1. Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần trong lớp nếu có bạn bị mất cây bút mực hay hộp chì tô màu… đều mách cô phân xử. Bao giờ cô cũng hỏi cả lớp có ai “cầm nhầm” không. Sau ba lần hỏi đi hỏi lại vẫn không có cánh tay nào đưa lên cô sẽ tuyên bố xét cặp. Lớp trưởng và đội cờ đỏ sẽ có trách nhiệm xét cặp tìm “tang vật”.
Những lúc như thế, cả lớp căng như sợi dây đàn… nhưng tuyệt nhiên không bạn nào cảm thấy buồn. Chẳng ai giận cô giáo và ban cán sự lớp một tẹo nào. Thậm chí còn thấy đó là việc nên làm để chứng minh sự trong sạch cho cả lớp.
Sau này lớn lên, nếu ai đã một lần ở tập thể đi học cũng không thể nào quên những lần “đi lạc” không đường về của chiếc áo vừa giặt phơi, đôi giày mới tậu hay thậm chí đến cân đường, hộp sữa mới mua cũng không cánh mà bay.
Thế là cả phòng tập thể nhao lên, một ban bệ được hình thành ngay tắp lự để truy tìm thủ phạm. Và phương án cuối cùng vẫn là xét rương, hòm, giường nằm… Nhiều bạn còn xung phong được khám xét đầu tiên để chứng minh sự “vô tội” của bản thân. Cũng nói thêm rằng, những lúc như thế, chẳng ai thấy mình bị xúc phạm gì sất!
Đó là chuyện cái thời xưa lơ xưa lắc. Bây giờ trường học nào cũng trang bị camera. Ngay cả ở các lớp mẫu giáo, phụ huynh ở nhà vẫn có thể theo dõi việc ăn, ngủ, học hành, vui chơi của con em mình một cách tường tận nhất. Vậy nên, nếu có xảy ra sự cố mất mát gì, chỉ cần nhà trường trích xuất camera là mọi việc sáng tỏ như ban ngày.
Mà cũng nói cho ngay là từ hồi có cái camera mắc trong phòng học và ngoài hành lang thì cũng nhiều ý kiến cho rằng nhà trường không tin tưởng giáo viên. Nào là đang dạy say sưa mà nhìn thấy cái camera chĩa vào mình lại có cảm giác bị theo dõi, mất cả hứng thú dạy.
Nhưng rồi sau đó mọi người cũng quen dần với những “con mắt thần” đó. Các thầy cô đầu tư hơn cho bài giảng, chăm chút hơn cho phong thái bên ngoài. Học sinh bớt quay cóp, bớt đánh nhau và thậm chí việc mất vặt rất ít khi xảy ra.
2. Mấy ngày nay trên trang xã hội cũng như vỉa hè hàng quán đâu đâu cũng đầy lời ái ố hỉ nộ của những người quan tâm đến kỳ thi THPT quốc gia 2019 nói riêng và nền giáo dục nước nhà nói chung. Ai cũng mong có một kỳ thi nghiêm túc và công bằng cho con em mình. Bởi lẽ những sự cố như Hà Giang, Sơn La…, hay xa hơn nữa là vụ Đồi Ngô mãi mãi là những ám ảnh khiến không ít người dân thấy niềm tin bị thất thoát.
Việc cán bộ chấm thi THPT quốc gia 2019 tại “điểm nóng” Sơn La, nơi đã từng xảy ra gian lận thi cử trong năm trước, lên khu vực chấm thi phải được cán bộ an ninh quét các thiết bị điện tử kiểm tra như thường thấy ở sân bay khiến nhiều người phẫn nộ. Người ta gọi đó là sự thất bại thê thảm của một nền giáo dục thiếu niềm tin và lòng tự trọng…
Đem chuyện này hỏi thăm đồng nghiệp vừa đi chấm thi về. Cô giáo ấy còn rất trẻ nhưng lại có nhìn rất chuyên nghiệp và chín chắn. Cô bảo, năm nay Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức chấm thi đặc biệt nghiêm túc và đúng quy trình của Bộ GD&ĐT đề ra. Một số thầy cô không quen với quy trình mới nên cảm thấy áp lực và căng thẳng. Nhưng thi cử là phải nghiêm túc. Đặc biệt là khâu chấm thi. Như thế mới công bằng cho tất cả thí sinh và cũng là cách củng cố niềm tin đối với ngành…
Hỏi thêm một số thầy cô giáo khác rằng, nếu giả sử Đà Nẵng áp dụng việc kiểm tra an ninh đối với cán bộ chấm thi ở Sơn La thì cảm xúc sẽ như thế nào, một số cho rằng, đồng ý là phải kiểm tra nhưng dùng thiết bị điện tử quét kiểm tra thì hơi quá… Số khác lại cho rằng, chuyện bình thường. Mình làm đúng quy định. Không gian dối, vàng mười sợ chi lửa… Vả lại đối với một kỳ thi quan trọng như THPT quốc gia thì cần phải kiểm tra nghiêm ngặt là cần thiết.
3. Bỗng dưng lại nhớ những lần đi thăm con gái, mỗi lần qua cửa an ninh sân bay nhập cảnh Hà Lan đều bị kiểm tra rất ngặt nghèo. Không chỉ dùng thiết bị điện tử kiểm tra mà nhân viên an ninh còn dùng cả tay để kiểm tra dọc thân người từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Sau đó còn được mời riêng vào phòng bên cạnh để xét hành lý. Nhân viên an ninh còn bắt mở va-li, kiên nhẫn kiểm tra từng món đồ một cho đến khi thấy an toàn mới cho đi. Mỗi lần như thế, cái cảm giác bị nghi ngờ là kẻ xấu cứ bám riết và trở thành nỗi ám ảnh mãi không thôi.
Sau này nghe con gái giải thích mới biết, an ninh sân bay ở các nước Âu, Mỹ đặc biệt kiểm tra kỹ khách từ châu Á, châu Phi vì sợ buôn thuốc phiện và khủng bố. Đặc biệt người Việt hay mang thực phẩm, giống rau củ… trong danh mục cấm nhập cảnh.
Nghĩ cho cùng, tất cả cũng vì lợi ích chung mà ra. Thiệt vàng sợ chi lửa!
Như Hạnh