Sông Đô Tỏa là sông nào?

.

* Nội dung một số bài báo, các thông tin rao bán nhà đất trên mạng gần đây cho thấy ranh giới tự nhiên giữa phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) là một con sông có tên là Đô Tỏa. Tôi ngờ rằng đây là cách gọi không chính xác của đoạn sông nối từ sông Vĩnh Điện chảy ra sông Hàn, Đà Nẵng. Xin cho hỏi, quan điểm của quý báo về tên con sông này như thế nào? (Phạm Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)

Bến Đò Toản nay không còn hoạt động, cách không xa cầu Trung Lương vừa được xây dựng. Ảnh: V.T.L
Bến Đò Toản nay không còn hoạt động, cách không xa cầu Trung Lương vừa được xây dựng. Ảnh: V.T.L

- Đi tìm tên thật của con sông này, trước hết hãy bắt đầu từ sông Vĩnh Điện.

Sông Vĩnh Điện là sông nối từ sông Thu Bồn ở xã Điện Minh đến phường Vĩnh Điện, qua các xã thuộc thị xã Điện Bàn, chảy ra địa phận các huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ của thành phố Đà Nẵng rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ để tạo thành sông Hàn.

Cũng như nhiều sông khác, sông Vĩnh Điện chảy qua địa phương nào thì mang tên địa phương đó: sông Tứ Câu (đoạn sông từ cầu Tứ Câu xuống hạ lưu); sông Cổ Mân (đoạn qua làng Cổ Mân, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ); sông Mân Quang (đoạn qua làng Mân Quang, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn).

Tra trên Google Maps, thấy tên gọi phổ biến nhất của sông Vĩnh Điện đoạn từ phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) đến phường Hòa Xuân là sông Cái, rồi từ sông Cái ra đến ngã ba sông hợp lưu với sông Cẩm Lệ có tên là sông Đô Tỏa.

Theo chúng tôi, sông Đô Tỏa là cách gọi không chuẩn xác; đúng ra là sông Đò Toản.

Theo Danh mục Lưu vực sông liên tỉnh (Ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-TTg ngày 1-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ), truy cập tại m.thuvienphapluat.vn (Thư viện Pháp luật), sông Vĩnh Điện còn có tên khác là sông Đò Toản (ĐNCT nhấn mạnh).

Công trình nghiên cứu “Dự báo xâm nhập mặn nước dưới đất thành phố Đà Nẵng theo các kịch bản lựa chọn bằng phần mềm Seawat” của 4 tác giả (công tác tại các đơn vị: Khoa Khoa học và Kỹ thuật địa chất, Trường Đại học Mỏ-Địa chất; Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam; Phòng Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng) có đoạn: “Dọc các con sông lớn như sông Cu Đê, sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Đò Toản tầng chứa nước bị nhiễm mặn với diện tích khoảng 100km2”.
Hồ sơ số 5448ÐN của Anh hùng LLVT Hồ Chất (sinh 1908) được lưu tại trang qlnguoikhuyettat.vn (Quản lý mộ liệt sĩ) cho biết liệt sĩ nguyên quán Hòa Xuân này hy sinh năm 1949 thời chống Pháp khi bị lật thúng trên đường đi họp qua “sông Đò Toản, thôn Trung Lương, xã Hòa Xuân”.

Ở thôn Trung Lương có một bến sông gọi là bến Đò Toản. Theo ông Phạm Kiều Đa, nguyên chỉ huy chỉ đạo biệt động cánh Đông, Quận đội phó Quận Nhứt Đà Nẵng, người làng Cổ Mân, Hòa Xuân, thì đây là một bến đò nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, nơi chuyển người qua phía làng Khuê Đông (nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) và ngược lại. Bến Đò Toản nay nằm phía tây bắc cầu Trung Lương.
Bến Đò Toản được nhiều sách báo, tài liệu ghi lại. Như cuốn Truyền thống Cảng Đà Nẵng (Bùi Xuân, Thanh Quế, Nguyễn Kim Huy, Lưu Anh Rô biên soạn, NXB Đà Nẵng - 2011) ở trang 53: “Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đặng Trung Kiên, Quận ủy Quận 4 Sông Đà, công nhân khuân vác cảng Đà Nẵng sống ở khu Nam cùng đồng bào Trung Lương đã đưa Tiểu đoàn 1 (tức đơn vị R20 vừa thành lập ở Đại Lộc) qua các bến Đò Toản, Đò Xu đột nhập vào sân bay tiêu diệt nhiều máy bay và quân Mỹ”.

Đò Toản đã có từ thời Pháp thuộc, bến sông đã thành một tên khác cho sông Vĩnh Điện đổ ra sông Hàn. Và Đò Toản đã bị Google Maps “tam sao thất bản” thành “Đô Tỏa”!

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.