“Kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục phục hồi nhờ các biện pháp kích thích theo ngân sách tài khóa 2019 của Chính phủ”. Đây là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso sau khi số liệu của chính phủ đưa ra một ngày trước đó về tăng trưởng GDP khiến nhiều người bất ngờ.
Người dân Nhật Bản mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo. Ảnh: Bloomberg |
Ông Taro Aso cho biết tại cuộc họp báo ngày 21-5 rằng, nhịp độ tăng trưởng 2,1% trong quý 4 tài khóa 2018 (kết thúc vào tháng 3-2019) là không tồi. Trong khi các nhà phân tích cho rằng, mức tăng này đạt được là nhờ yếu tố kỹ thuật chứ không phản ánh tình hình thực sự của nền kinh tế.
Với số liệu mới được công bố, quý cuối của tài khóa 2018 là quý tăng trưởng thứ 2 liên tiếp của kinh tế Nhật Bản, dù xuất khẩu yếu hơn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Mức tăng trưởng vừa đạt được trái ngược với dự báo của thị trường về khả năng GDP giảm tốc hay thậm chí là suy giảm.
Tuy nhiên, số liệu của chính phủ cũng cho thấy tiêu dùng và đầu tư kinh doanh thấp yếu, củng cố quan điểm cho rằng nền kinh tế có thể được hỗ trợ nhờ đầu tư của chính phủ, trong đó có việc rót tiền cho các dự án công cộng. Nhiều nhà phân tích thuộc khu vực tư nhân cho rằng, GDP tăng trưởng là nhờ nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất, từ đó kéo GDP nhích lên.
Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản được đưa ra khi thị trường nhận định nước này có thể sẽ phải hoãn tăng thuế tiêu dùng theo dự kiến vào tháng 10 tới để giữ vững đà tăng trưởng. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cũng đánh giá tích cực về nền kinh tế. Theo ông, các điều kiện về việc làm và thu nhập, cũng như lợi nhuận doanh nghiệp vẫn khá tốt, và kinh tế Nhật Bản sẽ vẫn trên đà phục hồi vừa phải nhờ chi tiêu tiền vốn ổn định.
Có thể nhận thấy, trong quý 1-2019, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng 0,5% so với quý trước đó, sau khi loại trừ ảnh hưởng của sự biến động giá. Đây là quý thứ 2 liên tiếp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng, sau khi tăng 1,6% trong quý 4-2018.
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng liên tiếp trong 2 quý do có sự gia tăng mạnh đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và đầu tư công. Đầu tư vào lĩnh vực nhà ở từ tháng 1 đến tháng 3 vừa qua tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước và đây là quý thứ 3 liên tiếp đầu tư trong lĩnh vực này tăng. Trong khi đó, đầu tư công cũng tăng 1,5%.
Dù đạt được tăng trưởng GDP mạnh trong quý 1-2019, nhưng xuất khẩu của Nhật Bản vẫn giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do kinh tế nhiều nước có quan hệ thương mại với Nhật Bản đều giảm tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc. Nhập khẩu của Nhật Bản cũng giảm tới 4,6%, thể hiện nhu cầu trong nước yếu.
Đặc biệt, tiêu dùng cá nhân - nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản - giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu giảm liên tiếp 2 quý. Trong khi đó, đầu tư trang thiết bị giảm 0,3%, đánh dấu 2 quý giảm liên tiếp. Đây cũng là do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm xuất hiện những động thái dừng đầu tư trang thiết bị, tập trung vào lĩnh vực chế tạo.
Theo giới phân tích, chính phủ có thể không coi tình trạng “suy yếu đi” là suy thoái nếu đà giảm chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Norinchukin cũng cho rằng, Chính phủ Nhật Bản dường như sẽ phải đánh giá thận trọng những thông tin kinh tế tiêu cực cùng với dữ liệu kinh tế khác, bao gồm tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1 từ tháng 1 đến tháng 3-2019, để xác định có xúc tiến kế hoạch tăng thuế tiêu thụ hay không. Tuy nhiên, nhà kinh tế này cũng nhận định rằng, với những dữ liệu kinh tế gần đây, hiện không phải là thời điểm để tăng thuế.
Đoàn Gia Huy (tổng hợp)