Trải nghiệm làm thêm

.

Mùa hè, bên cạnh việc dành thời gian cho vui chơi, theo đuổi một môn năng khiếu yêu thích, ngày càng có nhiều học sinh (HS), sinh viên (SV) đi làm thêm để trải nghiệm, trau dồi kỹ năng sống… Đây là hoạt động cần thiết giúp các bạn trẻ hiểu hơn về giá trị lao động, từ đó biết sống chia sẻ và yêu thương.

Hiểu giá trị lao động để chia sẻ

Hơn 1 tháng trước, khi kỳ nghỉ hè chính thức bắt đầu, cậu học trò lớp 11 Nguyễn Mạnh H. quê ở tận Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khăn gói vào Đà Nẵng. Sự lạ lẫm của cậu học trò quê nghèo sớm qua nhanh bởi sự sẻ chia, chuyện trò của nhiều bạn bè cùng trang lứa đang làm thêm ở quán bún đậu trên đường Nguyễn Văn Thoại (Sơn Trà). Gia đình bố mẹ đều làm nông nên Hùng hay theo phụ việc ruộng đồng.

Hết lớp 10, muốn kiếm việc làm thêm để trang trải chi phí học tập, đỡ đần cho ba mẹ, H. trình bày nguyện vọng và được ba mẹ chấp thuận cho vào Đà Nẵng ở cùng anh chị để đi làm. Vượt qua nhiều khó khăn ban đầu từ môi trường sống đến giao tiếp vùng miền, H. sớm hòa nhập với công việc. H. bảo, trước đây đi làm nông em cũng hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ, nhưng giờ em thấm thía hơn giá trị của lao động khi mình đi làm để nhận tiền công. Em càng thương bố mẹ nhiều hơn nên cố gắng làm để vào năm học mới có tiền chi phí cho việc học.

Với Nguyễn Thị Kim H., HS lớp 11, đây đã là mùa hè thứ 2 em làm thêm. H. nói, hoàn cảnh kinh tế gia đình em không quá khó khăn nên khi xin bố mẹ đi làm chỉ nghĩ mình sẽ trải nghiệm một công việc nào đấy. Nhưng đi làm rồi, mỗi ca ròng rã 5 tiếng đồng hồ, em hiểu và thương ba mẹ nhiều hơn. “Hằng ngày, ba mẹ nói đi làm thì em chỉ nghĩ là đi làm thôi, chưa hình dung hết vất vả của một ngày lao động, cho đến khi chính mình trải qua em mới hiểu hết. Em sẽ dành số tiền mình kiếm được để chi phí cho sách vở, áo quần vào năm học mới như một cách chia sẻ vất vả với ba mẹ mình”.

Có “thâm niên” làm thêm hơn 5 năm, bạn Đào Thị Việt Trinh, SV ngành Ngôn ngữ Trung, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng nói rằng, làm thêm ngoài biết giá trị lao động còn thấm thía nỗi nhọc nhằn của bố mẹ mỗi ngày lao động cực nhọc để nuôi mình theo học.

Bạn Nguyễn Thị Trâm Anh, SV năm thứ 3 ngành Du lịch, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) bắt đầu làm thêm tại cửa hàng Danang Souvenirs vào giữa năm 2017, tính đến nay cũng đã được 2 năm. Giống như bao bạn sinh viên khác, Trâm Anh làm thêm với mong muốn có được khoản thu nhập riêng cho bản thân và nhận được những kinh nghiệm mà không phải lúc nào nhà trường cũng có thể giúp mình có được. “Tuy nhiên tiền và kinh nghiệm không phải là hai thứ duy nhất mà mình nhận được.

Làm việc tại đây còn cho mình các mối quan hệ mới, ít nhiều giúp ích trong cuộc sống. Các mối quan hệ không chỉ xoay quanh các đồng nghiệp mà còn là khách hàng, nhà cung ứng. Bước chân vào chỗ làm với vốn tiếng Nhật ít ỏi, dần dà mình đã rèn được kỹ năng giao tiếp với người bản xứ ngôn ngữ mình đang theo học một cách tự tin, rành mạch. Đây là công việc đầu tiên cũng là duy nhất của mình tính tới thời điểm hiện tại.

Có thể ở độ tuổi bằng mình hoặc nhỏ hơn, các bạn SV đã trải qua khoảng 3 đến 4 chỗ làm thêm khác nhau và có được khả năng thích ứng môi trường làm việc nhanh chóng. Tuy nhiên lý do mà mình vẫn chưa nhảy việc có thể nói là do tiêu chí mình đặt ra khi tìm kiếm việc làm thêm đó là phải cho mình cơ hội rèn giũa khả năng ngoại ngữ, giúp mình gặt hái những kinh nghiệm liên quan đến ngành học hiện tại, đồng thời thích hợp với quỹ thời gian eo hẹp và không ổn định”.

Trau dồi kỹ năng

Với nhiều bạn trẻ, làm thêm còn để giúp trau dồi kỹ năng sống của mình. Đó là hành trang cần thiết trước ngưỡng cửa trưởng thành. Kim H. nói: “Phục vụ quán bún đậu, em biết thêm về cách chế biến một món ăn. Bên cạnh đó, em học được nhiều kỹ năng như giao tiếp, sắp xếp thời gian hợp lý giữa nghỉ ngơi, học tập, làm việc”.

Đối với Trinh, làm thêm là nhu cầu của cuộc sống, để tích cóp kinh phí thực hiện giấc mơ giảng đường đại học. Trinh từng trải qua nhiều việc từ nhặt ve chai cho đến phụ quán cà-phê, chạy Grab, làm thêm ở nhà hàng sử dụng tiếng Trung…

Trinh nói: “Đi làm giúp em rèn luyện kỹ năng giao tiếp với mọi người, nhất là giao tiếp bằng tiếng Trung- chuyên ngành em theo học; biết cách giao lưu với mọi người, có kỹ năng quản lý thời gian, xử lý tình huống xấu khi chạy xe grab. Ngoài ra, em còn được trải nghiệm nếm đủ “các vị” để hiểu hơn và có nhiều kinh nghiệm cho sau tốt nghiệp”.

Làm thêm đối với các bạn trẻ trong hè ở góc độ tích cực là hành trang cần thiết giúp các em tránh bị “khớp” khi trải qua một quá trình học tập dài 19 năm từ mầm non cho đến đại học, bước vào sự chọn lựa nghề nghiệp. Em Ngọc T., HS Trường THPT L.Q.Đ cho biết: “Em từng trải qua đợt làm thêm vào mùa hè chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 và Tết năm lớp 11 ở một nhà hàng thức ăn nhanh và một quán cà-phê.

Em làm thêm để độc lập về mặt tài chính trong một thời gian ngắn, em không muốn phụ thuộc quá nhiều vào ba mẹ. Ba mẹ không khó khăn trong chuyện tiền bạc nhưng em không muốn ba mẹ chi tiền quá nhiều cho những nhu cầu, hay sở thích của em”. T. bảo: “Sang năm em định đi du học Mỹ. Việc làm thêm có lẽ giúp em định hình với áp lực về mặt thời gian và thể chất khi làm việc trong một môi trường cố định lâu dài, và không thú vị cho lắm. Làm thêm giúp em cảm thấy tự tin và tự chủ khi được tự lập, vì có thể làm mọi thứ theo kế hoạch của mình đặt ra”.

Không phủ nhận giá trị trải nghiệm của làm thêm, tuy nhiên theo T., cần hiểu rõ tầm quan trọng giữa làm thêm trải nghiệm và việc học. Bản thân mỗi bạn trẻ phải biết cân nhắc để có sự sắp xếp kỹ lưỡng. Bên cạnh việc chọn việc phù hợp, cần nhận được sự đồng thuận cũng như quan sát từ xa của phụ huynh để giúp bảo vệ mình trước nhiều cạm bẫy. “Em nghĩ việc có thời gian học hay không thì có thừa rất nhiều, mình cần phân bố hợp lý, chọn công việc phù hợp được ba mẹ ủng hộ thì sẽ rất tốt”, T. nói.

Còn theo Trâm Anh thì trong khoảng thời gian làm thêm có ti tỉ những điều từ đơn giản đến phức tạp, cũng là một cơ hội để mình phát huy khả năng giải quyết vấn đề. Không chỉ là tiền bạc, việc làm thêm mang lại rất nhiều lợi ích tương xứng khác. Vậy nên lựa chọn một công việc phù hợp với bản thân lâu dài là rất cần thiết.  

Phan Vĩnh Yên

;
;
.
.
.
.
.