Tấm vé về lại tuổi thơ

.

Một sáng, bạn nhắn tin hỏi “Sắp tới khóa mình tổ chức ngày hội khóa kỷ niệm hai mươi năm ra trường, bạn có đăng ký một tấm vé về với tuổi thơ không?”. Hình đại diện của bạn trên trang cá nhân xem ra không có quá nhiều thay đổi so với thuở học sinh, như thể hai mươi năm qua cũng không đến nỗi dài như sự thực vốn thế.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hai mươi năm đã trôi qua, hai mươi năm dài lắm. Dài đến nỗi biến mỗi chúng ta từ những cô cậu bé đầu trần chân đất nay đã trở thành những ông bố bà mẹ lắm nỗi lo toan. Dài đến nỗi nó đã biến màu tóc của chúng ta từ xanh mướt non tơ nay đã thấp thoáng vài ba sợi trắng. Dài đến nỗi trên gương mặt chúng ta không còn chỉ có nụ cười mà đã dấu in bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu âu lo bởi những bon chen mệt mỏi đời thường.

Hai mươi năm rồi, vậy mà chỉ cần một cái nhấp chuột kết nối, những cái tên tưởng đã quá xa lạ bỗng trở nên gần gũi, những ký ức tưởng đã mờ nhạt lại trở nên rõ nét hơn bao giờ. Ngỡ như mới hôm qua thôi, còn cùng nhau đi bộ giữa trời nắng gắt, còn cùng nhau đạp xe chung một con đường, cùng nhau nơi mái trường thân yêu ấy...

Tuổi thơ, chưa bao giờ trở nên gần đến thế, với những đêm trăng, với những buổi sinh nhật bạn bè, không bánh ga-tô, không nến, không hoa, chỉ có vài ba đĩa kẹo hay vài thứ hoa quả trong vườn. Với những lá thư tay bạn lén đặt trong ngăn bàn để những lần chạm mặt nơi sân trường cúi gằm xấu hổ. Với những tấm thiệp nhỏ xinh bạn bè gửi tặng với những nắn nót yêu thương vụng về.

Tôi nhớ những trưa đi học về nắng như đổ lửa dùng cặp che đầu, nhớ những chiều mưa đôi khi lỡ chân trượt ngã khi đi học qua cánh đồng trơn trượt. Nhớ những quả khế chua chia nhau, nhớ những quả chanh san từng múi nhỏ. Nhớ những thanh quế bạn mua cho...

Tôi nhớ vài bạn ưu ái cho tôi đôi chút cảm tình, đổi lại tôi trao bạn toàn những lời cáu gắt, vì khi ấy thật sự chưa biết thứ tình cảm đó là gì, chỉ thấy khó chịu, xấu hổ. Hẳn là bạn đã rất buồn. Tiếc là khi lớn lên rồi mới hiểu. Coi như nợ bạn một lời xin lỗi...

Tôi nhớ những khi nam nữ bị cô xếp ngồi chung bàn, tôi dùng phấn vạch chia cận, cứ thế, đứa nào vi phạm ranh giới liền bị đánh. Nhớ những cái tên cùng vần, kỳ thi nào cũng ngồi kề cận nhau, giúp nhau chép bài, giúp nhau những câu thi, đầy lo lắng và sợ hãi.

Tôi nhớ hôm cuối cùng chia tay, lớp tôi vì lý do gì đó làm cô chủ nhiệm buồn. Cuối ngày, cả lớp rủ nhau đạp xe đến nhà cô xin lỗi. Hôm đó chia tay về muộn, ngày hè, rơm lúa ngổn ngang, tôi ngồi trong nhà, trong tiếng ồn ào của máy tuốt lúa ngoài sân, đọc từng trang lưu bút và khóc.

Thỉnh thoảng tôi vẫn ngồi ngắm lại bức hình cũ. Tấm hình cả lớp xếp thành chữ 9A. Trong những gương mặt ấy, có hai bạn đã rời xa nhân thế. Là bạn nữ, với dáng người mủm mỉm và hai bím tóc hai bên, bạn học giỏi sử, thích xem bóng đá giải ngoại hạng Anh, thần tượng Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Là bạn trai, với bộ quần áo trắng tinh khôi, nghịch ngợm và hay nghỉ học. Viết đến đây, tự nhiên nước mắt rơi vì thương vì nhớ...

Đôi khi ngẫm cũng rất buồn. Cuộc đời này là một cuộc hành trình, và một số ít bạn đã đi hết hành trình của mình dù ngắn ngủi. Chúng ta thì vẫn còn đây, với rất nhiều những bận rộn, những lo toan, những niềm vui và cả những nỗi buồn bộn bề trước mắt. Có người cuộc đời như trải hoa, cũng có người trầy trật đầy chông gai mệt mỏi. Có người an nhàn, cũng lắm bạn cơ cực gian truân. Có người vẫn đi lại trên những con đường thân quen ấy mỗi ngày, có rất nhiều người lưu lạc nơi phương trời xa lạ.

Thời gian qua đi, tuổi ấu thơ vô tâm vô tư đã phải nhường chỗ cho tuổi trưởng thành, cho nỗi lo cơm áo gạo tiền đầy những bon chen, vấp ngã. Đôi khi, vô tình gặp lại cô giáo cũ ngày xưa, thấy mái tóc dài của cô nay đã lấm tấm hai thứ màu đen trắng, rồi lại giật mình khi nhớ ra trên đầu mình cũng đã thấp thoáng vài sợi bạc. Có một nỗi buồn không hề nhẹ len lén vào tim, nôn nao chông chênh khó tả đến vô cùng.

Khi đọc tin nhắn của bạn thông báo về ngày hội khóa, lòng chợt nghĩ, ngày trở về chắc sẽ đông vui lắm. Có vài người có rất nhiều cơ hội để gặp lại nhưng luôn kiếm cớ từ chối, đến lúc muốn gặp đã không còn cơ hội. Tôi thật sự không muốn mình phải hối tiếc vì những điều như thế. Bởi cuộc đời biết có mấy lần hai mươi năm như thế. Mỗi chúng ta đều từ một nơi nào đó mà cất bước ra đi, không phải để mãi mãi cách xa, mà là để có ngày được trở về.

Lê Giang

;
;
.
.
.
.
.