Là người dân Đà Nẵng, kể cả những người Đà Nẵng sống xa quê, hẳn không ai là không muốn biết về sự tích của Ngũ Hành Sơn, mà trong dân gian bao đời nay vẫn gọi là núi Non Nước.
Truyền thuyết kể rằng: Ngày kia, có một lão ngư dân bị đắm thuyền từ phương Bắc trôi dạt tới. Ông lão tự đi đốn cây, cắt tranh, dựng một túp lều con và sống thui thủi một mình trên bãi biển vắng.
Một góc Non Nước. Ảnh: T.H.D.V |
Một buổi sáng ấm áp, sóng gió bỗng cuộn lên. Lúc sau, có một con Rồng Vàng rẽ sóng tiến vào bờ. Rồng Vàng quằn quại hồi lâu, cát bụi bốc mù mịt, mây đen che kín bầu trời. Trong khoảng đất trời u ám ấy, bỗng một tiếng thét lớn, rồi một làn ánh sáng lạ xuất hiện. Rồng Vàng đẻ ra một quả trứng rất lớn. Đẻ xong, Rồng Vàng lập tức quay về Biển Đông. Ngay sau đó, Rùa Vàng hiện lên bới cát ủ kín trứng rồng rồi gọi lão ngư dân sống trên bãi vắng tới, và dạy rằng: Ta là thần Kim Quy. Ta muốn nhà ngươi phải tận lực bảo vệ giọt máu này của Long quân!
Lão ngư dân hỏi: Già này sức cùng lực tận thì làm sao mà bảo vệ được?
Rùa Vàng bèn tháo chiếc móng chân của mình trao cho ông già và dặn rằng: Ta giao cho ngươi khí giới của ta, những khi thật cần thiết, ngươi hãy đặt ngay nó vào tai, ta sẽ có cách giúp!
Từ đó, lão ngư dân hết lòng hết dạ bảo vệ trứng rồng. Trứng rồng cứ theo ngày tháng lớn lên, dầu lão ngư dân có che đậy bằng cây lá, không ngừng gánh cát đổ lên phủ kín trứng, cũng chẳng thấm vào đâu. Giữa bãi cát trắng, trứng cứ không ngừng cao lên, to ra, màu vỏ trứng lấp lánh năm sắc, trông tựa như một hòn ngọc khổng lồ, phản chiếu ánh dương quang.
Ngày kia, có một đạo quân xa lạ từ ngoài biển tràn vào, đốt cháy túp lều nhỏ bé của lão ngư dân. Gươm đao tua tủa, chúng hăm hở kéo tới bên cạnh trứng rồng, tưởng chừng chỉ trong phút chốc chúng có thể ùa vào đập tan cái trứng khổng lồ kia. Nhờ có móng rùa của thần Kim Quy, ông cụ đã kịp thời bốc cát ném ra chung quanh. Lạ thay, những nắm cát nhỏ bé ấy, trong giây phút, cháy lên thành một vòng rào lửa, vây hãm bọn giặc hung ác. Chẳng còn tên nào sống sót.
Sau đúng một ngàn ngày đêm, trứng rồng bỗng nứt ra. Một cô gái xinh đẹp tựa như tiên ra đời. Nàng lớn nhanh như thổi. Giữa một mảnh vỏ trứng, có một chiếc hang như được dành sẵn cho nàng. Trong chiếc hang thoáng mát kia, có hai cái vú đá không ngừng tuôn ra một dòng sữa trắng để nuôi nàng. Còn muôn chim thì đua nhau đến nhảy nhót hót ca giúp vui cho nàng, và tha bông vải đến dệt áo cho nàng mặc, tha sợi đay về dệt thảm cho nàng trải. Nàng Tiên ngày một lớn, ngày một đẹp khác thường.
Một hôm, nàng nhặt những viên đá nhỏ có năm sắc lấp lánh vương vãi bên chân nàng ngồi, ném ra chung quanh. Lạ thay, mỗi viên sỏi ngũ sắc rơi xuống đều mọc lên một loài hoa lạ, có năm cánh. Về sau, những người dân từ phía Bắc đến, đã dùng loại hoa Tứ quý này để chữa bệnh thời khí và bệnh sốt rét.
Vào một đêm trăng sáng, Nàng Tiên xinh đẹp tuyệt trần kia được Rùa Vàng hiện lên đưa đi mất.
Còn lão ngư dân, trước khi trả lại móng rùa cho thần Kim Quy, đã được mách bảo để tìm thấy một cái hang thoáng mát trong lòng một mảnh vỏ trứng rồng, trên nóc hang có ánh mặt trời soi dọi, trước hang có cây cỏ xanh tốt mọc đầy. Lão ngư dân dọn vào ở hẳn trong lòng hang. Về sau, chẳng ai còn biết tin gì về ông lão.
Năm mảnh trứng rồng nứt ra cứ lớn mãi, lớn mãi lên, thành năm ngọn núi. Ngày nay, năm cụm núi ấy vẫn còn, và do đá núi có năm sắc lấp lánh nên người ta gọi là núi Ngũ Hành. Người dân vùng đất Tiên Sa này còn cho rằng khi Rồng Vàng ở cữ trong cơn quằn quại đã vô tình làm lở đất thành dòng sông Cẩm Lệ và sông Hàn ngày nay.
Từ truyền thuyết này, có hai vấn đề để người dân Đà Nẵng chúng ta suy nghĩ.
Thứ nhất, chúng ta không quên là, thần thoại, truyền thuyết suy nguyên (Mythologic etiologique) là những truyện mà dân gian ở một vùng đất dùng để lý giải, suy đoán về nguồn gốc của sông núi, đất đai và mọi loài động, thực vật nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Và sự tích núi Non Nước rõ ràng là sự sáng tạo của dân gian xứ Quảng. Vì về Sự tích núi Ngũ Hành, trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Tập 1, trang 298), học giả Nguyễn Đổng Chi có ghi chép một chuyện có nội dung khác với truyền thuyết chúng tôi sưu tầm được như đã kể trên.
Nguyễn Đổng Chi cũng cho biết, còn có một dị bản nữa, cho rằng núi Ngũ Hành là năm ngón tay của Đức Phật đè lên mình Đại thánh. Năm ngón tay đó làm nên năm hòn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Truyền thuyết này rõ ràng là có ảnh hưởng từ “Tây du ký” của Trung Quốc. Còn với truyền thuyết của dân gian xứ Quảng, thì không thể phủ nhận tính sáng tạo trong cả nội dung và hình tượng văn học. (Thiết tưởng, cũng cần nói rõ rằng, có một người làm công tác nghiên cứu văn học dân gian, khi đọc được truyền thuyết về núi Non Nước mà chúng tôi sưu tầm được và công bố trước đây, đã “vẽ rắn thêm chân”, kể thêm rằng có chàng hoàng tử đến cưới cô gái xinh đẹp như tiên sinh ra từ quả trứng Rồng. Đấy rõ ràng là một sự khiên cưỡng, chẳng những có tội với tiền nhân, mà còn có lỗi với các thế hệ trẻ mai sau !).
Thứ hai, với truyền thuyết Sự tích Ngũ Hành Sơn, nàng thiếu nữ xinh đẹp như cô tiên tượng trưng cho những con người sinh ra trên vùng đất này, và đó chính là con đẻ của Rồng Vàng, đến từ biển cả. Phải chăng, đây cũng là hình tượng phát sinh từ truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc Việt: con Rồng cháu Tiên. Kể cả cái móng của thần Kim Quy. Và hình ảnh người thiếu nữ lớn nhanh như thổi rất giống với sự lớn mạnh của Thánh Gióng, kể cả việc bay về trời.
Như vậy, rõ ràng dân gian Đà Nẵng vừa dựa vào truyền thống văn hóa dân tộc, vừa có sự sáng tạo hình tượng mới, phù hợp với những con người đi mở đất, vốn giàu tinh thần khám phá. Và quan trọng hơn, hình tượng văn học ấy tạo nên tâm thế mới, gắn với biển, tâm thế hướng ra biển, hướng ra với thế giới của người Đà Nẵng.
Qua thần thoại này, như đã nói, chúng ta dễ nhận thấy mối quan hệ truyền thống trong sự giải thích nguồn gốc của đất nước và con người Việt Nam. Lạc Long Quân là tổ tiên của giống Lạc Việt. Chính vợ Lạc Long Quân là Âu Cơ đã sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 50 gái, 50 trai, và đó là dân nước Văn Lang. Còn thần Kim Quy thì đã từng giúp An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa, lại còn trao cho nhà vua móng chân của mình để chế nỏ thần làm vũ khí bảo vệ nước Âu Lạc, chống lại Triệu Đà ở phương Bắc.
Việc sinh ra núi Non Nước có nguồn gốc trực tiếp từ trứng Rồng và móng Rùa; như vậy, núi Ngũ Hành, trong tư tưởng của nhân dân lao động, gắn liền với ký ức về hai truyện cổ nhất của người Việt thời kỳ Văn Lang và Âu Lạc. Câu chuyện còn cho ta thấy rõ, ở một vùng đất mới, Quảng Nam -Đà Nẵng không thể có những thần thoại, truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc như ở các tỉnh hình thành từ lâu đời bên lưu vực sông Hồng. Nhưng không vì thế mà sự giải thích nguồn gốc của đất nước và con người nơi đây tách rời khỏi hệ thống truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc.
Điều đó chẳng những lý giải niềm tự hào về sự hình thành của giống nòi trong lòng những con người đến lập nghiệp ở vùng đất mới, mà còn chứng minh sự tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc một cách mạnh mẽ, cả trong những sinh hoạt xã hội và trong đời sống tinh thần, trong văn học dân gian, là hình thái ý thức văn hóa của nhân dân lao động ở vùng này từ những năm tháng xa xưa.
Là người dân Đà Nẵng, chúng ta không thể không tự hào về điều này.
Tần Hoài Dạ Vũ