Hai cô gái trong bức ảnh này là những người đầu tiên đưa tôi chạm vào vùng văn hóa Khmer.
Và tôi không ngờ rằng bất kể điều gì ở trong đó cũng đều hút tôi vào. Mãnh liệt, thú vị, hấp dẫn. Cảm giác này giống như nhiều năm trước tôi chạm vào vùng người dân tộc Mông, và ở đó mãi cho đến tận bây giờ. Néang Sóc Chinh, sinh năm 1998, sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn; Neàng Srây Niên, sinh năm 1999, ngành Luật, Trường Đại học An Giang.
Néang Sóc Chinh và Neàng Srây Niên. Ảnh: K.H |
Cả hai đều sinh ra, lớn lên ở huyện biên giới Tịnh Biên, An Giang. Chinh và Niên, tôi tạm gọi hai cô như vậy, có lẽ là hai trong số khá hiếm hoi những cô gái người Khmer quyết chí học đại học. Với người Khmer, chế độ mẫu hệ vẫn đang được duy trì. Vì vậy, trong gia đình, những cô con gái luôn được cưng chiều, tôn trọng, cũng được dạy dỗ nghiêm khắc hơn cả. Chinh nói: “Nếu trong nhà người Khmer có con gái thì ba mẹ thường ví là có hũ mắm bồ hóc”.
Theo tục lệ người Khmer, trai gái lấy nhau thì chàng trai thường phải ở rể, và có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ vợ đến cuối đời. Nhất là những gia đình có một cô con gái, hoặc con gái là út. Thách cưới thì rất đáng kể, hiện vật quy ra tiền khoảng… 100 triệu đồng. Tôi đùa, thế thì nhà nào nhiều con gái sẽ giàu lắm. Chinh cười khanh khách rồi nói: Chị ơi, nhưng làm con gái cũng áp lực lắm. Phải ngoan này; phải không được để có tiếng xấu gì cả này; phải biết làm lụng, nội trợ, thêu thùa… giỏi giang nữa. Thế nên ba em mới nói bọn em giống mấy hũ mắm đó chị. Ba mẹ có con gái lo lắm, nhỡ nó có tiếng xấu gì thì không lấy được rể tốt về nhà mình đâu.
Và có một điều đặc biệt trong chế độ mẫu hệ ở người Khmer là, không phải con cái khi sinh ra sẽ mang họ mẹ. Mà nếu sinh bé trai, mặc nhiên nó sẽ mang họ Chau; nếu là bé gái, mặc nhiên sẽ mang họ Néang (hoặc Neàng). Hoặc ít nhất là vùng Khmer Tịnh Biên của hai cô gái này như vậy.
Tôi đi với Chinh và Niên lên chùa Tà Pạ vào lúc trời đã nhập nhoạng. Một ngôi chùa cổ, đặc trưng Khmer với những tháp vàng óng, cong, nhọn, những bức phù điêu hình vũ nữ, và còn có những ngôi tháp nhỏ nhiều tầng ở trong khuôn viên. Tôi giữ Chinh ở cổng để nghe cô đọc bằng tiếng Khmer những dòng chữ in phía trên. Đọc xong, Chinh dịch cho tôi nghe, nội dung về một ngày lễ trọng nào đó của nhà chùa.
Trên nền trời thẫm tối, những cái mái như cong hơn, nhọn hơn, giống như được khảm lên đấy, nhất là khi nó lọt vào trong ống kính cái máy ảnh kỹ thuật số tự điều chỉnh độ sáng phù hợp. Cái phần nóc nhọn hoắt với những mái cong vút hai bên đẹp một cách kì lạ. Người Khmer ở đâu thì ở đó có chùa. Một ngôi làng mọc lên, thì cùng lúc chùa cũng mọc lên. Về những ngôi tháp nhỏ sơn nhũ vàng đang óng ánh lên vì ánh sáng của mấy bóng điện, nằm sát cạnh nhau, Niên nói rằng đó là nơi yên nghỉ của những người đã khuất. Mỗi gia đình có một ngôi tháp như vậy trong chùa.
Tự xây. Khi người thân qua đời, họ hỏa thiêu và mang tro cốt cất vào đó. Lần lượt từ dưới thấp lên cao dần. Giàu nghèo gì thì cũng sẽ có đất ở trong chùa để xây tháp. Chùa vì thế chính là nơi yên nghỉ cuối cùng của một con người. Nhưng điều lạ nhất là tôi không hề cảm thấy sợ hãi khi đứng ngay trước la liệt những ngôi tháp nằm sát cạnh nhau. Không có cảm giác lạnh lẽo. Những ngôi tháp giống như những đọt măng mọc lên từ đất, tự nhiên, an yên, tất yếu như phần nối dài của những phận người.
Người Khmer khi xưa, tất cả mọi chàng trai trước khi lấy vợ đều phải vào chùa tu một, thậm chí ba năm. Việc đi tu trong chùa được coi là một hình thức trả hiếu ba mẹ. Ngày nay thì việc tu vẫn bắt buộc, nhưng được rút xuống chỉ còn… một tuần. Dễ hiểu vì sao họ lại không thể sống mà thiếu một ngôi chùa ở ngay bên cạnh.
Tôi ấn tượng bởi sự hiểu biết của Chinh và Niên về văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình. Sự hiểu biết có lớp lang, có nguồn gốc, căn nguyên, có thể giải thích được các sự vật hiện tượng chứ không phải chỉ là thuộc nằm lòng do được ông bà, cha mẹ dặn dò. Đấy có lẽ là do được học hành đến nơi đến chốn, và luôn có một niềm yêu thương giấu kín về văn hóa tộc người mà mình lớn lên ở trong đó.
Tôi sinh ra ở vùng Tày phía Bắc. Nhiều bạn học của tôi là người Tày. Nhưng tôi đã chứng kiến, từng chút một, rất rõ rệt, sự thay đổi về lối sống, phong tục tập quán của họ. Tôi đã nhìn thấy cả một ngôi làng dần dần biến mất. Những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi, mái dày mọc cả cỏ ở trên bị phá đi, thay vào đó là những ngôi nhà bê-tông mái bằng. Các cô gái bỏ váy Tày đi, và mặc quần áo của người Kinh. Bỏ khăn vấn đầu và đi làm tóc. Bỏ tiếng Tày để nói tiếng Kinh… Tôi thậm chí đã viết cả một cuốn tiểu thuyết về ngôi làng ấy.
Và vì thế, tôi yêu mến hai cô gái Khmer này biết bao.
Các cô gái buộc phải nói tiếng phổ thông khi đến trường, nhưng cái chất giọng vẫn rõ nét những thanh điệu đặc trưng Khmer. Nước da ngăm ngăm, hàm răng rất trắng, đều tăm tắp, những đôi mắt sâu thẳm và sáng lấp lánh. Những đôi mắt khiến cho người đối diện thấy tin cậy, yêu mến.
Tháng 6, tuy được nghỉ nhưng Chinh và Niên ở lại để học các tín chỉ trong mùa hè. Vừa học vừa bán hàng trên mạng để có thêm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày, cũng vui nữa. Những món đồ vừa với túi tiền sinh viên. Và có vẻ như hai cô cũng có duyên buôn bán. Thi thoảng còn livestream trên facebook cá nhân. Có lần tôi vô tình vào xem, hai cô bé nhận ra tôi đang theo dõi liền reo lên: Chị kìa! Chị kìa! Tôi thả một trái tim màu đỏ vào cái cửa sổ ấy. Lòng thấy vui lạ.
Tôi nhớ một cô bạn Tày của tôi. Cô ấy xinh lắm. Mà nói chung ở ngôi làng ấy, con gái rất xinh. Da trắng bóc, vóc dáng óng ả, giọng nói trong vắt. Cô ấy đã bỏ làng đi, khi tôi đang học cấp ba. Tức là khoảng mười sáu, mười bảy. Nhỏ tuổi hơn Chinh, Niên bây giờ. Đi rất lâu, và đến khi quay về thì đã đổi khác hoàn toàn. Trừ giọng nói vẫn còn ảnh hưởng do cách phát âm tiếng Tày từ khi sinh ra, còn thì đã không phải là một cô gái Tày nữa. Tôi không muốn nói tới việc cô ấy đã đi đâu, làm gì. Chẳng vui gì. Chỉ biết rằng, sau cô ấy, hàng loạt các cô gái khác đã chối bỏ thân phận, từ bỏ ngôi làng, bằng cách này hay cách khác.
Tôi luôn tin rằng, khi một người được sinh ra, không, có lẽ phải từ khi họ còn là một cái phôi bé tí xíu vừa hình thành trong bụng mẹ, thì đã có một ngôi sao nào đó trên vũ trụ chiếu rọi, xác quyết cho họ một thân phận. Và vì vậy, cho dù họ có loay hoay chật vật xoay trở thế nào đi nữa, thì cái thân phận ấy cũng có từ trước khi họ chào đời rồi và nó sẽ không thay đổi đâu. Thế nên, hãy biết ơn cha mẹ vì đã được sinh ra, biết ơn cuộc đời vì đã được cất tiếng khóc, biết ơn số phận vì cả vui lẫn buồn…
Như là hai cô gái này, luôn cất những tiếng cười trong vắt như tiếng những chiếc chuông gió lanh canh trong buổi sớm mai, và chỉ mơ ước một điều giản dị là được sống bằng sức lực bản thân, báo hiếu được cha mẹ. Luôn tin yêu, luôn nhìn về phía trước, sẵn sàng đi xe máy xuyên đêm mấy chục cây số sau khi tạm biệt ngôi làng Khmer thân thuộc để về thành phố cho kịp buổi học sớm mai.
Nghĩ đến Chinh và Niên, có cảm giác như họ là những tia nắng. Lấp lánh, tự tin và ấm áp biết bao.
KHẢI HUYỀN