học 2018-2019 này. Thầy Nguyễn Xuân Nhiệm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc thí điểm dạy học tiếng Anh với người nước ngoài hiện được nhà trường áp dụng đối với 3 lớp khối 10 (mỗi tuần 1 tiết) và thu được những kết quả khá tốt. Dù phải nộp thêm học phí để học nhưng phụ huynh và các em học sinh đều rất hào hứng. Đối với chương trình học ngoại ngữ chung tại trường, thầy Nhiệm cho hay, thay đổi căn bản nhất chính là việc chú trọng đầy đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong dạy - học tiếng Anh chứ không nặng ngữ pháp.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy - học

Những nỗ lực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ trên địa bàn có thể thấy ở Trường THPT Tôn Thất Tùng, ngôi trường có chất lượng đầu vào khá thấp, việc học ngoại ngữ của học sinh nhiều năm nay theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Kim Vân là chỉ cốt “đủ điểm” để các em thi tốt nghiệp. Để khơi dậy tinh thần học ngoại ngữ của học sinh, năm học này nhà trường mạnh dạn đưa chương trình tiếng Anh có yếu tố nước ngoài tiếp cận học sinh. Mặc dù số lượng đăng ký mới đạt chừng 2/3 số học sinh tối thiểu để đối tác đồng ý mở lớp tại trường nhưng theo cô Vân, đây cũng là một tín hiệu vui. Bên cạnh những giờ học theo chương trình chính khóa, hoạt động sôi nổi của Câu lạc bộ tiếng Anh nhà trường cũng thu hút sự tham gia của những học sinh có niềm đam mê hoặc định hướng tương lai với bộ môn ngoại ngữ. Các giờ ngoại khóa, những cuộc thi về tiếng Anh được tổ chức tại trường, cũng có những người dẫn chương trình xuất sắc bằng tiếng Anh là học sinh trường “như ai”.

Vài năm trở lại đây, việc đầu tư thêm trang thiết bị dạy - học ngoại ngữ tại một số trường, cụ thể là phòng ngoại ngữ chuyên biệt với những trang thiết bị phục vụ hoạt động nghe - đọc của học sinh và giáo viên, cũng là sự khích lệ đối với việc nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thực chất, câu chuyện dạy - học ngoại ngữ trong trường phổ thông trên địa bàn không phải không còn việc để lo. Ngay tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, với nguồn học sinh chất lượng bậc nhất thành phố, trình độ ngoại ngữ của các em không chỉ với ngoại ngữ 1 là tiếng Anh mà tiếng Pháp - ngoại ngữ 2 và tiếng Nhật (trường có những lớp chuyên tiếng Nhật) là rất cao, thì so với những chuẩn quốc tế, chương trình học vẫn chưa có sự tương thích. Điều này theo thầy Lê Vinh - Hiệu trưởng nhà trường chính là “thách thức” cần tính đến trong việc dạy - học ngoại ngữ của trường, trong giai đoạn hiện nay.

 Giờ thuyết trình đầy lý thú của lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng. Ảnh: T.T
Giờ thuyết trình đầy lý thú của lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng. Ảnh: T.T

Bên cạnh đó, việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ dạy - học ngoại ngữ cũng là câu chuyện đáng bàn. Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đó là sự nghèo nàn, khan hiếm nguồn sách vở, tài liệu học tập đối với bộ môn Tiếng Pháp - môn trường có một lớp chuyên và tiếng Pháp là ngoại ngữ 2 đối với tất cả những học sinh còn lại. Thậm chí, đối với ngoại ngữ phổ cập là tiếng Anh, theo cô Bảo Kim, nếu trong nhà trường, có những nguồn sách vở tài liệu tham khảo tốt, giáo viên sẽ bớt nhọc nhằn hơn trong tìm kiếm, sáng tạo dạy học; từ đó sẽ kích thích hoạt động đổi mới dạy - học rộng khắp hơn.   

Đối với những trường THPT đại trà trên địa bàn, cơ sở vật chất cũng là một trong những trở ngại chung. Đơn cử như tại Trường THPT Hòa Vang, phòng ngoại ngữ dù mới được trang bị gần hai năm, nhưng thiết bị tai nghe hiện rất khó sử dụng, chất lượng bài nghe theo đánh giá là “hơi cứng”, không được sinh động, hấp dẫn, không thu hút học sinh.

Ngoài ra, việc áp dụng Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 của Bộ GD&ĐT mặc dù được thừa nhận là ưu việt, đổi mới, chú trọng đầy đủ 4 kỹ năng nhưng hiện rất ít được áp dụng tại các trường THPT trên địa bàn, bởi học sinh cần vượt qua kỳ thi trắc nghiệm khách quan. Chính tính chất của kỳ thi khiến học sinh đặc biệt là những học sinh cuối bậc phổ thông thường có thái độ học đối phó, “thực dụng” và giáo viên cũng phải chạy theo. Vì vậy, câu chuyện nâng cao hiệu quả, tính thực tiễn, toàn diện trong dạy - học ngoại ngữ ở trường phổ thông vẫn còn rất dài...

Với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại các trường phổ thông trong thành phố, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp như: Tổ chức dạy học chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020; trang bị thiết bị chuyên dụng dạy học ngoại ngữ cho các đơn vị trường học; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên theo chuẩn quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; thực hiện xã hội hóa chương trình tiếng Anh có yếu tố nước ngoài...

Hiện nay, toàn thành phố đều triển khai dạy - học tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD&ĐT, trong đó, cấp tiểu học và THCS theo chương trình 10 năm. Đối với cấp THPT, đa số các trường học theo chương trình tiếng Anh 7 năm, và mỗi trường sẽ có 1-2 lớp học chương trình tiếng Anh 10 năm của Bộ GD&ĐT.

Việc thi, hình thức thi hiện nay cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn chương trình dạy học tại các trường. Hình thức thi THPT hiện nay đối với lớp 12 chủ yếu là trên giấy, không kiểm tra kỹ năng nghe, nói (thực hành). Tuy nhiên, các trường đều được chỉ đạo dạy học, kiểm tra đánh giá ở các bài ngoại ngữ thường xuyên, định kỳ phải đầy đủ 4 kỹ năng, nên việc dạy học ngoại ngữ ở các trường phổ thông vẫn thực hiện, triển khai tốt, đúng theo quy định, đặc trưng của bộ môn và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT thành phố

Thanh Tân

;
;
.
.

Đọc nhiều

.
.
.