Mùa xuân năm 1908, “Cuộc dân biến Trung Kỳ” (tên gọi do chính quyền thực dân và phong kiến đặt cho thời ấy) nổ ra bắt nguồn từ làng Phiếm Ái, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Một góc làng Ngọc Kinh Đông, quê hương của chí sĩ Trần Phước. Ảnh: N.H.T |
Các nguồn sử liệu gọi sự kiện này là phong trào vì ngọn lửa đấu tranh của nhân dân thời ấy với khí thế bừng bừng khắp cả huyện, cả tỉnh rồi khắp các tỉnh miền Trung. Cuộc dân biến như một ngọn lửa bùng lên và lan nhanh, nhưng chỉ là cuộc bạo động có tính tự phát, do bị bóc lột đến cùng cực phải đấu tranh, không được tổ chức quy củ nên bị chính quyền thực dân phong kiến đương thời thẳng tay đàn áp trong biển máu. Hàng trăm người bị bắt xử chém, bị tù đày. Tuy vậy, cuộc đấu tranh cũng đã minh chứng cho tinh thần bất khuất của người dân Quảng Nam trước bạo lực cường quyền.
Vào ngày đầu tháng 2 năm Mậu Thân (1908), tại một bữa giỗ tộc Trương (Phiếm Ái, Đại Lộc), các ông Trương Hoành, Lương Châu, Hứa Tạo, Trương Tổn, Trương Côn, Trương Đính,… đã “bàn nhau làm đơn lấy chữ ký các làng xã trong huyện, tới trình viên quan huyện chuyển đạt lên tỉnh cùng Tòa Sứ xin giảm nhẹ sưu cùng các món thuế, kẻo nặng quá dân không đóng nổi”. Vè xin thuế có đoạn: “…Ở đâu ở đó/ Cũng rúc mà ra/ Kẻ kéo xuống Tòa/ Người nằm trên Tỉnh/ Đông đà quá đông/ Tự trong Hà Đông/ Ngoài từ Diên Phước/ Đại Lộc xin trước/ Duy Xuyên, Quế Sơn/ Thăng Bình, Hòa Vang/ Huyện mô cũng có/ Lạy quan bảo hộ/ Dân thiệt cơ hàn/ Phải tới kêu oan/ Nhờ ơn chuẩn giảm…”.
Đầu tiên, với chủ trương ôn hòa là “xin” chứ không phải đấu tranh bạo động. Nhưng các quan phủ, huyện, tòa sứ ỷ vào súng đạn, bạo lực, điều động tay sai đàn áp, bắn giết làm cho những người biểu tình phẫn nộ. Ngọn lửa căm thù cháy dần lên, và người dân không còn nhân nhượng nữa. Dân kéo đến dinh phủ Điện Bàn, đòi tri phủ Trần Văn Thống phải cùng đi xin sưu thuế với dân. Viên quan này không chịu, liền bị người dân bắt bỏ lên xe kéo đi... Viên đề lại trốn được liền chạy đi báo. Lập tức, công sứ Charles sai lính khố xanh tới bủa vây đoàn người, rồi dùng roi gậy và báng súng xông vào đánh túi bụi.
Vẫn không giải tán được, đội lính chĩa súng bắn vào đoàn biểu tình, làm cho một số bị thương và bị chết đuối vì nhảy xuống sông. Viên tri phủ được giải cứu, nhưng ngay tối hôm đó, người dân tụ tập trở lại. Các nơi Tam Kỳ, Hòa Vang,... dân chúng thảy đều nổi dậy, làm cho chính quyền thực dân ăn không ngon, ngủ không yên, phải ban hành lệnh giới nghiêm, và tăng cường lính cho các phủ, huyện.
Trong đoàn người kéo nhau xuống phủ huyện đấu tranh, có một yếu nhân trong nhóm người lãnh đạo phong trào bấy giờ là ông Trần Phước, còn gọi là Hương Cập. Ông sinh năm 1858 (Mậu Ngọ), quê làng Ngọc Kinh Đông, tổng An Lễ Thượng, huyện Duy Xuyên (nay thuộc thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Con đầu của ông có tên là Cập và có một thời làm Hương bộ nên nhân dân địa phương quen gọi là Hương Cập.
Sinh ra thời điểm đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, chứng kiến cảnh thống khổ của đồng bào. Ông Trần Phước luôn nuôi hy vọng chờ thời cơ sẽ chống lại bọn sâu mọt hại dân, bán nước. Sinh thời, ông thường giao du, quen biết với những người có cùng chí hướng như ông. Ông chơi thân với Ông Ích Đường ở Túy Loan, một người giỏi võ nghệ, cháu nội danh tướng Ông Ích Khiêm. Khi phong trào đấu tranh đòi giảm sưu thuế của nhân dân huyện Đại Lộc nổ ra, thực dân Pháp huy động lực lượng quân đội rất lớn để đàn áp dã man. Chúng lệnh cho bọn Chánh tổng, Hương lý sai người lùng sục, bắt bớ, đem về giam trong nhà để tìm ra người thủ lĩnh, chỉ huy.
Căm ghét bọn Việt gian sâu mọt, ông cùng Ông Ích Đường dẫn người về làng Mậu Lâm (nay thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc), đốt nhà một tên địa chủ tay sai của Pháp, rồi kéo về làng Gia Cốc thuộc phủ Duy Xuyên, bắt tên chánh tổng Trần Quất (còn gọi là Chánh Năm), đốt râu, rồi dẫn ra bàu buộc đá dìm chết để trừng trị. Giặc Pháp kéo quân về làng Ngọc Kinh cả tháng trời để vây bắt ông, bắt được chúng vô cùng hớn hở, chúng tuyên án xử chém ông.
Ngày 10 - 6 -1908, thực dân Pháp cử một đội hành quyết đưa ông đến làng Mậu Lâm để xử chém. Biết tin này, ông tỏ ý muốn được nghe dàn nhạc bát âm của làng tấu lên những bài nhạc cổ trước khi chết. Người ta kể lại rằng, dân làng và tộc họ đã lập đàn để tế sống ông. Đoàn ghe đưa ông từ bến Đá Mọc (Hà Vy) ngược dòng Vu Gia tới Hà Tân, theo sông Con đến làng Mậu Lâm, ngay trên nền nhà của tên địa chủ trước đó đã bị ông trừng trị.
Ngồi trên ghe, dù đang bị gông xiềng nhưng thần thái ông luôn an nhiên tự tại, mắt nhắm như đang thiền, tai lắng nghe dàn nhạc bát âm tiễn mình bằng những bài nhạc cổ. Đến nơi hành hình, khi tên đao phủ đưa đao hành quyết, chiếc thủ cấp của Trần Phước rơi xuống, người con út của ông nhặt lên bọc vào miếng vải đỏ đã chuẩn bị sẵn. Ôm đầu cha, người con trai hô to trước công chúng, kể tội kẻ thù và biến cuộc hành quyết thành cuộc bạo động. Nhân dân chứng kiến cuộc xử chém đồng loạt nghe theo, họ dùng gậy gộc xông vào đánh đuổi bọn giặc làm cho chúng tháo chạy bán sống bán chết để thoát thân về Ái Nghĩa.
Cái chết lẫm liệt của chí sĩ Trần Phước đã làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh, tinh thần bất khuất cho những thế hệ sau này trên con đường đánh đuổi quân xâm lược giải phóng quê hương. Mộ ông hiện nay được mai táng tại thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Nơi quê hương ông, hiện tại có một ngôi trường tiểu học mang tên Trần Phước.
Nguyễn Hải Triều