Gió nổi ngoài cồn

.

Tôi muốn kể câu chuyện phía sau ô cửa có con mèo đang nằm trong bức ảnh này.

Đây là một trong số những căn nhà nằm trên cồn Phó Ba, giữa sông Hậu. Từ trong bờ sông, tức thành phố Long Xuyên, đi bằng xuồng ra đây mất khoảng 10 phút. Ở vùng sông nước miền Tây thường thấy cồn hoặc cù lao nằm giữa sông, trên đó người ta sinh sống đã nhiều thế hệ. Cồn và cù lao khác nhau như thế nào, khi nó đều là những dải đất thuôn dài, nằm giữa sông? Người địa phương nói rằng, cồn là do đất bồi mà thành, còn cù lao thì do nước chảy xiết, cắt phần đất liền đó ra bằng những dòng chảy. Tức là, cù lao thì có trước dòng chảy, còn cồn thì có sau. Đại loại như vậy.

Ngôi nhà của ba mẹ con bà cháu Quỳnh Như. Ảnh: Đ.B.T
Ngôi nhà của ba mẹ con bà cháu Quỳnh Như. Ảnh: Đ.B.T

Cồn Phó Ba nằm giữa sông Hậu. Phó Ba là tên người điền chủ đầu tiên đến khai khẩn miếng đất này. Một ông Phó ký, là con thứ ba trong một gia đình quyền thế. Trên cồn, hàng trăm hộ gia đình đang sinh sống và dựa vào chèo đò, đánh cá, lặn thuê… để mưu sinh. Cồn vừa có điện lưới ngay trước Tết âm lịch vừa qua, và cũng vì thế mà đã có nước sạch. Một con lộ rộng chừng 2m chạy dọc cồn đang được làm dở dang. Internet, truyền hình cáp cũng đều đã có. Thời tiết trên cồn khá dễ chịu. Gió lộng, trong lành, cây cối xanh tươi. Mọi thứ dường như yên ổn, ấm áp, trù phú hơn so với hình dung của tôi về một cái cồn nằm trơ trọi giữa dòng sông lớn.

Tôi ngồi trong quán cà-phê của một người phụ nữ mảnh dẻ, xởi lởi, tươi tắn. Chị Hạnh. Chị nói, tôi sinh ra ở đây. Bố mẹ tôi cũng sinh ra ở đây. Ông bà đặt chân đến đây từ bao giờ thì tôi không biết rõ lắm, nhưng lâu rồi. Sinh ra, lớn lên, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái… Cuộc sống cứ thế trôi đi.

Một cơn gió nổi lên. Rất nhanh, mọi gia đình đều kéo những tấm rèm lớn bằng vải, để che chắn căn nhà. Chưa ở đâu tôi lại thấy người ta che chắn nhà mình khi trời mưa bằng những tấm rèm ngoài sân. Gió từ sông thốc vào rất mạnh. Những ngôi nhà trở nên bé nhỏ, mỏng manh biết mấy. Và mưa trút xuống ào ào. Cảm giác với một lượng nước, sức gió như nhau, nhưng mưa ngoài cồn sẽ dữ dội gấp hai gấp ba lần so với trong bờ.

Phía đối diện quán cà-phê của chị Hạnh, một cô bé con đang cố gắng buộc thật chặt sợi dây níu cái góc rèm vải vào cột nhà. Nhưng khi cô vừa buộc xong thì mưa cũng dứt. Dường như mưa ở cồn thường thế, ào một cái, rồi dừng trong phút chốc. Chị Hạnh có cậu con trai học xong phổ thông, rồi ở nhà, mua rong biển về làm rong biển sấy khô, một món đồ ăn vặt mà học sinh rất thích. Cậu thậm chí hồ hởi mang sản phẩm ra mời chúng tôi dùng thử. Tôi hỏi, chị có bao giờ mong thay đổi cuộc sống của mình, ví dụ như chuyển nhà vào trong bờ chẳng hạn? Chị Hạnh cười, lắc đầu. Tôi thấy bằng lòng rồi. Sống ở đây quen rồi. Vào bờ biết sống bằng gì?

Phải, vào bờ biết sống bằng gì?

Trở lại với ngôi nhà trong bức ảnh này. Nó níu chân tôi lại chỉ vì có con mèo nằm bình yên ở cửa. Ngôi nhà quay lưng ra sông, sàn gỗ, cọc chống xuống sát mép sông. Những ngôi nhà sàn kiểu này ở đây rất nhiều. Thường thì nó nằm lênh khênh, nhưng khi nước lên có thể ngập đến tận sàn. Ngôi nhà nhỏ, im lìm, bên trong hơi tối. Tôi bước chân vào, bỏ giày. Một bà lão nặng nề ngồi trong chiếc võng bằng vải. Chiếc võng buộc lên hai cột nhà, và chùng sát mặt sàn, nên bà ngồi võng cũng chẳng khác gì ngồi bệt. Sau bà, một chiếc võng nữa, là cô bé con chừng mười hai mười ba đang nằm đọc sách. Và sát vào vách tường, một phụ nữ đang ngồi khâu gì đó.

Tôi ngồi với họ trong căn nhà ấy, rất lâu.

- Em tên gì?

Tôi hỏi người phụ nữ chừng ngoài ba mươi.

- Quỳnh Như, chị!

- Đây là…

- Bà nội. Kia là con gái em.

Nhà chỉ có ba mẹ con bà cháu. Bố mẹ Quỳnh Như bỏ nhau khi cô mới 3 tuổi, em gái Như còn nhỏ hơn. Bà nội nuôi hai chị em, còn cả bố và mẹ đều đi lấy vợ lấy chồng mới. Đi luôn. Chưa khi nào quay về.
Quỳnh Như lấy chồng. Và rồi chồng cũng bỏ đi, để lại cho cô một cô con gái. Bây giờ Quỳnh Như nuôi bà nội, và con gái.

Tôi bị hút vào vẻ đẹp một cách kỳ lạ của Như. Như đậm đà, da trắng hồng hào. Đôi mắt đen buồn bã, nhưng miệng lại rất tươi.

Gió thổi sau lưng ngôi nhà. Ngoài đấy là dòng sông đang mải miết chảy. Chiều nào tầm 1 giờ Quỳnh Như cũng vào bờ, phụ việc trong một quán ăn, lương tháng 3 triệu đồng. Tầm 10-11 giờ đêm thì về nhà. Toàn bộ cuộc sống của ba người chỉ trông vào việc làm thuê của Như, và cái quầy hàng nhỏ bán vài thứ lặt vặt. Như nói, em định cho con bé học hết cấp hai rồi nghỉ học. Đi học tốn tiền lắm, mà em thì…

Như dừng lại. Tôi sợ nhìn vào đôi mắt đẹp của Như. Càng buồn nó càng đẹp. Tôi hỏi sang chuyện khác, nhưng không ngờ nó khiến Như buồn bã hơn:

- Liệu có lấy chồng lần nữa không Như?

Như lắc đầu, nói rất nhỏ:

- Thôi. Lấy gì nữa chị…

Ngôi nhà mà ba bà cháu đang tá túc, Như nói, đây là em đang ở đợ trên miếng đất của ông cậu. Chứ em làm gì có tiền mua. Cái “miếng đất” mà Như nói, nó sát sông. Bên dưới nó là sình lầy. Tôi luôn cảm thấy bất an khi nhìn những ngôi nhà cắm trên những cái cọc mỏng manh như những cây sào nằm san sát dọc bờ những con sông ở miền Tây. Và ngồi trong ngôi nhà của Như, cái cảm giác bất an ấy càng hiển hiện rõ. Những khi mưa to gió lớn, những lúc bà nội, con gái, hay chính bản thân Như ốm đau, bệnh… Như sẽ xoay sở thế nào?

Tôi không đủ can đảm để nói với Như cho tôi chụp Như một kiểu ảnh. Cái máy ảnh nằm im trong túi, đóng nắp, và đang ở chế độ tắt. Đôi khi, những điều ám ảnh nhất trong một lát cắt nào đó của đời sống lại khiến tôi chỉ có thể ghi nó vào trong trí não. Đấy là sự thật. Tôi sẽ luôn nhớ đến Như, đến cô bé con, đến bà nội của Như cả ngày ngồi như bệt xuống sàn gỗ, trên chiếc võng bằng vải, trong căn nhà tôi tối, quạnh quẽ.

Cồn Phó Ba, theo như truyền thuyết thì 120 năm là một chu kỳ. Lần lượt chu kỳ bồi rồi đến lở. Nghe nói, năm nay chính là năm thứ 120, nhưng không rõ của chu kỳ nào. Một phía của cồn đang lở, và phía kia lại bồi. Từ nhà Như ra, tôi được một người đàn ông chặn đường mời vào uống nước. Câu chuyện của ông ấy tôi sẽ nói lúc khác, nhưng tôi rất ngạc nhiên về một bức đồ họa ông ấy đã nhờ ai đó phác thảo, về một cây cầu cong cong vươn từ trong bờ ra cồn.

Ước mơ về một cây cầu có lẽ là ước mơ từ hàng thế kỷ nay đối với người Phó Ba. Nhưng, nó quá lớn và quá xa xôi. Nếu có cầu, có lẽ con gái Như sẽ không phải bỏ dở việc học hành, và có lẽ, cuộc sống của ba mẹ con bà cháu Như sẽ khác hơn.

Mơ thôi, ai cấm mình, phải không Như?

Đỗ Bích Thuý

;
;
.
.
.
.
.