10 năm Đà Nẵng 'đòi' thủy điện trả nước: Vẫn thiếu nước, nhiễm mặn khốc liệt

.

Cách đây tròn 10 năm, Đà Nẵng phản đối kịch liệt việc xây dựng thủy điện Đak Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện và quyết liệt kiến nghị các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo xây dựng cống qua thân đập Đak Mi 4A để trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng tối thiểu 87m3/s, nhưng chỉ được xây dựng cống với lưu lượng nước xả về tối đa 25m3/s. Trong 10 năm qua, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam liên tục đề nghị các bộ, ngành Trung ương có biện pháp điều tiết nước, nhưng không được đáp ứng đầy đủ nên tình hình hạn hán, nhiễm mặn ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn qua từng năm càng khốc liệt hơn.

Thủy điện Đak Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia qua sông Thu Bồn mà chỉ trả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng rất nhỏ làm thành phố Đà Nẵng luôn bị thiếu nước trong 10 năm qua. Ảnh: H.H
Thủy điện Đak Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia qua sông Thu Bồn mà chỉ trả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng rất nhỏ làm thành phố Đà Nẵng luôn bị thiếu nước trong 10 năm qua. Ảnh: H.H

1. Tròn 10 năm thủy điện Đak Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện, sông Cầu Đỏ liên tục nhiễm mặn nặng từ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi kéo dài đến nay, không chỉ gây thiếu nước ở các khu vực dân cư ở xa Nhà máy nước Cầu Đỏ, mà người dân thành phố phải uống nước lợ nhiều ngày, có khi kéo dài hàng tuần, thậm chí là gần 1 tháng.

Trong 10 năm qua, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng vẫn liên tục yêu cầu thủy điện Đak Mi 4 phải trả nước đều đặn về cho hạ du sông Vu Gia và luôn khẳng định, bản chất việc thiếu nước của sông Vu Gia là do thủy điện Đak Mi 4 chuyển nước sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện.

“Từ khi có thủy điện Đak Mi 4, việc nhiễm mặn của sông Vu Gia rất kinh khủng bởi nguồn nước chính cấp cho sông Vu Gia đã bị chuyển qua sông Thu Bồn. Có những năm, thời gian nhiễm mặn chiếm đến một nửa thời gian trong năm, có lúc mùa mưa mà vẫn nhiễm mặn liên tục. Hơn nữa, hằng năm, trong mùa khô, thủy điện Đak Mi 4 đã lấy đi của sông Vu Gia từ 1,2-1,4 tỷ m3 nước. 2 hồ thủy điện lo bù lại cho trữ lượng nước đã mất đi là A Vương và Sông Bung 4 (kể cả thủy điện Sông Bung 2) cũng chỉ có 600 triệu m3 nước. Dù có điều tiết 2 hồ thủy điện Sông Bung 4 và A Vương có như thế nào thì cũng không thể làm tăng trữ lượng nước lên được so với tự nhiên trước đây”, ông Huỳnh Vạn Thắng nói.

2. Tròn 10 năm đòi thủy điện trả nước cho hạ du, ông Huỳnh Vạn Thắng công bố một phát hiện mới có mối liên hệ với điều mà ông từng làm vào đầu năm 2014 là “dọa kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Năm đó, khi tiến hành thảo luận để sửa đổi Quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Đà Nẵng kiến nghị chọn mực nước khống chế thấp nhất của sông Vu Gia tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa để làm cơ sở vận hành thủy điện là 2,8m, nhưng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lại chọn 2,53m. “2,53m là mực nước trung bình 1 tháng nhỏ nhất từ năm 1976-2008 của sông Vu Gia, đồng nghĩa với việc luôn đặt hạ du sông Vu Gia trong trạng thái cạn kiệt nguồn nước”, ông Huỳnh Vạn Thắng nhấn mạnh.

Trước việc bị “dọa kiện”, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã chọn mực nước cao hơn là 2,67m, đây được coi là cao trình dung hòa mâu thuẫn, lợi ích giữa hạ du và thủy điện. Cao trình mực nước này là cơ sở vận hành điều tiết thủy điện kể từ khi Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được Chính phủ đồng ý vào ngày 7-9-2019 theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg (gọi tắt là Quy trình 1537) đến nay.

“Nhưng tôi mới phát hiện ra một sự thật rất “tai hại” là cao trình 2,67m chính là mực nước trung bình lúc 7 giờ sáng hằng ngày, đây là lúc mà nước sông Vu Gia cao nhất trong ngày. Chính vì thế, dù Quy trình 1537 được tính toán rất khoa học nhưng việc vận hành theo Quy trình 1537 luôn không đúng với thực tế.
Điều này dẫn đến việc hạ du sông Vu Gia luôn bị thiếu nước trong những năm qua. Vì thế, cần phải lấy lại số liệu, cao trình mực nước trung bình tháng hoặc trung bình ngày để thủy điện xả nước về nhiều hơn, nâng cao cao trình mực nước sông Vu Gia (2,8m) mới có khả năng giảm mặn cho sông Cầu Đỏ và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố”, ông Huỳnh Vạn Thắng nói.

3. Thời điểm tròn 10 năm Đà Nẵng đòi thủy điện trả nước, ngay từ ngày 18-6-2019, Công ty CP Thủy điện A Vương và thành phố Đà Nẵng đã có ý kiến đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hồ thủy điện A Vương được xả nước với lưu lượng trung bình ngày là 25m3/s. Nhưng đến ngày 21-6-2019, Cục Quản lý Tài nguyên nước có công văn bảo lưu chỉ đạo hồ thủy điện A Vương chỉ xả nước từ 15-20m3/s. Sông Cầu Đỏ tiếp tục bị nhiễm mặn nặng đến nay và cũng đã gây thiếu nước sinh hoạt từ ngày 2 đến 4-7-2019.

“Chỉ đạo xả nước như vậy là quá thấp, làm cho sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng, gây thiếu nước sinh hoạt hiện nay. Vì thế, chúng tôi đã cùng với chủ hồ thủy điện A Vương đã có công văn đề nghị Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành Trung ương cho hồ thủy điện A Vương xả nước theo Quy trình 1537 với lưu lượng xả 28m3/s khi mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa thấp hơn 2,67m và 24m3/s khi mực nước sông từ 2,67-2,8m”, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho hay.

Vào ngày 4-7, đến lượt Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản đề nghị thủy điện A Vương xả thêm nước vì hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn ở phía Quảng Nam đang bị hạn hán, nhiễm mặn nghiêm trọng nhất trong 30 năm qua.

“Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quy trình 1537, nhưng Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các chủ hồ thủy điện vận hành bất chấp làm hết sạch nguồn nước đẩy mặn cho sông Thu Bồn và vô hiệu hóa khả năng cấp nước, đẩy mặn cho hạ du của các hồ chứa trước 2 tháng so với quy định. Vì thế, phải kiến nghị thủy điện A Vương xả nước tăng thêm để trổ về đẩy mặn cho sông Vĩnh Điện, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn và hàng ngàn héc-ta lúa”, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho hay.

Đến nay, đáp lại kiến nghị đòi thêm nước của Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Cục Quản lý Tài nguyên nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có văn bản phản hồi. Tình hình thiếu nước, nhiễm mặn qua từng năm càng nghiêm trọng hơn.

Những câu chuyện cũ và mới trong chuyện các hồ thủy điện trả nước trên các dòng sông cho thấy việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các hồ thủy điện có nhiều sai sót, bất cập; việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ thủy điện cũng có nhiều thiếu sót, không đúng với thực tế; việc thực hiện quy trình cũng không được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng như các chủ hồ thủy điện tuân thủ nghiêm, mà thường xuyên vi phạm, nhưng lại không bị xử phạt và thiếu sót chế tài xử phạt…

Những bất cập, sai sót này cần sớm được điều chỉnh, bổ sung và giải quyết thấu đáo để người dân ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn bớt khổ, bởi hiện nay và tương lai, sông Vu Gia vẫn là nguồn cấp nước sinh hoạt và nước tưới chính cho thành phố Đà Nẵng và huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.