Niềm vui khi được trở về

.

Mới đầu hè mà nơi đâu cũng oi bức, ngột ngạt. Tôi mệt mỏi sắp xếp lại giá sách đã lâu không sờ đến vì bận bịu. Cuốn Nắp biển (*) của Banana Yoshimoto với chiếc bìa màu xanh có hai bóng người ngước mắt về phía biển hiện ra. Tôi cũng đang cần một điều gì đó thật bao la.

Dài vỏn vẹn chỉ 140 trang, Nắp biển có thể xem là một cuốn tự truyện của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học tên là Mari hoặc là một bài thơ nhẹ nhàng tả về cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp vùng phố biển. Logic mạch truyện cứ chảy tự nhiên theo thời gian, kể từ khi Mari vừa rời khỏi ngành sân khấu của trường mỹ thuật ở Tokyo cho đến khi cô trở về nhà, mở một quán xi-rô đá bào bên bờ biển của thị trấn Nishiizu.

Mari vốn dĩ muốn ngược đến phương Nam - vùng đất sầm uất để sống và trải nghiệm. Nhưng trong chuyến du lịch ngắn ngày ở một hòn đảo nhỏ, cô nhận ra mình dễ dàng chìm nghỉm trong những mơ màng của hạnh phúc. Những cảnh sắc vừa thân thương vừa mới mẻ không ngừng gợi nhớ đến quê nhà khiến cô quyết định trở về và mở quán bán món đá bào mà mình yêu thích.

“Rất lâu rồi tôi mới lại được ngắm không khí nồng ẩm sáng lấp lánh trong buổi chiều nắng sau cơn mưa như vậy. Nếu không phải con đường đắp đất, hẳn sẽ không có bầu không khí ấy. Vũng nước nào cũng phản chiếu ánh sáng, lũ trẻ bì bõm lội qua những vũng nước vào nhà”. Cây vạn tuế, cây phúc, cây mía và cả cây dừa đều rất lạ lẫm và mới mẻ. Tôi không ngớt ngắm nhìn chúng mê mải, tôi say sưa với chúng như thể đang yêu. Sự ngọt ngào giản đơn và tình yêu quê hương xâm chiếm khiến cô nhận ra nhịp sống tất bật ở phố thị hoàn toàn không phù hợp, nó khá phù phiếm với một người thích quan sát như cô.

Mùa hè rực nắng, đường viền chân trời, những con đê nhấp nhô chắn sóng, bình minh, hoàng hôn và cả ngôi chùa cổ trú mình trong khu rừng gần đó… Tất cả chào đón sự trở về của đứa con nặng lòng với biển. Những ngày đầu về quê, Mari đón thêm một người bạn mới là Hajime. Đó là cô em họ kém cô vài tuổi. Cô bé được đón về ở với gia đình một mùa hè. Từ đây, ngoài những cảnh miêu tả thiên nhiên, Nắp biển còn dần đi sâu vào khai thác nội tâm con người.

- Thật ra, em rất thích cửa hàng của chị… Bởi vì cửa hàng của Mari chỉ có toàn những thứ chị thấy hài lòng sau khi đã cân nhắc kỹ, không có những món xi-rô lòe loẹt, ly tách cũng là thủy tinh Okinawa, tuy mộc mạc nhưng rất đẹp. Được ở trong không gian mà Mari đã dựng lên bằng tất cả tình yêu như vậy lòng em như lắng lại. Em cứ có cảm giác yên tĩnh thanh bình lạ lắm.

- Cám ơn em đã hiểu chị.

- Em cứ nghĩ mình sẽ buồn khi ngắm biển đêm… thế nhưng không hiểu sao khi hít thở tử tế lần đầu sau bao ngày, đột nhiên em cảm nhận được mùi thơm của thủy triều chị ạ. - Thực ra, Hajime với vẻ ngoài mong manh nhưng lại chất chứa nhiều đau buồn đến ám ảnh. Đó là sự ra đi của người bà mà cô bé yêu thương nhất, là sự tranh giành gia sản của những người chú trong gia đình, là vết bỏng che kín nửa khuôn mặt.

Nhưng khi được về với biển, mỗi ngày được trò chuyện với Mari, Hajime dần tìm lại được lý do để sống, để tấm lòng nở hoa yêu thương. Cuối truyện, cô bé đã quyết định mở một cửa hàng thú bông. Những con thú cũng chính là những em búp bê sẽ được may đính kèm vỏ sò hoặc những mảnh san hô với màu sắc phù hợp. Chúng chính là những món quà, những người bạn giúp những em bé lớn lên không còn cô đơn.

Chỉ từ những chi tiết nhỏ như phao bơi, tán cây, bờ cát, ánh nắng, những mái dù,… chỉ từ những mẩu thoại ngắn không phô trương mà tác giả đã mang đến cho người đọc bao ý niệm, dư âm sâu sắc.

Nắp biển, cuốn tiểu thuyết nhẹ và nhỏ bé nhưng chứa đựng biết bao mạch nguồn về tình yêu cuộc sống. Mỗi người chỉ thật sự hạnh phúc khi được sống ở nơi mình yêu và làm công việc mình muốn. “Tôi nghĩ về quãng thời gian ngắn ngủi mình được mang thân thể này, tồn tại trên cõi đời này. Quá ngắn ngủi mà tôi lại yêu thương quá nhiều” - Đoạn độc thoại cuối cùng của Mari vừa dứt cũng là lúc tôi sắp xếp ổn thỏa mọi ngổn ngang trong lòng. Bốn mùa, ta đều cần yêu thương. 

Minh Thi
(*) Nắp biển-Banana Yoshimoto (Nhà xuất bản Nhã Nam)

;
;
.
.
.
.
.