Nỗi niềm nhà quê

.

1. Mấy hôm trước có người bạn từ hồi để chỏm về thăm làng. Dễ chừng gần 40 năm mới gặp lại. Ăn với nhau một bữa cơm dưa mắm, uống bát nước chè xanh rồi ra chõng tre ngoài vườn ngồi ôn nghèo kể khổ. Bạn hỏi: Còn nhớ thầy T. không? Thầy người Huế dạy Văn lớp mình hồi cấp 3 đó. Vừa rồi đi công tác TP. Hồ Chí Minh có gặp thầy. Thầy vẫn như xưa… Nghĩa là vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm “Cố viên tâm” như thi nhân Đỗ Phủ ngày trước.

Nhớ cái hồi chân ướt chân ráo vào lớp 10 trường huyện. Thầy dạy Văn mà như hát. Cái giọng Huế ngọt lịm đọc thơ thì học trò nhà quê chỉ có ngồi há miệng nghe. Mà cũng lạ, từ hồi học thầy, mấy đứa học trò nhà quê không còn tự ti vì xuất thân của mình nữa. Thầy nói: “Các em ạ, ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái áo các em đang mặc, chén cơm các em ăn hằng ngày đều là của người nhà quê làm ra. Đừng bao giờ coi thường điều đó!”.

2. Ừ thì ngẫm nghĩ đường đời hai chữ “nhà quê” cũng lắm truân chuyên. Càng ngày người ta đã kéo nó đi xa cái nghĩa ban đầu là nhà ở quê, chính xác hơn là quê hương của mình hay để chỉ người ở nông thôn.

“Nhà quê” một khi trở thành tính từ thì không còn là quê nhà, là nơi ta được cất tiếng khóc oe oe chào đời, là chỗ gốc khế, cây cau chôn mảnh nhau vừa rời bụng mẹ để sau này có đi đâu về đâu cũng còn nhớ đường về. “Nhà quê” trở thành quê mùa, sến sẩm, thô kệch, thậm chí là dốt nát. Khi thêm vào chữ: đồ, hạng, bọn… trước hai chữ “nhà quê” thì là cả một trời rẻ rúng, miệt thị.

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941, hai nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân đã khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Và thực tế cũng chứng minh rằng Việt Nam có gần 70% dân số làm nông nghiệp và có rất nhiều bậc vĩ nhân, kỳ tài… đều từ nhà quê mà ra.

Vậy mà nỗi ám ảnh bị cho là dân quê mùa đã khiến nhiều người phải chối bỏ xuất thân của mình hay cố “thị thành hóa” một cách triệt để. Để rồi đi đâu cũng thấy lạc lõng, bơ vơ không biết mình gốc gác từ đâu.
Trở lại với người bạn. Hơn 40 năm rời làng vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp mà bạn vẫn còn nhớ món cá chuồn kho mít non, nhắc xuống bếp rồi còn rắc thêm mấy hạt tiêu, xắt thêm nắm lá lốt cho thơm… Vẫn mi, tau, răng, rứa… như hồi còn chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng. Chỉ còn thiếu cái kiểu phủi chân “ba xoa, hai đập” trước khi trèo lên chõng đi ngủ nữa là y hệt dân quê thứ thiệt. Tự nhiên thấy vui trong lòng. Đại loại là, may quá, cái hồn cốt nhà quê vẫn còn đó trong hình hài thị dân hiện đại.

3. Hôm qua bạn gọi điện về hỏi: Nghe nói quê mình sắp có dự án chi à. Rứa rồi đồng Chùa, ruộng Chánh, bàu Đưng vẫn còn hay đã giải tỏa rồi. Tự nhiên thấy chạnh lòng ghê gớm. Mà đâu phải chi riêng làng mình. Nhiều nơi “đùng một cái” lên phố thị khiến người xa quê quay về ngẩn ngơ tìm lại mảnh vườn xưa trong nuối tiếc.

Giờ ở quê ngồi đâu cũng nghe người ta bàn chuyện dự án, giải tỏa, bán đất, bán vườn. Đất quê ngày càng thu hẹp, người quê rồi sẽ ra sao khi thửa ruộng, mảnh vườn không còn. Mỗi lần đi ngang một khu định cư mới, nhìn những luống cải lên xanh bên hàng dưa leo đang trổ nụ vàng trên lô đất trống là biết có một người nhà quê đang ở đó với niềm riêng đau đáu mang tên ruộng vườn. Cái thói quen trồng đậu, trồng cà không dễ gì bỏ được. Ngồi không trong căn nhà bê-tông cốt thép, tay chân bải hoải. Nhớ mùi cất cày ải tháng ba, nhớ mùi phân trâu hoai nồng ủ góc vườn. Thế là thấy lô đất nào chưa làm nhà liền ra tay dọn cỏ, đánh luống trồng rau. Rồi khi chủ đất lên đo đạc làm nhà, đành phải cắn răng mà nhổ cải, phá cà. Lòng lại đau như mất đi thứ quý giá nhất…

Mà nghĩ cũng lạ, trong khi nhiều người coi thường người nhà quê nhưng lại đặc biệt tin tưởng vào những sản phẩm do người quê làm ra. Có một thời người ta tung hô những thực phẩm công nghiệp hiện đại thì bây giờ lại tìm về với gạo quê, rau quê, gà quê, heo quê, dầu phụng quê… Thậm chí có nhiều mặt hàng gắn liền với chữ “quê” lại đắt tiền hơn so với sản phẩm công nghiệp.

Mấy ngày nay nắng nóng gần 40 độ đến mệt lử người. Bạn nói thèm một cơn gió đồng thổi qua con sông Quá Giáng, tràn về đồng Cây Dừa đang chín rộ. Ở đó có bầy cào cào châu chấu nhảy lách tách, áo xanh áo đỏ xập xòe trong gió. Những ngọn gió thơm bay đi khắp làng đậu trên từng cánh võng đong đưa.
Tiếng gà gáy trưa eo óc quanh đây. Giật mình tỉnh dậy, ôi may quá, mình vẫn còn là người nhà quê trên mảnh đất làng mình…

Xuyến Chi
 

;
;
.
.
.
.
.