Bảo tàng Anh triển lãm Manga

.

Trong tiếng Nhật, “Manga” dùng để chỉ tất cả các loại truyện tranh và hoạt hình. Trong tiếng Anh, “Manga” có nghĩa cụ thể hơn là  “Truyện tranh Nhật Bản”; hoặc từ “Anime” được sử dụng ở trong và ngoài nước Nhật.

Nữ họa sĩ Takahashi Rumiko và nhân vật truyện tranh của bà.
Nữ họa sĩ Takahashi Rumiko và nhân vật truyện tranh của bà.

Tại phòng trưng bày Sainsbury Gallery của Bảo tàng Anh, triển lãm mang tên “The Citi: Manga”, diễn ra từ ngày 23-5 đến ngày 26-8 năm 2019. Lần đầu tiên một thế giới đồ họa truyện tranh lớn nhất được tổ chức bên ngoài Nhật Bản.

Triển lãm lần này giới thiệu các bộ truyện tranh gốc của Nhật Bản và tầm ảnh hưởng của nó trên toàn cầu. Công nghệ kỹ thuật số sẽ được sử dụng giúp cho cuộc triển lãm trở nên sống động, trong đó có việc dựng hình trực tuyến của một cửa hàng sách truyện tranh tồn tại lâu đời nhất ở Tokyo, nơi khách truy cập có thể lấy sách truyện tranh từ các kệ, có thể lướt qua hoặc tải xuống một số truyện tranh manga miễn phí, đọc trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Triển lãm truyện tranh sẽ cho du khách thấy những lịch sử truyện tranh hiếm hoi từ Nhật Bản cũng như các vật phẩm từ bộ sưu tập phong phú của bảo tàng, có từ thế kỷ 19.

Tranh trong truyện Câu chuyện về những con khỉ.
Tranh trong truyện Câu chuyện về những con khỉ.

Nguồn gốc lịch sử của phim hoạt hình Nhật Bản giống như thời kỳ sơ khai của hoạt hình trên toàn thế giới. Seitaro Kitayama là một trong những người đầu tiên tham gia, năm 1917. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hoạt hình chủ yếu được sử dụng trong bối cảnh tuyên truyền chống Mỹ. Đến năm 1951, Osamu Tezuka đã tạo ra bộ truyện tranh quan trọng, Tetsuwan Atom hoặc Astro Boy. Và nhiều năm sau Osamu Tezuka trở thành người tiên phong cho sự thành công của anime và manga trên toàn thế giới.

Một trong những bộ phim thuộc loại “bom tấn” được thực hiện dựa trên truyện tranh kinh điển vào những năm 1970 có tựa đề Barefoot Gen (Gen, đôi chân trần) được vẽ bởi một người sống sót sau vụ đánh bom ở Hiroshima tên là Keiji Nakazawa. Câu chuyện được kể từ chính cuộc đời tác giả, mô tả Thế chiến 2 ở Nhật Bản từ góc nhìn của một đứa trẻ và trải nghiệm đầu tiên về vụ đánh bom vào ngày 6-8-1945. Câu chuyện với nhân vật chú bé Gen và bà mẹ Kimie đào bới hài cốt của các thành viên gia đình từ nhà cũ của họ.

Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh Gen và Ryuta, người bạn trai khốn khổ, thấy lúa mì bắt đầu nẩy mầm và phát triển tốt, mặc dù nghe nói rằng ngay cỏ dại cũng không thể sống trên đất bị nhiễm độc bom nguyên tử. Với tinh thần lạc quan mới mẻ, Gen, mẹ anh và Ryuta đã đặt một chiếc đèn lồng bằng giấy xuống sông. Sau đó, họ cầu nguyện và nhìn theo trong khi chiếc đèn nhẹ nhàng đi vào hoàng hôn.

Áp-phích phim Gen, đôi chân trần và áp-phích phim Astro Boy.
Áp-phích phim Gen, đôi chân trần và áp-phích phim Astro Boy.

Tác giả manga Takahashi Rumiko là một trong những người viết, vẽ truyện tranh xuất sắc, giàu có nhất Nhật Bản hiện nay. Các bộ truyện của bà như Inu Yasha, Một nửa Ranma, Mezon Ikkoku, Urusei Yatsura… được nhiều độc giả ưa thích và đã làm nên sự thành công của nữ họa sĩ. Tính đến năm 2008, đã có hơn 170 triệu ấn phẩm của Takahashi được bán ra trên toàn thế giới. Bà cũng đã đoạt hai giải thưởng Manga Shogakukan (Shogakukan Manga Award): giải thưởng năm 1981 dành cho tác phẩm Urusei Yatsura và giải thưởng năm 2002 dành cho Inu Yasha.

Độc giả tặng Takahashi Rumiko biệt danh “công chúa manga”. Ngoài ra, bà còn mang danh hiệu là “họa sĩ truyện tranh được yêu thích nhất Nhật Bản”. Một điều đặc biệt là Takahashi đã dành trọn cuộc đời mình cho manga và đến nay bà vẫn chưa lập gia đình.

Xa xưa nhất là Câu chuyện về những con khỉ vẽ vào cuối những năm 1500 và được xem là tiền thân của manga theo cách  kết hợp lời thoại và sự hài hước - nó chế giễu samurais bằng cách miêu tả họ như những con khỉ. Manga hiện đại mang tính điện ảnh hơn nhiều, với hành động được vẽ từ nhiều góc độ và cận cảnh khác nhau, trong khi ở Câu chuyện về những con  khỉ các hình vẽ nhân vật trong một khung hình duy nhất, ngang tầm mắt, không luật lệ xa gần.

Bộ môn quyền Anh rất được yêu chuộng và phổ biến ở Nhật Bản và bộ truyện Joe của ngày mai của Tetsuya Chiba, 1968 được nhiều độc giả đón nhận. Nó nói về câu chuyện của một võ sĩ từ hoàn cảnh sống rất nghèo nàn đang tìm đường trở thành ngôi sao. Anh ta bị thương trên võ đài nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Rất nhiều người Nhật lúc đó đã thấy mình trong nhân vật đó.

Một trong những bố già của manga, Osamu Tezuka, đã từng nói rằng việc tạo ra manga giống như quyền Anh. Bạn bị đánh gục, bạn mất tất cả, nhưng bạn lại đứng dậy. Các họa sĩ manga liên tục làm việc dưới áp lực rất lớn.

Tranh trong truyện Joe của ngày mai của Tetsuya Chiba, 1968.
Tranh trong truyện Joe của ngày mai của Tetsuya Chiba, 1968.

Internet đã giúp người hâm mộ manga hình thành cộng đồng. Ngày nay, một số người hâm mộ không muốn chờ đợi bộ truyện tranh yêu thích mới của họ được xuất bản bằng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật, máy tính có thể chuyển ngữ và chia sẻ chúng miễn phí trực tuyến. Nhiều nhà xuất bản Nhật Bản hiện cung cấp các chương manga của họ dưới dạng kỹ thuật số và thường là miễn phí.

Cuộc triển lãm lớn về truyện tranh, hoạt hình Nhật Bản tại Bảo tàng Anh mang tên Manga lần này như là một cách giới thiệu hình thức nghệ thuật đang nổi bật lên như một hiện tượng toàn cầu.

HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)

;
;
.
.
.
.
.