Ngược dòng

.

Cha chồng bảy mươi sáu tuổi, tay chống gậy, để tóc dài, đầu đội nón nỉ, chiều chiều đứng ở bờ sông ngó con nước chảy. Chồng nhìn thấy cảnh đó, tủi thân nói nhỏ với vợ, má chết mấy năm rồi mà tía vẫn còn ray rứt nhớ má, nhìn tía, thiệt tui cũng đau lòng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng mấy tháng sau, vợ phát hiện tía có nhớ gì má đâu. Chuyện năm xưa tía má gặp nhau ở bến sông này là lời trong bài ru của má, chứ thiệt tình tía ngó người… dưng.

Chồng ban đầu không tin, nhưng sau thấy tía cứ thấp thỏm mỗi khi chiếc xuồng chở nhang đi qua, và lời vợ lý giải lúc này mới thấy thật là có lý: Nhưng dù sao cũng tía mình, nghĩ vậy là không tốt nha mình.
Câu nói đó có hiệu nghiệm cũng hơn chục ngày thì mất thiêng khi sáng hôm sau quờ vào mùng tía chỉ có cái mền phủ lên cái gối, nhìn như ngưi nằm trùm kín mà thôi. Tía đâu? Ai biết tía đâu? Tía đi đâu giờ này?

Sau buổi chợ, vợ về với câu trả lời: “Tía đi theo dì Tư “quẹo” bán nhang”.

Chồng xách xe chạy vào trong ngọn, ghé dọc đường hỏi nhà dì Tư “quẹo”. Có đứa học trò của chồng khoanh tay: “Em chào thầy. Thầy đi kiếm ai trong này vậy thầy?” Chồng vừa mừng vừa sượng: “Em cho thầy hỏi nhà dì Tư “quẹo” bán nhang ở đâu vậy em?”. “Dạ, nhà bà Tư là cái nhà lá ngay chỗ cây me nước, phía trước có bàn xe nhang”.

Đúng ngay nhà chồng cần tìm, chồng tắt máy xe, đứng trước hàng rào bông bụp. Chồng do dự hồi lâu thì thấy tía từ nhà bước ra. Chồng đẩy chiếc xe đi tới, đứng khuất bên bụi chuối nhìn vào, nơi này tía không nhìn thấy được. Tía đem cây búa ra sân bửa củi. Những nhát bửa của tía làm lòng chồng thắt lại. Từ hồi tía sáu mươi đến nay, cả nhà có bao giờ cho tía làm gì nặng nhọc đâu, cớ chi tía vào nhà người ta bửa củi. Nhưng dù sao chồng cũng còn chút gì nể sợ tía. Nên chồng lặng lẽ ra về. Trước khi nổ máy xe, chồng còn nghe vọng lại:

- Củi này cứng như đá, để mai tui về ngoải lấy tiền, mướn thằng Tèo nó qua bửa một hồi là xong.
Tía về nhà, mấy đứa cháu nội chạy sà vào lòng tía khóc: “Ông nội bỏ con đi đâu mấy bữa nay, con nhớ ông nội quá chừng”. Tía ôm cháu lên hôn: “Nội đi công chuyện, vài bữa là nội về, nội đâu có bỏ con đâu”. Tía vào nhà, lục lọi bên tủ quần áo, rồi nói với vợ lấy cho tía vài triệu. Tía đi chơi vài bữa tía về. Kịp lúc đó chồng bước ra:

- Tía đi đâu, tía lấy tiền vô trong ngọn cho bà già quẹo chân đó phải không?

Tía im lặng hồi lâu, tía nói:

- Tía có công chuyện riêng của tía.

- Công chuyện gì mà tía cần tới mấy triệu bạc. Tía già rồi, tía ở nhà an dưỡng, chơi với con với cháu không được sao tía. Tía vô đó ở với bà quẹo chân đó. Người ta đồn tía “già mà ham”. Tụi con nhục lắm tía.

Lúc này khuôn mặt tía chuyển màu, nhưng tía vẫn giữ thái độ bình tĩnh. Tía trước giờ vẫn vậy.

- Tía ăn hết của nhà ai sao, hay tía đi cướp của giết người mà con sợ. Tía già rồi, tía đi đâu tía đi cho khỏe cái chân của tía. Ai nói gì kệ họ.

- Tía sống sao cho tía khỏe là được, nhưng tía đừng có làm khổ con.

Nói xong, chồng nhìn vợ, vợ hiểu ý liền đưa cho tía năm triệu tiền tía gửi. Tía cầm tiền, xách theo mấy bộ đồ bà ba, rồi lên chiếc xe đạp còi chạy vào phía ngọn. Chồng ngồi nhìn theo mà nước mắt như muốn chảy thành suối. Dáng mất dần sau hàng dừa ven con lộ.

Chồng quyết định từ nay không cấp tiền cho tía nữa. Vợ nói: “Nhưng đó là tiền tía để dành, tía gửi chứ có phải tiền của mình đâu. Tía gửi thì tía lấy lại là đúng rồi”. “Nhưng đưa tía kể như bà kia bả ăn hết. Nào tía đòi thì nói lấy tiền đó cho mấy đứa nhỏ đi học đại học. Tía không nỡ lấy lại đâu”. Vợ bấm bụng nói với tía y vậy, lúc đó vợ thấy mắt tía mịt mù, nhưng tía không tỏ ra vẻ buồn sầu. Tía bình thản hút hết điếu thuốc rồi nói: “Thôi tía đi nghen”. Vậy là tía đi không trở về nhà, đến nay tròn bốn tháng.

Bốn tháng đó tía sống ra sao. Tía bán chiếc xe đạp, bán luôn cây gậy cẩm lai chạm trổ rồng đeo trụ. Dì bán chiếc xuồng con, hai người xe nhang, rồi đem nhang đi bán. Mấy tháng đầu tía sợ mấy đứa nhỏ nhớ nội nhiều, gặp nội sẽ đòi nên tía thức sớm đội nhang ra chợ. Để tụi nhỏ không thấy nội. Nhưng sau, tụi nhỏ dậy tập thể dục, và tụi nó thấy: “Ông nội đội thúng nhang, nắm tay bà nào đó đi chân thấp chân cao, đi ngang nhà mình. Mà nội không có nhìn con, nội quên con rồi. Con cũng quên nội luôn. Nội không có thương con”…

Người ta không cười trước mặt tía, vì dù gì trong xã, tía cũng thuộc bậc “chiếu trên”. Nhưng họ xì xầm bên tai, đồng nghiệp xì xầm sau lưng chồng. Chồng cố gắng lắm để chịu đựng, nhưng chồng biết thế nào chồng cũng nổ tung ra mà coi. Tại sao, tại sao tía không như ngày trước?

Ngày trước của chồng là cái ngày mà tía không còn ngồi bên góc trường học vá xe nữa. Lúc đó tía đã nuôi chồng ăn học xong xuôi. Chồng ra trường đi dạy. Nhưng thầy giáo mà để cha ngồi vách trường vá xe coi cũng không được - lời chồng nói vậy. Nên chồng nói, tía nghỉ vá xe đi, ở nhà con nuôi. Lý do đó có thể khó mà làm tía ưng bụng. Nhưng sâu xa bên trong, suy nghĩ của đứa con ra sao, tía nuôi con mấy mươi năm, tía hiểu. Vậy là tía kêu thằng Tèo mồ côi lại, tía dạy nó vá xe. Thằng sáng dạ, tía dạy đâu nó biết đó. Dạy gần một tháng nó làm rành rọt. Tía cho nó hết đồ nghề. Ngày chia tay góc trường mà bốn mươi năm tía ngồi vá xe bên nó, tía nói với Tèo: “Cũng đến lúc tao về dưỡng già, chờ ngày đi về với bả. Tụi nhỏ muốn tao sung sướng, chớ không phải đội thúng bán bưng đến phút cuối đời như má tụi nó. Nó nghĩ vậy chắc tao vui?”. Tèo, “dạ” đáp lại, lòng thấy ông già sao mà sướng quá chừng.

Nhưng ở nhà có một tháng là tía đã chịu không nổi nữa. Mỗi sáng thức dậy, có điểm tâm sẵn. Ăn xong nằm coi ti-vi đến trưa. Trưa ăn xong ngủ. Ngủ rồi lại ăn, ăn xong lại ngủ. Tía thấy mình vô dụng và phía trước mắt cũng vô vọng. Tía không chịu được. Sáng, tía xách xe ra chỗ Tèo ngồi tán dóc. Nhưng chồng cũng không cho. Vậy thì người ta nói con bỏ bê tía, để tía buồn, đạp xe đi kiếm người khác chơi. Thương con nên tía về nhà. Nhưng mấy bữa sau đã thấy chán.

Thấy mấy ông bạn già rủ đi làm từ thiện, tía ừ ngay. Chồng lúc đầu thấy cũng mừng, thôi kệ, để tía đi làm từ thiện cũng được. Chắc thiên hạ không kêu rêu mình. Nhưng khi phát hiện tía tham gia trong đội đạo tì, đi khiêng hòm và tẩm liệm người chết thì chồng nhảy cẫng lên. Trời ơi, tía ơi, tía năm nay bảy mươi mấy tuổi rồi, tía khiêng hòm sao nổi mà đi khiêng.

- Tao làm đội trưởng, chỉ huy, mậy!

- Nhưng tía ơi, đám xác xui xẻo. Để tụi trai trẻ nó làm, tía xông vào đó chi. Chỗ chết chóc bệnh hoạn. Tía vô đó, lỡ nhiễm bệnh thì tội cho con.

Ban đầu tía thấy bị xúc phạm. Nhưng tía nghĩ, sống cũng không mấy năm hơi. Nên thôi, thương con, tía nghe lời con. Tía bỏ, không đi làm đạo tì nữa.

Ba tháng ở nhà theo lịch sắp xếp của con. Chồng thấy mừng ra mặt. Chồng khoe với đồng nghiệp: “Ông già mình ở nhà, già không làm gì, ông đọc hết mấy bộ sách Tàu”. Đồng nghiệp cảm phục biết bao: “Đúng là tía cậu có đức tính ham học, đến già vậy mà vẫn còn thích đọc, thật là quý hóa”.

Nhưng phải chi tía ở nhà, tía đọc sách, chơi với con cháu, có phải quý hóa biết bao hay không. Đùng một cái, tía đi theo bà già khọm trong ngọn cùng, nghèo rớt mồng tơi lại còn bị tật. Từ ngày đám con cắt tiền của tía, tía không về nhà nữa. Đến hôm rồi, tía về. Lần này thấy tía ốm hẳn đi. Nhưng ông vui vẻ, nhanh nhẹn hơn xưa. Tía nói:

- Dì Tư “quẹo” đáng thương lắm, hồi xưa dì với má tụi con chơi thân lắm. Nhờ dì mà…
- Thôi tía, con có nghe má nói má thân với bà đó bao giờ đâu. Tía thương bả nên tía thấy vậy thôi.
- Nhưng…
- Nhưng sao tía?
Tía nhìn chồng, mắt ông như lên vẻ khẩn cầu:
- Nhà dì dột nát, tía muốn tụi con cho dì về ở chung nhà mình.
- Không, không bao giờ nha tía. Nhà này con chỉ có một má, là má con thôi. Không thể có người thứ hai.
- Nhưng dì có là má thứ hai của con đâu. Thật ra thì dì là…

Lúc đó chồng đứng dậy ngắt ngang câu nói của tía:

- Dì là gì con không cần biết. Nhưng dù tía thương xót, đưa dì về đây như một tình thương hại con cũng không chấp nhận. Nhà mình danh giá đó giờ. Ai ai cũng nể trọng. Giờ đưa dì về, thiên hạ dèm pha, sao mà chịu được hả tía. Tía nghĩ cho con, cho mấy cháu. Tía…

Mặt tía cúi xuống, đến khi ngước lên tía nhìn thẳng vào mặt chồng. Rồi ánh mắt đó lại bay đi. Tía vấn điếu thuốc, tía rít thuốc liên tục cho điếu thuốc thật mau tàn. Tía và chồng, cả hai đều im lặng. Nhưng trong khung cảnh đó, tía vẫn còn giữ vẻ bình tĩnh. Chỉ mỗi chồng là lộ vẻ bức xúc ra mặt.

- Thôi, tía đi…

Bóng tía lại lầm lũi khuất sau hàng dừa. Mấy đứa cháu nội say mê ghì mặt vào máy tính bảng.

- Tía đội nhang ra chợ bán, bị vấp cục đá, tía té… - Tin này vợ đem từ chợ về. Chồng hỏi, giờ tía sao rồi, tía ở đâu?

- Nghe nói tía không sao, tía chỉ trầy trụa nhẹ thôi. Người ta đưa tía vô trạm xá, rồi đưa tía về nhà chị Hai rồi.

Chồng tức tốc bận áo vào:

- Sao được, rước tía về liền, tía ở bển là mất toi miếng đất. Tía vẫn chưa giao mà…

Hai vợ chồng chạy sang nhà chị Hai liền tức khắc. Nhưng chị Hai như chưa hay tin gì bên đây. Chị rầy hai vợ chồng quá chừng, sao lại để tía đi đâu giấc đó, để tía té vậy. Người ta đưa tía qua đây mà người ta cười vô mặt chị em mình. Tía nằm, môi hơi mím lại. Chồng bước lại năn nỉ tía:

- Tía ơi, tía hứa với con, tía đừng đi nữa. Tía về ở với con đi tía. Tía đi hoài vầy, tụi con còn công ăn chuyện làm, sao mà yên tâm đi làm cho được tía. Tía về với con đi tía, mỗi tuần con sẽ rước dì ra chơi với tía nha tía.

Lúc đó tía khóc, ông khóc không thành tiếng, nhưng nước mắt ông chảy dài. Ông chặm nước mắt, từ giã vợ chồng con gái, rồi ra xe về nhà.

Ông đợi từng ngày, đến ngày cuối tuần, thằng con nói: “Tía ơi, nay con họp, để tuần sau nha tía…”. Câu nói gọn hơ mà tía hiểu ra biết bao nhiêu là chuyện. Rồi tuần sau: “Con đưa vợ con về bên nhà, tuần sau nha tía”; “Con đưa mấy đứa đi lên thị xã tắm hồ bơi, tuần sau nha tía”... Tía chờ mòn mỏi. Nhìn vào tờ lịch tía xé mỗi ngày, tía thấy như những tờ lịch còn lại của ông dần dần mỏng. “Ngày đó chắc cũng gần. Tui ráng cho xong để yên tâm, bà độ tui nha bà”.

- Con dắt tụi nhỏ đi coi kịch, chắc khuya mới về. Tía ngủ trước đi, tụi con chốt cửa ngoài. Nào về con mở cửa vào, tía khỏi thức canh cửa nha tía.

Tía đang thay áo, chưa kịp bước ra trả lời thì nhà đã chốt cửa, xe đã nổ máy đi xa. Tía cởi áo ra, thay bộ đồ bà ba vào, ngồi thở dài. “Bà, bà độ tui nha bà”.

Nhưng lần này tía không phát âm ra chuẩn được nữa. Tía phát hiện điều đó hơn tuần nay, nhưng tía không có cơ hội nói ra được. Lần nào chuẩn bị nói thì con trai cũng có công việc. Mà nhà này đâu chỉ con trai, ai cũng có việc người nấy. Tía muốn nói mà thời gian không cho tía một kẽ hở nào.
Tía thấy âm thanh mình phát ra lạ rồi. Tía viết vào hai tờ giấy. Tờ thứ nhất tía để trong túi áo: “Con à, tía thấy lưỡi tía kỳ kỳ, con đưa tía đi bệnh viện khám coi sao nha con”. Tờ thứ hai, tía để dưới lư hương bàn thờ má.

Trời ơi, anh ơi, coi tía sao vầy nè anh. Sao mình tía tím ngắt vậy anh.

Chồng hốt hoảng chạy vào, hai vợ chồng ôm tía lên xe chở nhanh vào bệnh viện. Bác sĩ nói, tía bị tai biến mạch máu não. Cơ hội sống còn là rất ít…

Chồng lấy tờ giấy trong túi tía ra mà lòng ứ nước mắt. Chồng lại thấy sợ. Chồng nói với vợ: “Sao tía không nói với mình, mình bận thì bận chứ chuyện ốm đau tía nói là mình nghe liền chứ, tía không nói gì hết. Trời ơi, biết nói sao với anh chị Hai, rồi thiên hạ lại đồn ầm lên mình nhốt tía nên tía bị tai biến không ai hay, thiệt tình, trời ơi…”.

Dì Tư “quẹo” hay tin, dì thắc thỏm đứng ngoài cổng bệnh viện. Bệnh viện thành phố nhiều cổng lắm, xe qua lại nhiều. Dì biết đâu mà tìm nơi tía nằm. Chồng thấy dì, liền sạc cho dì một trận, tại dì, tại dì mà tía tôi ra nông nỗi vậy. Dì về đi. Tôi cấm dì không được lên đây. Không được lại nhà tôi nữa nghe không. Dì ú ớ khóc, thì ra dì bị câm. Dì nhìn chồng, dì khóc. Dì đưa ra một tờ giấy gì đó, chồng không lấy, chồng lạnh lùng bỏ đi. Chồng nói, lúc đó mặt dì đáng thương làm sao. Nhưng tình thương chồng chỉ dành cho má. Dì làm sao có thể được chút nào trong số đó được.

Tía xuất viện trở về, bệnh tình tía có phần thuyên giảm. Tía nói nghe hơi khó. Nhưng có thể tự đi lại trong nhà được. Hôm đó, vợ đi chợ về. Vợ nói nhỏ với chồng: “Dì Tư “quẹo” bán nhà đi đâu mất rồi”. Lúc đó chồng mừng lộ ra mặt. Vậy là không còn ai quấy rầy tía và nhà mình nữa. Tía đang đứng bên cửa, tía ngã ra nằm bất động. Từ đó bệnh tía nặng hơn, tía không biết gì nữa. Nhưng mỗi lần chồng lại đút cơm cho tía, tía nhìn về bàn thờ má chăm chăm (chắc tía nhớ má). Thấy hơi lạ, chồng nghi, chắc còn có vàng má giấu đâu đó. Nhưng làm gì có. Chồng đã lục hết lư hương của má cũng không thấy gì cả. Chồng nói với bác sĩ, có cách nào giúp tía tỉnh táo hơn không. Bác sĩ do dự hồi lâu, mới nói:
Chỗ thân tình, tôi mới nói: Có. Có một loại thuốc phục hồi não. Nhưng thuốc này dùng nhiều quá không tốt cho tuổi già. Có thể ông nhà sẽ ra đi sớm hơn…

Chồng ngả lưng ra ghế, lúc đó chồng suy nghĩ mông lung lắm. Tía thì cũng không lâu nữa. Thà để tía sống tỉnh táo, dù ít cũng được. Chứ để tía vậy, chắc tía cũng không vui lòng.

Liều thuốc thứ nhất.

Liều thuốc thứ hai.

Liều thuốc thứ ba. Tía tỉnh nhiều. Tía nói được. Câu đầu tiên là: “Con ơi!”. Mấy hôm chồng gặng hỏi, tía giấu gì trên bàn thờ má, tía nói con nghe đi. Nhưng tía không nói, tía giấu biệt. Tía cứ theo hỏi, dì Tư “quẹo” sao rồi, dì còn ở nhà không? Tía nói mãi. Lúc này chồng mới thấy mấy mũi thuốc phản tác dụng ghê gớm. Tía không tỉnh táo hơn, mà tía lẫn lộn nhiều. Tía hỏi sáng đêm chỉ có một câu như vậy. Chồng tức tối buông câu: “Bả bán nhà đi mất tiêu rồi, biết đâu mà tìm…”.
Lúc đó tía trợn mắt, tía thở dồn dập. Tía nói lục cục: “Tờ giấy xanh, tờ giấy màu xanh…” mắt tía hướng về bàn thờ má. Và tía ra đi… như một cơn thắt và bước qua bên kia với má. Không hành xác, không ốm o gầy mòn vì năm tháng ốm đau.

Lúc đó chồng không để ý lời tía được, vì phải lo đám tang, nhà cửa lu bu. Hôm chôn tía xong, đưa tía về ngồi cùng bàn với má, chồng đem cái lư hương má nhích qua một bên thì rơi xuống chân tờ giấy. Tờ giấy có mấy dòng chữ của tía: “Con không phải là con ruột của má con. Con kêu dì Tư “quẹo” lại đây, ba kể cho con nghe để con biết nguồn biết cội”.

Một bữa trong chuyến hành trình vô định: Tìm dì. Chồng dừng lại quán nước bên ngã tư Phố. Tranh thủ đụt mưa, chồng hỏi chủ quán trước giờ có thấy người đàn bà đen, nhỏ con, bị câm, chân thọt đi ngang đây hông? Chủ quán nói, ờ… ờ… không. Không nhớ xuể. Người như anh nói đó giờ tôi gặp thì cũng nhiều. Nhưng cảnh đó, đời này biết bao nhiêu người như vậy.
Nhưng trời ơi, má ruột của chồng thì chỉ có một…

LÊ QUANG TRẠNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.