* Một bài báo mới đây cho rằng thuốc lá Cẩm Lệ là loại thuốc rê. Theo tôi, cách nhìn nhận này là chưa chuẩn xác. Xin hỏi ý kiến của quý báo? (Trần Mai, Cẩm Lệ, Đà Nẵng)
- Thuốc rê và thuốc xắt chỉ hai cách chế biến thuốc lá khác nhau.
“Máy” xắt thuốc rê. (Nguồn Báo Quảng Nam) |
Lá cây thuốc lá sau khi thu hoạch về, được ủ cho héo để nhựa trong lá thuốc vừa “chín” tới rồi mới xắt thành sợi nhỏ. Dụng cụ xắt thuốc được gọi là “bàn xắt”, gồm một tấm ván bề ngang cỡ 25cm, dài tầm 1 - 1,2m, có gắn chân cao cỡ 25cm. Một đầu có gắn hai cái gọng làm chỗ tựa để người thợ đưa dao lên xuống xắt thuốc.
Lá thuốc vừa héo tới được đặt thành nhiều lớp lên bàn xắt, thợ xắt một chân “gò” lên lớp lá thuốc, một tay đẩy nhẹ lớp lá thuốc về phía gọng trong khi tay còn lại đưa dao lên xuống để điều chỉnh độ dày/mỏng của từng nhát thuốc được xắt ra. Dao xắt thuốc rất nặng, dùng nó tốn rất nhiều công sức; chỉ những thợ giỏi mới có thể “gồng mình” ngồi xắt thuốc hàng mấy tiếng đồng hồ.
Lá thuốc xắt xong, được rải đều lên liếp và đem phơi nắng. Khi lá thuốc đã khô kiệt, người ta đem ra lấy sương cho dịu lại trước khi gấp thành từng bánh, gọi là “cây” thuốc rê. Phóng sự ảnh Độc đáo nghề làm thuốc rê đăng trên Báo Quảng Nam ngày 19-5-2018 mô tả rõ về nghề này.
Cuối những năm 80 thế kỷ 20, ở khu vực gần Trường Trung học Hòa Vang (nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), có một xóm chuyên làm thuốc rê. Để cho “cây” thuốc rê đẹp, bà con nơi đây chia lá thuốc ra làm 2 loại. Lá ở ngọn hoặc lá bị sâu được xắt riêng và đem phơi trước, gọi là làm “ruột”. Lá to, đẹp được xắt riêng để làm lớp “áo” phủ lên lớp “ruột”.
Máy xắt thuốc lá Cẩm Lệ. (Nguồn Báo Quảng Nam) |
Khác với thuốc rê, thuốc xắt được xắt sau khi lá thuốc đã được phơi khô, như mô tả trong bài viết Thuốc lá Cẩm Lệ bà Cửu Ới đăng trên trang netcodo.com.vn: “Loại thuốc này có màu đen đen, mùi thơm thơm, rờ vào sẽ thấy rít rít, thường được cuộn chặt thành những khoanh tròn như con rắn vậy, dùng một con dao thật bén xắt ra thành từng lát thật mỏng, càng mỏng càng đẹp và có giá trị về mặt chất lượng, nghĩa là khi vấn để hút, từng sợi thuốc mỏng manh ấy quyện dính vào nhau sẽ góp phần tăng thêm hương thơm đậm đà đặc sắc của vị thuốc Cẩm Lệ”.
Ngày trước ở gần chợ Cẩm Lệ có tiệm thuốc lá Cẩm Lệ nổi tiếng của ông Cửu Đờn. Ông mua một máy xắt thuốc, mỗi khi có khách lần đầu tới mua là cho máy chạy để “quảng cáo” cho tiệm mình.
Người sáng chế ra chiếc máy xắt thuốc Cẩm Lệ, theo nhà báo Trương Điện Thắng trong bài Xì gà... Thanh Quýt đăng trên Báo Quảng Nam ngày 30-4-2011, là thầy giáo Cơ (nay đã qua đời) ở Ngã Năm, Đà Nẵng. Trước năm 1960, thuốc lá được cuốn tròn có đường kính khoảng 3cm được xắt bằng dao tay và bàn gỗ.
Thầy giáo Cơ có người bạn từng dạy ở Trường Bá Nghệ (Huế) giúp chế ra chiếc máy xắt chạy điện, sợi thuốc mịn màng hơn, thích hợp để quấn thành điếu bằng giấy quyến mỏng nhập từ Trung Quốc.
Trong bài đã dẫn, nhà báo gọi sản phẩm này là “thuốc xắt Cẩm Lệ”, và nói rõ thêm rằng, theo các cụ già trong làng, vùng đất Gò Mô (xưa thuộc tổng Thanh Quýt, nay nằm trong sân bay Đà Nẵng) trồng được loại thuốc lá ngon nổi tiếng, nên thuốc lá chế biến thành thuốc xắt lấy tên đó (Cẩm Lệ) làm thương hiệu!
ĐNCT