Những đôi dép biết nói

.

Sắp tới ngày sinh của ba, tôi đắn đo không biết phải tặng ba món quà gì cho thật ý nghĩa. Tôi bắt đầu để ý, quan sát những hoạt động thường ngày của ba nhiều hơn, và rồi câu trả lời cũng đã xuất hiện, khi tôi chợt nhìn xuống dưới bàn chân ba. Từ trước đến nay, ba vẫn mang một đôi dép cũ, đế dép đã mòn. Bất giác tôi thấy lâu nay mình thật vô tâm. Tôi quyết định sẽ mua tặng ba đôi dép mới. Thoáng trong giây phút ấy, ký ức những đôi dép tưởng chừng như vô tri, vô giác bỗng ùa về trong tôi, trào dâng niềm xúc động nghẹn ngào rưng rưng nơi khóe mắt.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi nhớ ngày xưa, đôi dép ba thường hay mang là đôi dép cao su, ba kể đó là đôi dép từng gắn bó với ba lúc còn trên chiến trường Tây Nguyên. Nhờ nó mà ba và đồng đội đã vượt đèo, lội suối, trải qua bao gian nguy của cuộc kháng chiến nhưng đều kiên cường vượt qua. Năm tháng dần trôi, nhiều kiểu dép mới thịnh hành ra đời, nhưng ba vẫn nâng niu đôi dép cao su cũ, ba nói ba muốn lưu giữ kỉ vật được xem như chứng nhân lịch sử, đã theo chân ba và đồng đội suốt những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Từ đôi dép cao su, ba dạy tôi phải biết trân trọng những đồ vật đã từng gắn bó một phần cuộc đời với mình.

Khi tôi là một cô bé mới vào lớp một, hồi ấy nhà còn nghèo, trong nhà chỉ toàn là những đôi dép cũ chằng chịt các vết hàn, mặc dù vậy ba mẹ vẫn dành tiền mua dép mới cho các con. Ba không biết kích cỡ chân của các con, nên trước khi ra chợ huyện, ba có chuẩn bị một mẩu giấy rồi kêu từng đứa chúng tôi đặt chân lên giấy, để ba vẽ lại kích thước bàn chân của mỗi đứa. Có tấm giấy đó giúp ba yên tâm mua dép cho mấy chị em, mà chẳng sợ bị chật hay rộng.

Tôi nhớ, lúc ba mới từ chợ về, mấy chị em tôi ai cũng háo hức, hồi hộp chờ được mang dép mới của ba. Ba mua cho tôi đôi dép nhựa màu đỏ, có nơ hoa xinh xắn, tôi mừng khôn xiết choàng lên ôm vai ba và thút thít nói lời cảm ơn người. Đôi dép ba mua mang vào rất vừa vặn, mềm mại và tôi cực thích dáng hình dễ thương của nó. Với tôi lúc ấy không gì quý bằng đôi dép mới ba mua, có dép mới tôi tha hồ chạy nhảy chơi đùa mà không sợ bị đứt quai hay bị bạn bè trêu chọc, vì đôi dép cũ của tôi có khá nhiều vết hàn.

Sau này khi vào đại học, tôi tình cờ nhận được quà tặng mà ai đó đã giấu tên, bên trong món quà là đôi dép búp bê màu hồng nhạt, cùng đôi dòng thơ của nhà thơ Nguyễn Trung Kiên:

“Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi”

Tôi ngỡ ngàng, tò mò không biết chủ nhân là ai, tại sao lại tặng tôi món quà mang nhiều ẩn ý như vậy. Sau này mới biết, người tặng tôi không ai khác chính là anh bạn học cùng năm cấp ba mới vào lính, anh dùng món quà để thay lời tỏ tình nhưng lại nhút nhát không dám để tên. Trong đầu tôi thoáng hiện lên lời kể của mẹ về mối tình thuở xưa khi mẹ và ba thương nhau.

Ngày đó, khi ba còn hoạt động trong quân ngũ, tranh thủ mấy ngày phép ít ỏi ba dùng số tiền để dành, mua tặng mẹ đôi dép nhựa Tiền Phong. Thời ấy nghe mẹ kể lại để mua một đôi dép nhựa Tiền Phong phải chắt chiu, dành dụm lắm mới mua được. Tôi cười, trêu mẹ “Chắc ba thương mẹ lắm mới nhịn ăn để mua dép tặng mẹ!”.

Chứng kiến tình yêu thương của ba mẹ, những cử chỉ ân cần, quan tâm của hai người, tôi lấy làm ngưỡng mộ, lòng rưng rưng hạnh phúc. Đôi dép kỷ niệm khi xưa giữa ba và mẹ chắc cũng đang nở nụ cười mãn nguyện, vì chủ nhân của nó đang sống rất ấm áp, bình yên. Cảm ơn đôi dép, một sứ giả của tình yêu giúp gắn kết hai trái tim đồng điệu về cùng một hướng, để có kết quả là một hình hài như tôi bây giờ.

Tôi trân quý và biết ơn những đôi dép từng gắn bó với mình, đôi dép lặng lẽ đi cùng tôi bao nẻo xuôi ngược, cũng giống như sự hy sinh thầm lặng của ba mẹ đã dành trọn cho tôi, bàn tay ấm áp dắt tôi qua những thử thách. Tôi áy náy nhận ra mình đã quá thiếu sót khi từng lãng quên những điều giản dị mà cao đẹp ấy. Giờ đây, tôi không chỉ muốn mua một đôi dép để tặng ba, mà còn tự dặn lòng phải sống một cuộc sống thật tốt, thật hạnh phúc như ba mẹ đã từng. Vì tôi biết, đó chính là món quà ý nghĩa nhất mà ba mẹ muốn nhận từ tôi…

TRẦN THỊ THẮM  

;
;
.
.
.
.
.