Từ bệnh viện trở về nhà sau cơn bạo bệnh, bà Năm thấy nhà có nhiều đổi khác. Có chút gì trống vắng. Thôi phải rồi. Cây bông giấy đỏ trước nhà đã biến mất như cây đa của chú Cuội vụt về trời không để lại dấu tăm hơi. Bà hỏi đứa cháu ngoại: Cây bông giấy của nhà mình đâu rồi con. Đứa cháu gái mới học lớp năm của bà đang ngồi chơi trước nhà nói với vào: Có người tới mua ba mẹ con bán rồi ngoại ơi! Bà cảm thấy sụp đổ, phải chi cây bông giấy bị ăn trộm lén bứng đi bà cũng sẽ buồn nhưng không thấy thất vọng như vậy.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cây bông giấy đó thật ra cũng không phải là giống cây quý, nó quê mộc như chính cái tên mà người ta đặt cho nó, nhưng đó là giống cây quen thuộc, dễ trồng không cần chăm bón. Trong xóm này, nhà nào cũng có bông giấy, đủ màu sắc. Từ tím ngắt như bằng lăng tới trắng phau như hoa mộc, rồi cam, hồng tới đỏ. Và chỉ màu đỏ thôi cũng có vô vàn sắc độ, từ đỏ nhạt cho đến đỏ thẫm. Những cánh hoa mỏng như giấy pơ-luya óng ả bao bọc những nhị hoa nhỏ xíu màu trắng. Người ta trồng hoa giấy làm kiểng, làm hàng rào… Bà ra sân nhìn chỗ trồng cây bông giấy. Không còn gì lưu dấu. Đứa con gái và con rể của bà đã lấp đất và phủ rác lên.
Coi như nơi này chưa từng có cây bông giấy nào tồn tại. Bỗng nhiên, dạo gần đây người ta đổ xô đi tìm các cây bông giấy lâu năm, gốc càng to càng có giá trị. Không biết ai chỉ mà một bữa có người lạ ghé nhà bà mê mẩn nhìn những chùm hoa giấy rồi xin phép chụp hình, quay phim cây bông giấy. Bà ngạc nhiên, mấy chú chụp làm chi cây bông này, trong xóm người ta trồng bông giấy kiểng có nhiều màu lắm.
Rồi người đó nói cây bông giấy có giá trị là cây bông giấy như của nhà bà, gốc to xù xì, cho hoa nhiều và kết thành chùm, chứ không phải là hoa giấy kiểng đủ màu tìm đâu cũng thấy. Rồi họ thuyết phục bà bán cho họ với số tiền trên mười triệu đồng. Bà lắc đầu. Họ tưởng bà không đồng ý vì giá thấp lại trả lên cao. Bà cũng lắc đầu. Họ lại nói nếu bà đồng ý thì họ đổi cho bà cây mai cổ dáng đẹp bảo đảm bà sẽ không chịu thiệt thòi khi đồng ý đổi cho họ. Bà chỉ nhẹ nhàng trả lời không đổi vì cây hoa giấy đã thân thiết với bà lắm rồi, từ hồi vợ chồng bà mới cưới nhau về đây.
Ngôi nhà khi ấy thực ra là cái chuồng trâu người ta không dùng nữa, vợ chồng xin thân cây dừa bị đuông ăn đọt chết về xẻ ra đóng làm vách cho có nơi trú ngụ. Nhà ba mẹ hai bên cùng nghèo không có gì cho con cái, nên khi có chồng, bà xin mẹ cây bông giấy trồng trước nhà cho có hoa kiểng với người ta. Mấy mươi năm rồi bà vẫn nhớ rõ như in, buổi chiều hôm đó ông cuốc đất, bà bỏ cây xuống rồi ông bà cùng khỏa đất lại. Ông nói mùa mưa năm sau chắc sẽ có bông.
Mùa mưa năm sau cây hoa giấy chưa kịp ra hoa, mà tới mùa mưa năm sau nữa cây hoa giấy mới chúm chím những nụ hoa đầu, hôm đó cũng giáp một trăm ngày ông mất và đứa con gái của ông bà mới hơn bốn tháng tuổi. Buổi sáng bà tất tả lo làm mâm cơm cúng một trăm ngày cho ông. Chiều mọi người về hết, bà ra sân bẻ chùm hoa giấy đầu tiên cắm vào bình đem lên bàn thờ cúng cho ông… Những bông hoa rực rỡ nhuận sắc đó chỉ rời cành là héo rũ ngay nên dù bà có châm nước bình hoa thường xuyên cũng không thể nào nấn níu hoa lâu tàn úa. Cũng như bà xa ông khi tuổi còn quá trẻ làm sao không hiu hắt khi một mình làm lụng nuôi con.
Những khi làm đồng về, nhìn hoa giấy kết từng chùm đỏ rực trước nhà, bà lại nhớ ông, nhớ những ngày cùng đi làm đồng vất vả nhưng vẫn vui vì có ông cùng nắng mưa san sẻ. Mỗi khi ngồi trước nhà, có trận gió thổi qua những chùm hoa lay lay trong gió, bà lại ao ước giá còn có ông để hai vợ chồng cùng nhìn ngắm thành quả là cây hoa duy nhất trong sân nhà xung quanh chỉ trồng toàn rau. Sau đận hái hoa vào chưng thấy hoa mau héo bà đã thôi dâng hoa giấy trên bàn thờ ông. Cứ để hoa ở trên cành như tình cảm bà yêu quý ông mãi nén vào lòng không bày tỏ cho ai biết. Hoa giấy cứ vậy mà rực rỡ.
Giống hoa giấy này khác với các loại hoa giấy khác. Hoa đã tàn cứ khô quắt lại tuyệt đối không rụng như các loại khác. Một đôi lần nhìn chùm hoa chỉ còn sót lại vài hoa đỏ trong chùm hoa khô bà hình dung người đàn bà ngày xưa ôm con hóa đá, những đóa hoa khô như từng bộ phận trên cơ thể người đàn bà dần dần chuyển thành đá cho đến khi trở thành tượng đá mang theo cả tấm lòng thủy chung chờ đợi. Mặc gió, mặc mưa những bông hoa đã tàn vẫn sắt son giữ chặt lấy cành.
Rồi con gái lên ba, sau khi mãn tang chồng, ông Tư hàng xóm yêu quý tấm lòng son sắc của bà nhờ người đánh tiếng. Mọi người cứ thuyết phục bà, họ bảo nhà chỉ toàn đàn bà, con gái rất cần có đàn ông sớm hôm bầu bạn, san sẻ nhọc nhằn, lo cho mẹ con bà khi tối lửa tắt đèn. Bà biết ông Tư từ thuở bé, cùng học chung trường làng, ông Tư và chồng bà là đôi bạn thân. Cả hai cùng yêu quý bà nhưng bà chỉ có thể chọn một người.
Từ hồi chồng bà mất, ông Tư hay san sẻ cùng bà việc đồng áng, những việc nặng nhọc. Bà quý ông Tư bởi ông rất trân trọng bà, trong thời gian bà thọ tang chồng, ông không bao giờ đề cập hay nói gần, nói xa chuyện tình cảm… Nhưng qua bao lần đắn đo suy nghĩ bà thấy không thể nào cùng ông Tư gá nghĩa. Bà thương con gái, sợ rằng con gái sau này sẽ khổ… Một bữa ông Tư sang giúp bà lợp lại mái tranh, buổi chiều sau khi lợp xong mái nhà, khi đưa ông ra ngoài ngõ ngang qua cây bông giấy bà bảo anh Tư ráng tìm người khác, tôi phải ở vậy nuôi con… Rồi bà quay vào nhà, ông Tư cũng ngậm ngùi không quay lại…
Hoa giấy cứ thế vươn lên cao, hồi mới đem về gốc chỉ bằng ngón tay út giờ đã bằng cây cột nhà, thời gian đã tạc vào gốc những hình thù xù xì gân guốc. Cây hoa giấy đối với bà như người bầu bạn, cùng bà trải qua những tháng năm hạnh phúc ngắn ngủi của tuổi trẻ, chia sẻ cùng bà những nỗi đau mất mát và cả nỗi cô đơn của người mẹ đơn thân. Ngần ấy năm, đứa con gái bé bỏng mồ côi cha khi mới đầy tháng đã trưởng thành rồi tới ngày lập gia đình. Bữa nhà trai tới, bà nói có một thỉnh cầu cho con rể ở bên này. Nhưng nhà con rể không chấp thuận vì họ cũng chỉ có độc nhất đứa con trai.
Con gái về nhà chồng, một mình bà trong căn nhà trống vắng, chỉ còn lại cây hoa giấy để bầu bạn. Bà đã già, mắt nhăn nheo da chùng nhão, cây hoa giấy trên năm mươi năm vẫn rực rỡ. Cành hoa vươn cao không thể với tay tới những chùm hoa khô lủng liểng. Để cây cho mùa hoa mới, bà phải dùng gậy khua vào các chùm hoa. Những bông hoa giấy kiên gan cũng phải rơi, bà nghĩ cũng như hoa, bà rồi sẽ về với đất…
Những ngày hai vợ chồng con gái đi làm đem con sang gửi, bà cũng bớt cô quạnh. Một buổi chiều, sau bữa cơm, bà cảm thấy nhức đầu dữ dội rồi ngất đi. May có đứa cháu chạy qua nhà hàng xóm nhờ giúp, vậy là hàng xóm đưa bà vào viện. Bác sĩ chẩn đoán bà bị cao huyết áp. Bà tỉnh lại nhưng huyết áp không ổn định, bác sĩ bảo phải ở lại theo dõi và điều trị. Hai tuần nằm viện, có những lúc trong giấc mơ chập chờn, lần đầu tiên bà thấy hoa giấy trước nhà bà rụng đầy trước ngõ như những vệt màu loang đỏ. Bà choàng tỉnh và hoảng hốt. Mừng rỡ vì chỉ là giấc mơ thoảng qua. Con gái và con rể vào thăm bà cũng không hỏi ở nhà thế nào. Nhà bà đơn sơ chẳng có gì đáng giá, chỉ có cây bông giấy mấy mươi năm nay đứng ở góc sân có mất đi đâu, cũng không cần ai chăm tưới cây vẫn tươi xanh cho hết lứa hoa này đến lứa hoa khác.
Chiều nay, hai bà cháu ngồi hóng mát trước hiên nhà. Đứa cháu bé bỏng đang ngồi ngóng ba mẹ sang rước bỗng hồn nhiên hỏi: Ba mẹ con bán cây bông giấy của ngoại rồi, ngoại có giận ba mẹ con không? Bà trầm ngâm, đứa con rể mới vào gia đình này mấy năm chưa hiểu, bà không trách, còn đứa con gái đã cùng bà trải qua những tháng ngày buồn nhất, bà đã vì con hy sinh tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người, sẵn sàng bỏ đi những hạnh phúc riêng tư thì bà tiếc gì với con cây bông giấy…
Trương Quốc Toàn