Sự liên kết giữa 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được xem là “mô hình điểm” về liên kết phát triển du lịch của cả nước. Đó không chỉ là hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến mà việc liên kết còn thể hiện trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực… Đặc biệt, trong thời điểm nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch biến động như hiện nay, liên kết sẽ giúp các địa phương chia sẻ nguồn nhân lực như: hướng dẫn viên, lực lượng điều hành trong doanh nghiệp, kinh nghiệm kinh doanh du lịch…
Liên kết sẽ giúp các địa phương chia sẻ nguồn nhân lực du lịch. (Ảnh chụp tại khách sạn Holiday Beach). Ảnh: Q.T |
Bức tranh đào tạo nguồn nhân lực
Theo thầy Lê Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, về mặt đào tạo, trong 3 địa phương Huế-Quảng Nam-Đà Nẵng thì Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều cơ sở đào tạo hơn. Cụ thể, Huế có khoảng 3-4 trường đào tạo nghề du lịch, trung bình mỗi năm, các trường tuyển sinh khoảng trên dưới 1.500 sinh viên. Quảng Nam cũng có 2 trường đại học và một số trung tâm đào tạo nhân lực du lịch nhưng thực tế, sinh viên Quảng Nam đa số ra Đà Nẵng học. Trong khi đó, Đà Nẵng có gần 30 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề có ngành học về du lịch, tuyển sinh khoảng 7.000 sinh viên/năm. Với số lượng sinh viên “áp đảo” như vậy nhưng tính ra, nguồn nhân lực của Đà Nẵng cũng chỉ… đủ dùng cho mình ở một số thời điểm, còn lại vẫn thiếu trầm trọng.
Những năm gần đây, trung bình Đà Nẵng có thêm từ 3.000-3.500 phòng khách sạn mỗi năm; giai đoạn 2017-2020, ước sẽ có thêm gần 6.000 phòng khách sạn, đi kèm đó là nhu cầu cần đến hơn 4.000 nhân sự. Lực lượng hướng dẫn viên tiếng Hàn và Trung Quốc thiếu khoảng hơn 400 người. Trong khi đó, theo Sở Du lịch Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có khoảng 40.153 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, con số này tăng mạnh so với năm 2017 (chỉ có 36.082 lao động). 65% số lao động làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch có đủ chuyên môn, nghiệp vụ và đáp ứng được yêu cầu công việc; 69,5% lao động là người địa phương, tập trung làm việc đông nhất ở các cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, hướng dẫn viên du lịch… Hiện tại, ngành du lịch thành phố đang cần khoảng 20.000 lao động nhưng mới chỉ đáp ứng từ 3.500 - 4.000 lao động.
Từ thực tế này, thầy Lê Đức Trung cho rằng, các trường đào tạo ngành du lịch ở Đà Nẵng cần mạnh dạn lập kế hoạch thu hút đối tượng tuyển sinh trên hai địa bàn Huế và Quảng Nam. Cụ thể, tại Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, từ năm 2017 đến nay, nhà trường đã thu hút số lượng tuyển sinh đầu vào khá lớn (năm 2017: 686 sinh viên, năm 2018: 947 sinh viên). Trong đó, số lượng sinh viên người Đà Nẵng chiếm 45%, và số lượng sinh viên đến từ Quảng Nam chiếm không dưới 35%. Đặc biệt, trong các cuộc khảo sát việc làm gần đây của nhà trường cho thấy, sinh viên sau tốt nghiệp của các trường ở Huế vào Đà Nẵng, Quảng Nam để làm việc chiếm 15-20%.
Những năm gần đây, nhận thức về tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch đã có chuyển biến rõ rệt. Một bộ phận doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú đã tăng đầu tư cho công tác đào tạo. Việc tuyển chọn lao động để thay thế bổ sung hoặc cho các dự án mới đã có thay đổi so với trước. Việc tuyển chọn công khai bắt đầu được thực hiện tại tất cả các loại hình doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã ưu tiên lựa chọn nhân viên mới đã qua đào tạo tại các trường du lịch. Những địa phương gặp khó khăn về thu hút nguồn lao động qua đào tạo thì đã phối hợp với các trường để tổ chức đào tạo ngắn hạn.
Bà Đặng Thị Châu Anh, Giám đốc Điều hành khách sạn Holiday Beach cho biết: “Nhân lực di chuyển tự do, vì vậy, chia sẻ là điều không tránh khỏi. Để nâng cao chất lượng nguồn lực trong mảng khách sạn/dịch vụ thì thiết nghĩ các trường nghề/trung tâm đào tạo nghề dịch vụ ở 3 tỉnh, thành phố cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề hơn nữa; đồng thời bám sát với thực tiễn để cung cấp cho các cơ sở dịch vụ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được sự phát triển nhanh của du lịch hiện nay”.
Hợp tác cùng phát triển
Trong các kế hoạch liên kết 3 địa phương từ trước đến nay luôn có nội dung chia sẻ hợp tác nguồn nhân lực, thông qua đó đã tạo ra những hiệu quả tích cực như: Bổ sung một lượng lớn nguồn lao động du lịch thông thạo các ngoại ngữ từ nguồn sinh viên ngoại ngữ tại các trường đại học ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; tạo cơ hội chia sẻ, học tập kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực giữa các hội, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch 3 địa phương; chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngày càng được nâng cao.
Hằng năm, Trường Cao đẳng Du lịch Huế có ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp của Đà Nẵng và Quảng Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực như: Khách sạn Four Points by Sheraton, Công ty CP Du lịch Bến Thành Non Nước, Công ty CP Dịch vụ cáp treo Bà Nà, Công ty TNHH Empire Hospitality, Hyatt Regency Danang Resort and Spa, Khu nghỉ dưỡng Crowne Plaza, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật và Du lịch Bắc Quảng Nam, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (HOIANA). Từ năm 2017 đến nay, đã có 1.075 sinh viên của Trường Cao đẳng du lịch Huế đến thực tập tại các doanh nghiệp của Đà Nẵng và Quảng Nam.
Theo ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, nguồn nhân lực du lịch hiện có của 3 địa phương có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ lao động được đào tạo, bố trí đúng nghề, lao động được đào tạo lại, lao động có kinh nghiệm nghề nghiệp, có trình độ ngoại ngữ tăng. Theo Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 5-12-2018 về phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, vấn đề sắp xếp, kiện toàn hệ thống quản lý du lịch đã xác định rõ: “Từng bước hình thành cơ chế điều phối phát triển du lịch theo các vùng du lịch đáp ứng yêu cầu liên kết phát triển du lịch”.
Quan điểm của Sở Du lịch Đà Nẵng là, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp do đó quá trình đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để cơ sở giáo dục có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực (lưu trú, nhà hàng, lữ hành, sự kiện, golf, giao thông vận tải, quản lý điểm đến, phát triển thị trường khách...) tham gia vào quá trình đào tạo. Các hội, hiệp hội 3 địa phương thường xuyên liên kết chia sẻ thông tin về kinh nghiệm trong quá trình đào tạo nhân sự và sử dụng nhân sự.
Hiện tại, các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ của 3 địa phương chú trọng thu hút nhân sự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn của tập đoàn, hỗ trợ kinh phí để nhân viên tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ. Việc ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế được đẩy mạnh. Đồng thời, các cơ sở đào tạo thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp du lịch: áp dụng khung chương trình đào tạo VTOS (bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề du lịch Việt Nam), khung chương trình ASEAN, tăng thời gian thực tập và kiểm tra về chất lượng thực tập. “Bên cạnh một số mặt thuận lợi, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình liên kết đào tạo như khung chương trình đào tạo của một số trường tại Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam còn khác nhau về tỷ lệ giữa khối kiến thức đại cương và chuyên ngành, dẫn đến chất lượng đầu ra không đồng đều.
Việc liên kết đào tạo chưa điều chỉnh phù hợp với đặc thù (văn hóa, địa lý, cơ sở hạ tầng, số lượng khách đến…) của từng địa phương… Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ, Ban điều hành liên kết du lịch vùng cần rà soát, xác định nhu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực theo sự phát triển của ngành du lịch 3 địa phương và từng địa phương trong vùng; đồng thời triển khai hoạt động đánh giá năng lực đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành du lịch của hệ thống các cơ sở đào tạo trong vùng và từng địa phương. Chú trọng tư vấn, định hướng nghề phù hợp cho học sinh, sinh viên. Mời các chuyên gia thuộc lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước để đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết.
Quỳnh Trang