Trên con đường Trường Sơn huyền thoại, có những thành tích, chiến công của cán bộ, chiến sĩ Ban Xây dựng 67 (gọi tắt là Ban 67) anh hùng. Ban 67 gắn với chiến công của đường 20 Quyết thắng. Ở đó, trên 50.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP) đội mưa bom bão đạn mở và gìn giữ con đường dài 123km từ Phong Nha (tỉnh Quảng Bình) qua đèo Phu La Nhích (Lào), nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn.
Ông Võ Khắc Mai kể về đường 20 Quyết thắng gắn với chiến tích của Ban 67 anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.T |
77 ngày đêm khoét núi, mở đường
“Đường 20 nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn là một kỳ tích, kỳ quan, kỳ công trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt”. Đó là nhận định của kỹ sư ngành giao thông Võ Khắc Mai (83 tuổi, trú tổ 21, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) - một trong những TNXP tham gia công tác tại đường 20 Quyết thắng, thuộc đường Trường Sơn, cách đây hơn 50 năm.
Những năm 1964-1965, nhận định đường Trường Sơn được khơi thông từ năm 1959 chỉ vận chuyển nhu yếu phẩm, vũ khí quân trang bằng đi bộ hoặc phương tiện thô sơ không đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến, Tư lệnh Trường Sơn phối hợp với Tư lệnh Đoàn 559 ra quyết định phải chọc thủng Trường Sơn, mở đường vận tải bằng phương tiện cơ giới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thông đường 20 Quyết thắng dài 123km nối từ Phong Nha (tỉnh Quảng Bình) qua đèo Phu La Nhích (Lào).
Ông Mai khẳng định đường 20 là kỳ tích, kỳ quan và kỳ công bởi khi tiếp nhận chủ trương từ Tư lệnh Trường Sơn và Tư lệnh Đoàn 559, nhiều cán bộ, người có chuyên môn ngành giao thông vận tải khi đó rất lo ngại. Trong 123km đường rừng ấy, có 68km ở địa phận Việt Nam, 55km thuộc địa phận nước bạn Lào. Đặc biệt, thật khó để chọc thủng hơn 45km vách núi đá dựng đứng trên hành trình nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Nhưng rồi, với quyết tâm thực hiện chiến lược “làm bằng được, làm nhanh, làm trong bí mật” của Đảng, giải pháp sử dụng bộc phá được coi là tối ưu để mở đường 20. Đúng chiều tối 30 Tết năm 1966 (ngày 9-2-1966), lệnh nổ mìn trên toàn tuyến được thực thi.
Ông Mai giải thích, sở dĩ quân ta chọn giờ nổ mìn là chiều tối bởi khi đó, máy bay trinh sát của địch không còn hoạt động. Nổ tan hoang, nham nhở, vì vậy để che mắt giặc vào sáng sớm mai, ngay đêm hôm đó cho đến trước khi trời sáng, những người mở đường phải ngụy trang bằng cây rừng, phủ lấp dấu vết mìn nổ để lại. Hành trình nổ, lấp như thế kéo dài liên tục 77 ngày đêm. Đến ngày 27-4-1966, đường 20 Quyết thắng cơ bản thông tuyến.
Nhưng mọi thứ chưa dừng lại, tuyến đường lúc đầu được giữ bí mật tuyệt đối, sau vẫn bị máy bay địch phát hiện. Chúng điên cuồng dội bom bắn phá, đường 20 liên tục bị bom đạn cày xới. Ngày địch đánh bom, đêm những người lính của đường 20 lại bật dậy san lấp. Có những khi giặc xới bom liên tục, không thể đợi đêm xuống mới thông đường, các chiến sĩ ngày ấy phải lao ra giữa những trận đánh bom liên tục. Để giành giữ được tuyến đường, sự hy sinh là không thể kể hết.
Không tiếc thanh xuân
Những năm 1968-1969, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, tại đường 20 Quyết thắng, đặc biệt ở km 68, ngay biên giới Việt - Lào, địch tập trung dội bom dày đặc, nhưng con đường vẫn không một giờ phút bị gián đoạn.
Ở km 68 trên đường 20 Quyết thắng, có một câu chuyện mà Đội trưởng Đội Khảo sát - Thiết kế Ban 67 Võ Khắc Mai đến bây giờ nhớ lại vẫn không nén nổi xúc động. Đó là chuyện về đội TNXP 25 (thuộc Ban 67), năm đó vì những thành tích đặc biệt trong công tác thông đường 20 ở km 68, đội được Bác Hồ tặng thưởng lẵng hoa, đồng thời chủ trương trên cho cử 7 nam, nữ rời đoạn đường sinh tử về học sư phạm.
“Nhưng lúc đầu, nói thế nào các em cũng cương quyết xin ở lại, vì cho rằng, nhiệm vụ của các em ở đây còn dang dở. Mãi cho đến khi thủ trưởng nói rằng, việc học và truyền giữ những câu chuyện các em đã sống, cống hiến trên con đường này cho thế hệ sau cũng vô cùng quan trọng, các em mới xuôi. Trước khi đi, 7 thanh niên ưu tú từng sống chết với con đường đã thổn thức vốc từng nắm đất, thăm những hố bom, thắp nhang những người đồng đội, đồng chí đã ngã xuống... Tôi khi đó theo sau đã không kìm được nước mắt”, kỹ sư Mai nhớ lại.
Cuối năm 1968, khi các ngả đường 7, 15, 12 nối qua Lào đều bị địch phát hiện, đánh phá, kỹ sư Mai được giao nhiệm vụ vào đường 20, băng rừng tìm đường tránh. Đó là thời điểm dịch sốt rét, cả đội 25 người thì có đến 23 người sốt rét, ông Mai khi đó cũng bị sốt cao. Tuy nhiên, nhiệm vụ cấp bách, không thể trì hoãn. Vậy là, ông cùng đoàn kỹ thuật, bộ đội băng rừng, lội suối tìm đường tránh, sốt thì nằm nghỉ, đỡ sốt thì đứng dậy đi, cứ thế cho đến ngày tìm ra đường. Và, “Ta cứ đi” như thế cho đến ngày toàn thắng.
Ông Đào Xuân Hiệt, Trưởng Ban liên lạc 67 tại thành phố Đà Nẵng không giấu niềm xúc động khi chúng tôi nói về đường 20 Quyết thắng, trên đường mòn Trường Sơn huyền thoại. “Dù tham gia Ban 67 vào giai đoạn gần kết thúc chiến tranh (năm 1972), tôi vẫn cảm nhận được bầu không khí sục sôi tất cả vì tiền tuyến của anh em, đồng đội khi đó. Những câu chuyện, những tấm gương liên tục được nhắc kể như những huyền thoại giữa chiến tranh tiếp thêm sức mạnh, khát khao cống hiến cho chúng tôi”, ông Đào Xuân Hiệt xúc động.
Tính đến ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường với tổng chiều dài 2 vạn km đường ô-tô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng nghìn cầu, cống, ngầm.
Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng TNXP nói chung, Ban 67 (được Bộ GTVT ra quyết định thành lập ngày 23-4-1967) nói riêng đã có hàng chục nghìn người anh dũng hy sinh.
Ban liên lạc 67 tại thành phố Đà Nẵng hiện có trên 170 thành viên. Trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới, những thanh niên xung phong đường Trường Sơn năm nào tiếp tục vượt khó vươn lên xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Ban liên lạc phát huy tinh thần tương thân tương ái, vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa là cầu nối, để phát huy, tiếp thêm sức mạnh, truyền thống của thế hệ đi trước cho thế hệ đi sau.
Nguồn: Ban Xây dựng 67
|
THANH TÂN