'Mắt xích' kết nối

.

Dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với nguồn kinh phí khoảng 42,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách của Thừa Thiên Huế 50% và Đà Nẵng 50%; được tiến hành xây dựng trong 2 năm (2019 - 2020). Đây là dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên “cú hích” cho kết nối du lịch Huế - Đà Nẵng nói riêng và khu vực Bắc - Nam Trung bộ nói chung.

Nhiều khách du lịch - chủ yếu Hàn Quốc, cho biết khá ấn tượng với cảnh đẹp hùng vĩ nơi đây. Ảnh: Ngọc Hà
Nhiều khách du lịch - chủ yếu Hàn Quốc, cho biết khá ấn tượng với cảnh đẹp hùng vĩ nơi đây. Ảnh: Ngọc Hà

Hải Vân Quan thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Công trình được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích quốc gia và Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật vào năm 2017. Đây là cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý Bắc - Nam có từ thời Lê. Đến triều Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân Quan thành một trong những tổ hợp công trình để phòng thủ cho Kinh đô Huế cũng như giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng.

Hằng năm, điểm đến này đón hơn 400.000 lượt khách tham quan. Tuy nhiên, một thời gian dài do thiếu sự hợp tác chính thức giữa chính quyền hai địa phương nên vấn đề khai thác đèo Hải Vân, trong đó, điểm nhấn Hải Vân Quan, vẫn chưa thực sự có hiệu quả; cụ thể là chưa hình thành được một ban quản lý điểm đến với sự tham gia bình đẳng từ phía hai địa phương. Từ đó, việc quy hoạch không gian khu vực Hải Vân Quan về cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng chưa được đầu tư đồng bộ và có định hướng, dẫn đến việc bỏ ngỏ nguồn tài nguyên này.

Nhiều năm công tác trong ngành quản lý di sản, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, di sản văn hóa - trong đó có di tích, luôn là một nguồn tài nguyên đặc biệt cho ngành du lịch dịch vụ. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc khai thác nguồn tài nguyên này. Cố đô Huế cũng có thể xem là một ví dụ khá thành công của Việt Nam. Năm 1993, khi Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới - chỉ có 343.000 lượt khách đến thăm, nhưng 25 năm sau, năm 2018 thì có hơn 3,5 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 10 lần.

Theo thống kê, lượng khách đến thăm các di tích của Huế luôn chiếm 85-90% lượng du khách đến Cố đô. Điều đó có nghĩa là khu di tích Huế đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua đối với du khách. Trên một khía cạnh khác, di sản văn hóa có thể xem là nguồn tài nguyên vô tận, nếu biết cách giữ gìn, phát huy, chứ không bị cạn kiệt đi như các nguồn tài nguyên khác. Đó là điểm đặc biệt, riêng có của tài nguyên di sản.

Di tích Hải Vân Quan hội tụ đầy đủ những điều kiện tuyệt vời để trở thành một sản phẩm du lịch dịch vụ độc đáo của Huế - Đà Nẵng và của Việt Nam nói chung. Di tích kiến trúc độc đáo (cửa quan kinh đô kiêm pháo đài phòng thủ quân sự) gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử nổi bật của dân tộc; vị trí tuyệt đẹp để ngắm núi, ngắm biển; là điểm nhấn nối kết trên Con đường Di sản miền Trung; không gian đủ rộng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ...

Với tiềm năng phong phú, đa dạng như vậy, việc trùng tu phục hồi Hải Vân Quan chắc chắn phải nằm trong một dự án tổng thể, có tầm nhìn bao quát để không chỉ khai thác trực tiếp di tích này mà còn phải xem đó là điểm kết nối về văn hóa, du lịch giữa hai địa phương Huế - Đà Nẵng, và cả Con đường di sản miền Trung.

Theo ông Phan Thanh Hải, Quy hoạch bảo tồn và phát huy di tích Hải Vân Quan cần đặt ra cả việc bảo tồn toàn bộ không gian thiên nhiên của đèo Hải Vân và các di tích liên quan; xây dựng các thiết chế hạ tầng phù hợp, hài hòa với cảnh quan khu vực, bao gồm cả hệ thống hàng quán dịch vụ, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe và các dịch vụ du lịch khác; xây dựng hệ thống xử lý rác thải để bảo vệ môi trường, phòng chống hỏa hoạn...; cần phải tính toán kỹ sức chứa của điểm du lịch này để có kế hoạch điều tiết phù hợp.

Hiện nay, công tác quản lý cũng như triển khai dự án đang được hai địa phương phối hợp chặt chẽ. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho biết, hai Sở VH-TT cùng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cùng có trách nhiệm thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất, trên tinh thần bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di tích này một cách bền vững, mục tiêu là phải biến nó thành một điểm sáng thực sự về di sản văn hóa và là biểu tượng của mối quan hệ đoàn kết hợp tác giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng để Hải Vân Quan trở thành “mắt xích” quan trọng kết nối 2 vùng du lịch Bắc-Nam Trung bộ, ngành du lịch của 2 địa phương gắn kết trong việc giải quyết đúng các vấn đề về quản lý điểm đến để thực hiện vai trò giám sát, đồng hành trong bảo tồn di tích văn hóa, gắn bảo tồn với phát huy giá trị của di tích. Mặt khác, muốn phát triển du lịch tốt khu vực Hải Vân Quan thì vấn đề cốt lõi là cần ban hành cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư lớn cải tạo không gian mặt bằng xung quanh di tích, tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.

NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.