“… Một khoảng thời gian dài hay ngắn trong đời người, vào một ngày nào đó, có ai đó hoặc có thể nhiều người, sẽ tự ngẫm nghĩ về chính mình trong đoạn đời mình đã trải qua. Mình với người thân, bạn bè, bằng hữu, với cỏ cây hoa lá, với một ngày sáng tối trôi qua, với vòng quay luân hồi Xuân, Hạ, Thu, Đông…?
Tất cả những suy ngẫm đó như được “bừng nở” để hé lộ cho người yêu mỹ thuật hội họa cảm thụ về những sắc màu của bảng màu Hoàng Sao, về các sắc thái của cảnh vật, của tâm cảnh cùng âm nhạc, ca từ, thi ca… đã được họa sĩ Hoàng Sao hoài thai trong gần nửa thế kỷ...”.
Một số tác phẩm trong triển lãm. |
Một đêm mùa hạ 1986, tôi ghé quán cà-phê bên bờ sông Hương, quán ở trong khuôn viên Nhà Văn hóa thiếu nhi TP. Huế, một công thự cũ từ thời người Pháp còn hiện diện, vườn cây toàn là những lão cây cao bóng cả, không gian thoáng mát trong gió chiều nhẹ êm của dòng Hương Giang. Trong không gian êm đềm đó, tôi gặp chàng trai trẻ Hoàng Sao, chủ quán cà-phê, một người rất yêu nhạc, thơ văn và mỹ thuật. Tôi có thói quen gọi những người như Hoàng Sao là “Anh em văn nghệ”.
Cái quán “thiếu nhi” này lại được các “ông văn nghệ lớn” của Huế thường hay đến trà dư tửu hậu. Tôi không thể kể được tên các nhà thơ, nhà văn; nhưng trong giới họa sĩ, các tên tuổi như họa sĩ Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Dương Đình Sang, Tôn Thất Văn, Đặng Mậu Tựu… thường xuyên đến. Vì vậy, tôi tin chắc rằng Hoàng Sao đã bị mấy ông “văn nghệ lớn” này quyến rũ và rủ rê vào thế giới sắc màu, tạo hình… của nghệ thuật thị giác!?
Bẵng đi có thể hơn 25 năm, tại Cần Thơ, tôi gặp lại Hoàng Sao ở quán Bún bò Huế Vĩ Dạ. Quán tuy nhỏ nhưng khách đến ăn nườm nượp cả ngày, chủ yếu là dân Nam Bộ và khách du lịch. Tôi thật sự ngỡ ngàng và thú vị trước một đống tranh được xếp tựa vào tường và một vài tranh dở dang đang trên giá vẽ. Tôi chăm chú đến bảng màu, các loại màu dầu, cọ vẽ, dầu pha sơn, dầu bảo quản tranh, dầu tạo độ rực cho tranh… hầu như toàn các thương hiệu có tiếng tăm… Kích thước canvas vuông hoặc chữ nhật đều khá lớn, từ 1,5 mét trở lên.
Tôi nghĩ ngay: Một người cầm cọ chuyên nghiệp chứ không phải “đờn ca tài tử”. Hoàng Sao lần giở từng tấm tranh đã vẽ xong, tôi càng lúc càng thích hơn! Những tiêu đề tranh lộ ra các nội dung mà Hoàng Sao gửi gắm vào tác phẩm của mình: Âm nhạc. Các ca khúc, thi ca của nhiều tài danh đã thấm vào bộ nhớ của công chúng trong các tác phẩm nhạc Jazz, những tên gọi “Nhớ Lê Uyên và Phương”, “Thi sĩ Bùi Giáng”, “Xóm đêm”, “Ngây ngô”, “Ngậm ngùi”, “Dạ khúc”, “Sợi nhớ”, “Trăng lạnh”… Hay Hoàng Sao dẫn người xem đi cùng qua một con đường ròng rã trên bốn mươi năm với biết bao nhiêu nỗi niềm, lòng đam mê, quan niệm nhân sinh… qua các tranh phong cảnh “Chiều buông trên sông”, “Mặt trời vẫn quay”, “Ngày trôi”, “Thu” “Đông”, “Nắng mai”, “Cuốn theo chiều gió”, “Phố trong chuyện kể”.
Với tôi, đây là cả một trời mỹ cảm khi họa sĩ Hoàng Sao dùng sắc màu và nét cọ để diễn cảm ngôn ngữ hội họa riêng của mình. Không quá lệ thuộc vào sự hấp dẫn của màu sắc và cũng không quá nặng trĩu vào kỹ thuật sử dụng vật liệu hội họa, Hoàng Sao khi thì nặng tay thô bạo với các nét cọ, lúc xoắn hay phớt nhẹ, rồi vờn láng mặt, hay tạo thô ráp, tất cả các thao tác này khiến tôi cảm nhận sâu hơn về cách kể chuyện bằng ngôn ngữ hội họa của anh.
Hoàng Sao không vẽ cái cụ thể thường thấy mà chỉ vẽ các hình ảnh như là một biểu hiện hay biểu tượng về trời, mây, cây cỏ, sông nước, dáng người qua sắc màu và nét cọ tạo ra cái không gian trừu tượng có biểu hiện về hình dáng, một kiểu thức có tên gọi “Trừu tượng biểu hiện” (Figurative abstract). Và có lẽ tạm xem như “Hoàng Sao vẽ cái cảm thấy chứ không vẽ cái đã nhìn thấy”, tương tự như Paul Klee “Klee không vẽ lại cái ông thấy, mà tạo ra tranh từ cảm nhận và suy nghĩ”.
Hoàng Sao đã gieo hạt, ươm mầm, chăm bón cái ước mơ được vẽ, được thể hiện tình yêu và sự đam mê hội họa liên tục tròm trèm nửa thế kỷ, có thể nói rằng sự hoài thai hội họa đã gần cả một đời người, đến hôm nay “Ta lắng nghe Ta” hay cụ thể hơn là “Tôi lắng nghe Tôi” là sự ươm trồng đã đến thời mãn khai. Yêu thơ, yêu nhạc, yêu người nghệ sĩ của Hoàng Sao đã được cụ thể hóa bằng cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân mà họa sĩ đặt tên là “Bừng nở”, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, vào ngày 16-5 tới đây. Triển lãm trưng bày 43 tác phẩm, sẽ kéo dài đến 26-5.
Họa sĩ Hoàng Sao như muốn nhìn lại con đường nghệ thuật mình đã đi qua như một người đi trên dây có lúc chao đảo tưởng chừng như mất thăng bằng nhưng với sự can đảm và tự tin, cùng với sự động viên tích cực của các bậc đàn anh, của bạn bè và cùng với tình yêu, sự hỗ trợ tích cực của vợ và các con, sau cuộc triển lãm này, họa sĩ Hoàng Sao sẽ thong dong tiếp bước trên con đường nghệ thuật mà anh đã chọn.
Nguyễn Thượng Hỷ