Với tên gọi dự án Goby (tên tiếng Việt là Cá Bống), các tình nguyện viên (TNV) muốn truyền đi thông điệp hãy bảo vệ các sinh vật biển, bảo vệ đại dương, bảo vệ môi trường khỏi rác thải nhựa. Đây là mô hình được nhóm bạn trẻ là TNV người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng và một số sinh viên (SV) các trường đại học trên địa bàn cùng tham gia thực hiện.
Sau khi hoàn thiện, Bống thu hút được sự chú ý của nhiều người dân địa phương và du khách. Ảnh: T.H |
Sau hơn một tuần đưa vào sử dụng tại biển Đà Nẵng, mỗi ngày, mô hình cá Bống đã “ăn” một lượng rác thải nhựa không nhỏ, chủ yếu là vỏ lon, chai nước do người dân địa phương và du khách đi chơi biển bỏ vào…
Nhìn thấy mô hình con cá Bống tại biển Đà Nẵng, chị Trần Hoàng Trúc, du khách đến từ Đắk Lắk đánh giá, đây là hình ảnh trực quan sinh động, qua đó chị có thể lý giải cho con mình thấy được tác hại của rác thải nhựa ảnh hưởng tới môi trường sống.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành nên mô hình con cá Bống ăn rác thải nhựa trên bãi biển, Sara Field, Trưởng nhóm dự án, đồng thời là một giáo viên người nước ngoài đang sinh sống ở Đà Nẵng cho hay, chiều nào vợ chồng cô cũng đi dạo dọc bãi biển và quan sát thấy nhiều người xuống biển vui chơi mang theo chai nhựa. Từ đó cô nung nấu ý định muốn làm một điều gì đó để thay đổi ý thức của người dân và du khách. Một lần, qua mạng Internet, nhìn thấy mô hình con cá Bống ăn rác thải nhựa ở Bali (Indonesia), cô Sara Field đã chia sẻ ý tưởng này với vài người bạn nước ngoài.
Được sự ủng hộ của bạn bè, Sara Field kết nối với Ban quản lý (BQL) Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng thực hiện mô hình này. Theo Sara Field, ban đầu nhóm cũng gặp một vài khó khăn như chỉ có ý tưởng, chưa có kỹ năng hình thành con cá Bống bằng tre. May mắn được sự hỗ trợ của các chuyên gia về tre và dừa tại Hội An, các thành viên trong nhóm đã kết nối để hoàn thiện Bống.
Với khẩu hiệu “Feed Bống Plastic And Not Ocean!” (Hãy cho Bống ăn rác thải nhựa, chứ không phải đại dương!), Sara Field mong muốn mô hình sẽ thu hút và khuyến khích người đi biển bỏ rác vào thùng rác tập kết, đặc biệt là rác thải nhựa.
Có thể hiểu về hình ảnh con cá Bống trên bãi biển theo hai cách: thứ nhất là thông qua quy mô và số lượng rác trong bụng Bống để tác động đến nhận thức của con người về sự nghiêm trọng ở mỗi chai nước khi được thải ra môi trường; thứ hai, hình ảnh chú cá bảo vệ lấy biển bằng cách thu vào người những rác thải con người sử dụng thay vì để chúng nằm rải rác trên biển và trôi ra đại dương.
“Nếu Bống thành công, nó sẽ mang lại hiệu ứng chia sẻ xã hội vô cùng lớn, nhóm dự án hy vọng sẽ nhân rộng mô hình này trên biển Đà Nẵng và thu hút được các nhóm tình nguyện vì môi trường trên thế giới quan tâm, nhân rộng dự án tại các nước khác trên thế giới”, Sara Field bày tỏ.
Dự án Goby với mô hình con cá Bống ăn rác thải nhựa được nhóm TNV thực hiện và đặt tại bãi biển nút giao thông Nguyễn Văn Thoại - Võ Nguyên Giáp. Dự án đã xây dựng hình ảnh cá Bống thông qua nghệ thuật sắp đặt với nhiều loại vật liệu khác nhau. Con cá Bống cao 3m, dài 5m được làm từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường như tre, nứa… được bọc lưới vây quanh để đựng rác thải. Mô hình này được các TNV thực hiện trong 3 tuần, họ đã tự tay làm hết các công đoạn từ việc tìm kiếm nguyên liệu tre, dừa, đục đẽo, cắt gọt, ráp mô hình, trang trí hoàn thiện con cá.
Tham gia vào dự án Goby, Phạm Thị Thu Trang, sinh viên năm 3, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) bày tỏ mong muốn mọi người sẽ thay đổi suy nghĩ của mình về việc sử dụng và xả rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên. “Hãy nghĩ đến hình ảnh những sinh vật ở đại dương đang nuốt phải rác thải nhựa do con người thải ra hằng ngày, qua đó mọi người cần hạn chế việc dùng cũng như xả rác một cách bừa bãi ra môi trường sống”, Trang nói.
Còn Asia Neudachina, đến từ Nga, đang làm phát triển website tại Đà Nẵng cho rằng, đây là một ý tưởng tuyệt vời. Cô nói: “Biển Đà Nẵng đẹp như thế này nên chúng tôi không muốn nhìn thấy rác thải nhựa trên bãi biển. Chúng tôi hy vọng khi thấy con cá Bống ở biển, mọi người sẽ suy nghĩ tại sao lại có con cá Bống đựng rác ở đây, tại sao phải tách rác thải nhựa ra khỏi biển. Tôi cũng mơ ước rằng không chỉ ở Đà Nẵng mà ở những bãi biển khác cũng sẽ có mô hình cá Bống”.
Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Vũ hy vọng thông qua dự án này sẽ lan truyền thông điệp bảo vệ đại dương, môi trường biển và lối sống văn minh, người dân và du khách sẽ ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường biển, đặc biệt bảo vệ đại dương khỏi rác thải nhựa, vì cộng đồng và môi trường sống.
THU HÀ