Nồi bánh tu huýt tuổi thơ

.

Không phải làm từ cao lương mỹ vị, nồi bánh tu huýt được mạ biến hóa từ những củ sắn, củ khoai phơi khô, xay nhuyễn thành bột, trộn với nước ấm và vắt thành những cái bánh hình ống rồi hấp chín. Lũ trẻ thế hệ 8x, 9x chúng tôi gần như là lớp cuối cùng được thưởng thức món bánh tu huýt. Mùi vị của món bánh nhà nghèo ấy cứ theo về trong trí nhớ chúng tôi, mỗi đận heo may ngang phố.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

“Ê, lâu lắm bọn mình không được ăn bánh tu huýt hè. Tự dưng tau nhớ mùi vị nó ghê!” - Cậu bạn chí cốt của tôi bất chợt cất giọng sau một hồi trầm ngâm ngắm phố xá, đợi từng giọt cà-phê tí tách rót xuống đáy ly. Tôi ngước lên bất chợt bắt gặp ánh mắt cậu neo nơi bước chân của người đàn bà quang gánh nặng trĩu đang khuất dần trong ồn ào xe cộ nối đuôi nhau vụt qua đường. Nỗi nhớ nhà trong chúng tôi không hẹn cứ kéo nhau ùa về.

Nguyên liệu để làm ra bánh thường chỉ là bột khoai khô hay xác sắn. Mạ nói, đó là sự sáng tạo của những đầu bếp nông dân. Không có đủ điều kiện để chuẩn bị những bữa cơm đủ đầy cao lương mỹ vị nên để tạo ra sự hấp dẫn cho bữa ăn đối với những nông sản làm ra quanh năm, họ nghĩ ra cách làm mới các nguyên liệu cũ, có sẵn để chế biến món ăn.

Để làm được món bánh này, mỗi mùa thu hoạch khoai, mạ cắt lát phơi rồi hì hụi quang gánh sang tận xã bên để xay thành bột. Với sắn thì có thể cắt lát phơi khô tương tự khoai hoặc có thể cạo vỏ, xay tươi, lọc bớt tinh bột rồi dùng xác sắn xay đó để làm thành bánh tu huýt.

Bánh tu huýt hay còn gọi là vắt vắt. Đơn giản vì để bánh chín đều thì người làm nó sáng tạo ra cách dùng chiếc đũa làm trụ rồi dùng tay vắt bột thành chiếc bánh hình trụ tròn, khi chiếc đũa được rút ra để lại lỗ thông hơi ở giữa. Mạ không thường xuyên làm tu huýt, bữa nào năn nỉ quá, mạ mới lục đục chuẩn bị bột, bắc nồi nước để làm. Đơn giản vì công việc đồng áng đã chiếm hết thời gian của mạ.

Ngày còn nhỏ, mỗi lần nghe mạ chuẩn bị nồi nước ấm và nguyên liệu bột để làm bánh tu huýt là lũ trẻ chúng tôi xắng xít cả lên, đứa nào cũng tay cầm sẵn chiếc đũa để vắt bánh. Bánh được vắt xong trải đều trên mâm, đợi mạ đi chặt thân cây hóp vào đan thành tấm mên. Một nồi nước, úp vào cái chén, tấm mên được để lên trên và bánh được xếp vào.

Sau tầm hơn 20 phút đỏ lửa, lũ trẻ chúng tôi lại tranh nhau hít hà hơi bốc lên nghi ngút từ nồi bánh. Bữa nào làm được ít bánh, mạ cho luôn lên nồi cơm vừa sôi tới để hấp. Đận đó, nhà nào khá giả, có thêm chén đường cát để chấm với tu huýt thì tuyệt, nhưng đa phần chúng tôi đều ăn nhạt mỗi bánh vì nhà nghèo.

Những ngày đông giá, mạ dậy thiệt sớm để chuẩn bị nồi tu huýt. Phần cho chúng tôi ăn sáng, phần khác, mạ gói cho mỗi đứa vài ba chiếc bánh vào tấm lá chuối tươi đã hong qua lửa để lá dẻo hơn, cất gọn một góc trong cặp sách để giờ ra chơi có cái mà lót dạ chống đói. Thường thì bánh tu huýt khi nguội không còn nhiều mùi thơm của khoai, sắn như vừa mới hấp xong, cũng không còn dẻo mềm nhưng lại có vị ngọt hơn nên đứa nào cũng thích.

Thích nhất là những bữa mãi theo đám bạn chăn bò đến quá giờ cơm, chạy một mạch về nhà, chưa kịp lau tay vào gấu áo đã bật tung nắp nồi cơm, thò tìm bánh tu huýt cho vào miệng nhai ngồm ngoàm. Ước chừng như cảm giác thích thú ấy còn thích gấp mấy lần bây giờ lũ trẻ được tặng một miếng bánh cao cấp.

Cuộc sống đổi thay. Nông nghiệp công nghệ cao ngày càng hiện diện thay thế những bước chân nhọc nhằn của những chú trâu, bò lấm lem bùn đất. Diện tích đất nông nghiệp ở các làng quê ngày càng bị thu hẹp dần trước cơn lốc đô thị hóa. Khoai không còn là cây trồng chủ lực của bà con nông dân như thuở chưa có thủy lợi về làng. Sắn làm cuộc di cư đời mình lên những nương rẫy cao, giống cây sắn cũng được thay thế hướng đến mục tiêu xuất khẩu tinh bột sắn ra nước ngoài.  Người nông dân dần xa rời với sắn, khoai - những nông sản từng một thời là lương thực chính cứu đói trong mỗi gia đình, như một lẽ tự nhiên.

Mỗi lần về thăm làng, tôi vẫn nhớ ngày xưa ấy, ba và mạ tôi mất cả ngày trời, cuốc bộ hàng chục cây số, ngược lên miền trung du mỗi mùa giáp hạt để vay mượn những gánh khoai, sắn nặng trĩu về cứu đói cho đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Số khoai vay mượn ấy sau vụ mùa sẽ được quy ra lúa để trả nợ. Chẳng thế mà khoai, sắn còn là ân tình trong nỗi nhớ của chúng tôi ngày khôn lớn.

Với lớp trẻ thế hệ 2000 trở về sau, khoai, sắn là thức ăn chơi không mấy hấp dẫn. Những bữa cơm bây giờ đã có đủ đầy dinh dưỡng. Các làng quê cũng không mấy ai thiếu đói như xưa. Bánh tu huýt trở thành miền ký ức của thế hệ chúng tôi trở về trước. Giọng cậu bạn tôi chùng xuống khi nhắc nhở về món bánh tu huýt. Tôi nhận ra mùi vị món bánh năm nào, cơ hồ như mình vừa đánh rơi điều gì ngọt ngào lắm.

Nhưng rồi bất chợt nhận ra, có những mùi vị không bao giờ mất hẳn dù tháng năm có nhàu nhò, xếp góc, dù căn bếp củi ám khói ngày xưa đã được thay thế dần bằng những bếp gas hiện đại, nền nhà bếp là gạch hoa láng bóng. Tôi đồ rằng, đó là món bánh ngon nhất mà chúng tôi từng được ăn. Bởi tu huýt không chỉ là bánh mà nó là mùi vị ấu thơ - mùi vị không chỉ riêng một món ăn mà còn gói trọn những thảo thơm từ đôi bàn tay của mạ.

Phan Vĩnh Yên

;
;
.
.
.
.
.