Câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” được xem như một nhận thức thường thức từ xưa đến nay, chẳng thấy ai phản đối. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là nếu yêu trẻ, muốn trẻ nên người thì phải biết dạy, kể cả dùng đòn roi; còn nuông chiều, ngọt ngào sẽ là liều “thuốc độc” lâu dài ngấm ngầm làm hại đến tương lai của trẻ. Thế nhưng trong thực tế, việc áp dụng vào dạy học hiện nay lại không được thừa nhận, bị phê phán và lên án. Rất nhiều phụ huynh cho rằng việc phải áp dụng hình phạt nào đó đối với con em họ là xâm phạm thân thể, là tư cách của người thầy chưa đủ, là sự bất lực của nền giáo dục nhân bản.
Cực chẳng đã, chứ chẳng ai muốn dùng hình phạt với học trò, con trẻ làm gì khi chúng ngoan, giỏi, tuân thủ quy định do cha mẹ, thầy cô đặt ra. Thế nhưng, trong thực tế, không ít trẻ chưa ngoan, lười biếng và nghịch phá đủ trò, có lúc vượt ra cả khuôn phép đạo đức xã hội.
Nhà trường, được xem như là nơi chủ yếu hình thành nhân cách tích cực cho học sinh thông qua hệ thống giáo dục từ mầm non, tiểu học cho đến đại học. Sẽ lý tưởng nếu tất cả các em đến trường đều ngoan hiền, điểm tốt, chăm chú nghe lời giảng của thầy cô, yêu thương chia sẻ với bạn bè, mỗi ngày một trưởng thành về mặt nhân cách theo cái tuổi lớn của mình.
Tiếc thay những quy định về mong muốn cho học sinh tốt đẹp lại không kèm theo đủ cho trường hợp các em học sinh chưa ngoan. Thực tế làm sao chúng ta đòi hỏi 100% các lớp đều là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt. Vậy thì số chưa giỏi, chưa ngoan ấy làm sao để cho các em trở nên ngoan giỏi như mong đợi? Dĩ nhiên, sẽ có vô số những lời khuyên.
Thầy cô phải yêu thương, coi học sinh như con mình, phải thật sự gần gũi và dành cho các em sự quan tâm cụ thể và thiết thực. Và thông qua những lo toan, gần gũi, chăm sóc yêu thương, các em sẽ thức tỉnh, trở nên trò ngoan, bạn tốt và hướng đến là công dân tốt. Thêm nữa, mỗi giờ ở lớp là một niềm vui, tất cả các em được tham gia sống động vào những sinh hoạt để tiếp nhận kiến thức.
Vậy câu “thương cho roi, cho vọt” không còn đúng? Cái khó là việc áp dụng vào trong mỗi hoàn cảnh. Ba tôi kể rằng, thời đi học của ông việc thầy phạt trò quỳ lên vỏ mít cả tiết học là chuyện bình thường để nên người, tuyệt nhiên trò không được tranh cãi vì đó là thầy. Còn thời tôi đi học, học sinh đều yêu quý nhưng rất sợ thầy, cô.
Yêu biết mấy mỗi giờ vào lớp, chúng tôi nhận được sự ân cần, nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn, sự tâm huyết từng lời giảng của thầy cô. Nhưng chúng tôi cũng rất sợ vì sự nghiêm khắc của thầy cô. Tôi biết chắc chắn rằng, nhiều bạn vì sợ sự quở phạt, điểm thấp mà lo học bài ở nhà. Khi đến lớp, nếu ai không thuộc bài, hay nghịch ngợm quá đáng sẽ bị phạt nghiêm khắc. Và tôi cũng dám chắc rằng, rất nhiều người thành nhân hôm nay đều có nỗi sợ những cái khẻ thước vào tay, những nhắc nhở nghiêm khắc thầy cô ngày đi học.
Chúng ta không phạt học sinh, con trẻ bằng những nhục hình kiểu bắt học sinh tát lẫn nhau, uống nước giẻ lau bảng… nhưng “roi”, “vọt” có cần trong dạy con trẻ hay không? Sự nghiêm khắc trong những trường hợp cần phải nghiêm khắc, nhiều khi là cần thiết. Sẽ không thực tế khi những học sinh cá biệt lại không có những biện pháp cá biệt. Vấn đề là “roi” ở đây phải thể hiện sự bao dung, yêu quý con trẻ, chứ không phải là sự bất lực của biện pháp, sự rẻ rúng, coi thường trong thái độ ứng xử với học trò khi thể hiện hình phạt.
Đạo Khổng Tử có ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển của một bộ phận con người-nhất là ở châu Á, nhưng ít ai biết rằng tư tưởng và thành tựu của nó đều chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi cách giáo dục từ người mẹ của Khổng Tử.
Tôi đọc được câu chuyện kể rằng, hiện nay du khách tham quan di sản văn hóa vật thể Khổng Phủ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, khi thăm căn phòng ở ngày xưa của Khổng Tử, dưới chân giường có ba cây mía. Hỏi để làm gì? Người hướng dẫn nói rằng, đó là ba cây mía được làm như cái roi mà mẹ Khổng Tử ngày xưa đã từng dạy ông, mỗi khi Khổng Tử chơi đùa không biết nghe lời.
Dĩ nhiên, học cái cách người mẹ dạy con cách đây hơn 2.500 năm là điều không khoa học, nhưng roi mía ngọt ấy là sự yêu thương nhưng cũng là sự nghiêm khắc rèn luyện tính cách con người. Nhiều khi sự “roi”, “vọt” không phải là sự ứng xử, mà còn là cách làm cho con trẻ biết lo, biết sợ để chăm ngoan hơn. Và trong ý nghĩa tích cực, chẳng ai muốn hình phạt, bởi sự ngọt ngào bao giờ cũng quý hơn là đòn roi.
Trần Thu Thủy