Ngoài lợi thế du lịch biển, Đà Nẵng còn nhận được sự ưu ái của thiên nhiên khi có dòng sông Hàn chảy trong lòng thành phố. Nhờ đó, du lịch đường thủy nội địa được kỳ vọng là một sản phẩm độc đáo của thành phố biển. Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Mới đây, UBND thành phố ban hành kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021, hứa hẹn sẽ tạo được sự đột phá cho sản phẩm này.
Đầu tư cơ sở bài bản sẽ góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch đường thủy nội địa của thành phố. Ảnh: THU HÀ |
Nên chuẩn hóa các sản phẩm du lịch
Một điều dễ nhận thấy, cùng nằm trên con đường di sản miền Trung, cùng có khai thác sản phẩm đường thủy nội địa nhưng dường như hình ảnh đi thuyền thưởng ngoạn, nghe hát trên sông Hương luôn được du khách lựa chọn mỗi lần đến Huế. Tuy dịch vụ cũng còn đơn điệu nhưng đây vẫn là một sản phẩm sống được của ngành du lịch Thừa Thiên Huế.
Trở lại với Đà Nẵng, dòng sông Hàn cũng được các đơn vị khai thác lữ hành đánh giá rất cao với vẻ đẹp của một thành phố trẻ trung, năng động. Điều mà những người làm du lịch quan tâm chính là tạo ra được điểm nhấn cho sản phẩm này.
Ông Đinh Viết Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên thành phố cho rằng, đường thủy nội địa của Đà Nẵng rất đẹp, không chỉ ở các cây cầu có kiến trúc vắt ngang dòng sông mà còn ở cảnh quan hai bên bờ sông có các điểm đến để tham quan rất thuận lợi như Di tích K20, chùa Quán Thế Âm, đình làng Túy Loan, làng cổ Phong Nam… Những sản phẩm này thường phù hợp với dòng khách nội địa và khách quốc tế muốn có trải nghiệm văn hóa địa phương… Nhưng lâu nay, sản phẩm này vẫn còn rất nhiều hạn chế, muốn khai thác và phát triển được các điểm đến này thì phải có những hạ tầng tối thiểu như bến, cầu cảng… bảo đảm cho khách lên xuống an toàn, sau đó là phát triển thêm các dịch vụ tiện ích tại chỗ như trạm nghỉ chân, chỗ uống nước…
Ông Phạm Đình Hoàng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Việt đánh giá, khoảng 3 năm trở lại đây, một số sản phẩm du lịch đường thủy nội địa đã được quan tâm đầu tư, đa dạng hóa, như có một số dịch vụ, sản phẩm trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý đang được khai thác khá tốt, nhưng ở những tuyến khác như tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn, tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai dù đã hình thành sản phẩm nhưng vẫn còn nhược điểm về môi trường. Đã làm du lịch là phải xác định phát triển du lịch bền vững, điều cốt lõi phải giữ cho được môi trường du lịch thật sạch đẹp. Hai bên bờ sông của những tuyến này có những vườn cây, cánh đồng trồng rau xanh mát, mang đậm vẻ đẹp đồng quê, nhưng vẫn còn nhiều rác sinh hoạt thải ra của người dân địa phương khiến bờ sông nhếch nhác. Xu hướng của khách bây giờ đi du lịch là để hưởng thụ, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, vì thế những sản phẩm được tạo ra phải đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng phân tích, các sản phẩm du lịch hiện có của Đà Nẵng là quá tốt nhưng những sản phẩm về sông, biển Đà Nẵng vẫn thua các địa phương lân cận như Nha Trang, Phú Quốc hay Bali (Indonesia), Phukhet (Thái Lan) ở việc khai thác các sản phẩm trên, dưới mặt nước và cả ở trên bờ. Đà Nẵng có dòng sông chảy ra cửa biển, vịnh rất đẹp nhưng chưa khai thác được do chưa có một bản quy hoạch tổng thể cho các sản phẩm này.
Ông Dũng chỉ ra rằng, những sản phẩm từ sông Hàn đổ ra biển sẽ phù hợp với những dòng khách thích vui chơi, giải trí, còn những sản phẩm đi về phía Ngũ Hành Sơn, Túy Loan thiên về văn hóa truyền thống. Sản phẩm nào cũng cần có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hóa để phục vụ du khách. Đơn cử như chuẩn hóa các sản phẩm bằng cách có các tàu thuyền, bến mềm để hình thành một tour khép kín, để có thể khai thác được sản phẩm đường thủy nội địa cả ban ngày thay vì chỉ khai thác ban đêm như hiện nay.
Sẽ đầu tư một cách bài bản
Thống kê của Sở Du lịch thành phố cho thấy năm 2018, có khoảng 556.703 lượt khách đến tham quan, du ngoạn sông Hàn về đêm, tăng 59% so với năm 2017. Dự kiến năm 2019 là 660.881 lượt khách, tăng 19% so với năm 2018, trong đó thị trường khách chủ yếu là khách quốc tế sẽ chiếm khoảng 85%, khách các nước khác khoảng 5%, còn lại 10% là khách nội địa.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan Đà Nẵng những năm gần đây tăng trưởng khá tốt, các đơn vị lữ hành đã đưa sản phẩm du lịch đường sông vào tour phục vụ du khách. Thành phố cũng đã có đội tàu du lịch được đầu tư đóng mới đạt chuẩn phục vụ khách, bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn theo quy định; các dịch vụ trên tàu cũng được các đơn vị đầu tư, bổ sung cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.
Trong kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa giai đoạn 2019-2021 được UBND thành phố ban hành mới đây có 8 tuyến du lịch đường thủy nội địa sẽ được đưa vào khai thác gồm tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý; tuyến sông Hàn - cửa biển - Bán đảo Sơn Trà; tuyến sông Hàn đi Hòn Chảo; tuyến Bán đảo Sơn Trà; tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn; tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai; tuyến sông Cu Đê - Trường Định và tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm.
Kế hoạch cũng nêu rõ, thành phố sẽ tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh của du lịch đường thủy nội địa, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố Đà Nẵng; đầu tư hình thành dịch vụ điểm đến trên tuyến du lịch đường thủy nội địa làm phong phú sản phẩm tour, tuyến du lịch đường thủy nội địa, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa lịch sử, phục vụ du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Các tuyến, điểm của đường thủy nội địa cần sớm đưa các bến mềm vào hoạt động thì mới thuận lợi cho việc khai thác khách. Trong ảnh: Một chuyến đi khảo sát của các doanh nghiệp du lịch cùng sở, ngành liên quan tại điểm đến K20 bằng đường thủy. Ảnh: S.K |
Vì thế, với mỗi tuyến cụ thể, ngành du lịch thành phố đều đưa ra các sản phẩm cụ thể, bổ sung dịch vụ điểm đến cho các tuyến, điểm này như tuyến sông Hàn-cầu Trần Thị Lý sẽ tập trung đầu tư nâng cấp cảng Sông Hàn thành cảng hành khách chính của thành phố; trong đó có các dịch vụ bổ sung như mua sắm, ăn uống, giải trí. Tuyến sông Hàn - cửa biển - Bán đảo Sơn Trà kêu gọi đầu tư xây dựng điểm đến Bãi Cát Vàng, lắp ghép cầu phao di động để tàu cập, nâng cấp, bổ sung các dịch vụ nhà hàng ăn uống, khu cắm trại, các dịch vụ lặn ngắm san hô, câu cá, thể thao biển, cầu tàu…; hay tại tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn đầu tư phát triển các dịch vụ tại điểm đến Di tích cách mạng K20, khu vực nhà chờ, khu vệ sinh, khu mua sắm, khu ẩm thực các loại sản phẩm đặc trưng của địa phương, khu trải nghiệm làm nghề nông…
Sản phẩm du lịch đường thủy nội địa cũng được lãnh đạo thành phố quan tâm. Mới đây, khi cùng các sở, ngành đi kiểm tra thực tế tuyến du lịch đường thủy nội địa sông Hàn - Bán đảo Sơn Trà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của du lịch đường thủy nội địa, vì vậy, sau khi kiểm tra tuyến sông Hàn - Bán đảo Sơn Trà, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục đi thực tế, khảo sát các tuyến còn lại, từ đó có được đánh giá tổng thể để có kế hoạch cụ thể khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng Việc hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam cùng phối hợp nạo vét, khai thông sông Cổ Cò sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội như sẽ góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương. Khi được khơi thông, sông Cổ Cò sẽ kéo theo một số dự án, khu nghỉ dưỡng hoặc bất động sản, giúp giảm tải cho khu vực ở biển. Những sản phẩm liên quan dọc dòng sông này rất hay song cần phải được quy hoạch, triển khai một cách bài bản để giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử của những đình làng, ngôi nhà cổ, làm sao để du khách đến sẽ hiểu hơn về văn hóa địa phương. Đồng thời, các dịch vụ kèm theo như quà tặng, ăn uống, ẩm thực địa phương gắn liền với các điểm đến này cũng cần được chú trọng. Khi đó, câu chuyện không chỉ đơn thuần là khai thông dòng sông mà sẽ là phải làm gì với các điểm đến xung quanh con sông được cải tạo này. Để tuyến sông Cổ Cò trở thành một sản phẩm kết nối du lịch hai địa phương thì phải có sự đầu tư, quảng bá rất lớn để sản phẩm được hoàn thiện chứ không nên làm một cách nửa vời. Phải có một chương trình cụ thể để phát triển du lịch xung quanh con sông. Hiện nay, lượng khách đến Đà Nẵng chủ yếu từ các quốc gia thuộc châu Á thì những sản phẩm gắn liền với văn hóa, tâm linh dọc hai bờ sông Cổ Cò khi được khai thông là điều có thể thu hút khách đến với Đà Nẵng, Quảng Nam. Ngoài ra, việc thông suốt mạch chảy của dòng sông kết nối 2 địa phương, sẽ giúp giảm tải phần nào khách du lịch ở những điểm đến trong mùa cao điểm khách. |
SONG KHUÊ