"Tôi chỉ ước đưa được tất cả anh em mình về"

.

Chiến tranh đã lùi xa, mỗi lúc một xa, nhưng với những người bước ra từ nó thì dường như mới chỉ hôm qua, hôm kia. Và mỗi khi gặp họ, tôi luôn dấy lên cảm giác biết ơn. Biết ơn số phận, cuộc đời, cha mẹ, tổ tiên, quê hương đã cho tôi được sinh ra trong thời bình. Chiến tranh, hậu quả mà nó để lại là những… nỗi đau. Những nỗi đau đang và sẽ còn hiện diện không biết đến bao giờ.

Ông Hai Trí. Ảnh: Đ.B.T
Ông Hai Trí. Ảnh: Đ.B.T

Trong cái buổi nhập nhoạng hôm ấy, chúng tôi ngồi với ông ngoài sân, trong khuôn viên ngôi nhà giản dị, nằm cạnh một con lộ của huyện Châu Thành, An Giang. Khi tôi nói: Giờ thì bác đã không đủ sức khỏe để đi nữa rồi. Cháu xin lỗi vì nói ra điều này, nhưng cháu cảm thấy bác còn nhiều điều đang nặng trĩu trong lòng. Có phải thế không ạ?

Ông lặng đi hồi lâu. Ông đưa bàn tay gầy guộc lên vuốt mặt, xoa xoa dái tai. Rất lâu. Chúng tôi cũng lặng đi. Tôi cảm thấy lòng mình nặng trĩu. Ông nói, chậm rãi: Tôi chỉ có một mong muốn, một điều ước, nhưng chắc tôi không làm được. Đấy là… đưa được hết anh em mình về. Tất cả, không sót một ai.

Mắt ông ướt, tôi cũng cố nuốt những giọt nước mắt đang ứa ra.

Ông là Huỳnh Trí, thường gọi Hai Trí, vì ông là con lớn trong nhà. Ông Hai Trí là đại tá, Anh hùng LLVTND, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang. Năm nay ông tròn 70 tuổi. Và “anh em mình” mà ông nhắc đến là những liệt sĩ đã hy sinh trên đất bạn Campuchia cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ông vào sinh ra tử, nhiều lần bị thương. Hòa bình lập lại chưa lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, lại đi. Chiến tranh kết thúc, tiếp tục cống hiến tới khi xin nghỉ hưu sớm, ông lại xách ba lô lên đường. Ông không nói, nhưng tôi đồ rằng ông chỉ nhăm nhăm xin nghỉ hưu sớm để quay lại chiến trường, tìm đồng đội đưa về. Hàng nghìn bộ hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia đã được ông Hai Trí cùng anh em đội K93 tìm được, đưa về.

Ông Hai Trí nói: Tôi day dứt nhất… day dứt nhất, là số anh em mình có hồ sơ mộ chí hẳn hoi, có tên tuổi, quê quán đàng hoàng, ngày mất, nơi mất… mà nay không tìm lại được. Số này hàng trăm. Phần lớn là anh em quê ngoài Bắc. Tôi hỏi tại sao có hồ sơ mà không tìm được, ông nói: “Hầu hết các đồng chí này khi hy sinh đều được chôn cất hai bên trục lộ 4 của bạn. Trục lộ này đi ra cảng. Ngày xưa Mỹ vận chuyển vũ khí khí tài cũng phải nhờ cảng này. Vì thế mà Mỹ quyết giữ còn ta lại quyết cắt đứt nên thường đụng độ dữ dội tại đây. Anh em hy sinh nhiều, đồng đội chôn cất ngay hai bên. Và khi ta - địch đụng độ, bà con chạy hết. Chạy sâu vô vùng giải phóng. Như vậy lúc chôn cất chỉ mình biết, không có dân. Sau năm 1975 dân mới quay về quê cũ, lúc đó mồ mả mình chôn cất không còn dấu vết gì cả. 4-5 năm trôi qua, rừng cây có khi xanh um rồi, làm sao người ta biết. Còn nếu dân biết, người ta chỉ hết. Nhiều trường hợp mộ chí nằm giữa nhà dân, họ đang ở cũng cho mình đào tung cả nền nhà lên để tìm…”.

Ngoài những liệt sĩ hy sinh có hồ sơ, có tọa độ mộ chí, còn rất nhiều người con Việt Nam nằm lại trên đất bạn mà không còn một chút thông tin nào. Trong ký ức của ông còn nguyên hình ảnh bốn anh em trong đơn vị của ông đã hy sinh trong một trận đánh: “Sau này tôi lên trên đó, tôi kiếm hoài… kiếm hoài không ra. Mấy cậu này anh em mình chôn. Nhưng bởi vì chỗ này không có dân ở. Anh em chiến đấu, hy sinh rồi mắc kẹt không lấy được. Sau đó anh em còn lại mới ra chôn cất. Thế rồi, sau chính người chôn cũng hy sinh nốt. Thành ra, không có cách nào tìm được thông tin. Không ai biết. Vô phương…”.

Tôi đã gặp nhiều người lính già để cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường. Ông Hai Trí là một người như vậy. Mười hai mười ba tuổi, còn chưa kịp “trổ giò” thì đã đi theo cách mạng. Cứ thế, đi mãi, đi mãi, đến lúc dừng thì gối đã mỏi mắt đã mờ. Và dù mắt mờ mối gỏi, thì vẫn chưa một ngày nào ngủ yên giấc. Giọng ông chùng xuống, nặng, buồn: “Con đường tìm kiếm anh em còn dài lắm, chắc chắn là tui không theo hết được rồi. Nhưng mình có lòng tham đó là, mình đi hết khả năng, hổng nổi nữa nhưng lại muốn tìm không còn sót một người nào. Biết chắc chắn rằng điều này không thể thực hiện được. Nhưng ước muốn là phải như vậy. Nhất định không để sót người nào…”.

Ông Hai Trí là một trong những người đầu tiên của Quân khu 7 khoác ba lô lên đường sang Campuchia tìm hài cốt đồng đội khi vừa mới nhận quyết định nghỉ chờ hưu đúng một tuần. Khi đó, chưa có văn bản ký kết nào giữa hai Nhà nước về việc này, thế nên: “Có chỗ dễ thì người ta cho mình lấy, khó thì người ta không cho. Mình cũng chịu”. Sau này thì bạn đã đồng ý để ta cử các đội quy tập sang tìm hài cốt liệt sĩ. Có lẽ, đấy là điều khiến ông Hai Trí thấy hạnh phúc nhất kể từ khi tự phát việc tìm kiếm.

Tôi hỏi ông cái điều mà tôi có thể đoán được câu trả lời, đấy là: Có khi nào đồng đội về tìm chú không?
Ông im lặng hồi lâu mới nói: “Tôi nằm mơ thấy hoài. Mơ đào được anh em, nhưng thức dậy mới biết mình mơ. Mơ gặp hoài. Nhưng vạn lần mơ cũng gặp được một hai lần. Nhất là những lúc đi tới hai ba tháng không gặp được ai. Đêm nào cũng mơ hết. Có lần, tôi thấy có mấy người đứng trước lều mình, nói: Mấy thủ trưởng đi lấy hài cốt sao không lấy em về? Tôi hỏi: Mầy lính nào? Nó nói, em lính bảy chín. Chôn ở đâu? Chôn ở vườn cam. Trời! Thức dậy tôi hỏi anh em: Các ông đi khảo sát chỗ này có vườn cam không? Có. Có nghĩa trang mình không? Có. Lúc nào? Bảy chín, nhưng mình lấy hết rồi. Tôi nói, giờ mình lên vườn cam coi còn sót cái nào không. Cái nghĩa trang vầy, sót đây một ông, đây một ông nữa, ở hai đầu vườn. Có lẽ là do bệnh nghề nghiệp của mình nó vậy. Đào không được đêm nào cũng nằm mơ. Đào được thì mừng lắm…”.

Ông Hai Trí cứ nói chuyện rủ rỉ trong lúc màn đêm đang buông xuống dần. Tôi không nỡ dứt khỏi câu chuyện của ông. Tôi biết trước rằng nó sẽ còn ám ảnh tôi rất lâu, rất lâu. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời thì ông đã cầm súng chiến đấu gần 20 năm trời. Tôi và những người cùng thời luôn cố gắng tìm hiểu, chạm tới lẽ sống, lý tưởng của những thế hệ đi trước, cốt cũng để mình có thể trân trọng hết mức giá trị của hòa bình đang được tận hưởng.

Ông Hai Trí, tôi muốn gọi ông bằng cái tên ấm áp, thân mật ấy. Tôi muốn nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng, rằng ông và những người đồng đội đã để lại cho chúng tôi một bài học lớn về đức hy sinh và tình yêu Tổ quốc.

ĐỖ BÍCH THÚY

;
;
.
.
.
.
.