Căn nhà rộng chưa tới 30m2, đòn tay bằng cây bạch đàn nâng đỡ mái tôn nóng hầm hập dưới cái nắng buổi trưa. Một bé gái thấy chúng tôi vào, khẽ cúi chào bằng nụ cười thật tươi.
Chị Đinh Thị Khá (trái) chia sẻ hoàn cảnh gia đình mình với cán bộ xã Hòa Bắc. Ảnh: V.T.L |
Chủ nhà, chị Đinh Thị Khá, nói con gái chị đang học mẫu giáo lớn ở Trường mầm non Hòa Bắc khu vực Tà Lang-Giàn Bí, được miễn học phí. Trước chị theo chồng đi trồng cây thuê với mức tiền công hằng ngày là 200.000 đồng mỗi người, “chừ thì tui bầu bì, ở nhà nuôi heo, để mình ổng đi rừng”.
Nâng bước con trẻ tới trường
Mức thu nhập đó chỉ đắp đổi qua ngày. Năm rồi gia đình chị được hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà mới theo diện hộ nghèo. Chị khoe nền nhà được lát gạch men láng o, thuộc loại hiếm ở nơi địa đầu của xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Thấy bé gái sà lại làm quen, anh Trương Như Huy, cán bộ văn hóa-thông tin xã Hòa Bắc, hỏi “con đã có áo quần dân tộc Cơ tu chưa?”. Bé cười, lộ mấy chiếc răng sún: “Dạ chưa, cô phát đồng phục ở trường, chứ con nhỏ quá, chưa mặc đồ Cơ tu được”.
Gần đó có nhà chị Phan Thị Thuận, chồng chị là Bí thư Chi đoàn thôn kiêm Phó trưởng thôn, cũng đi làm thuê như chồng chị Khá. Chị Thuận vừa đi hái lá môn về, chuẩn bị xắt nhỏ ra để thêm vào thức ăn cho lứa heo đen 19 con vừa mới sinh. Năm rồi Quận Đoàn Thanh Khê, đơn vị kết nghĩa với xã Hòa Bắc, hỗ trợ gia đình chị 15 triệu đồng mua giống heo đen (còn gọi là heo mọi) - một trong những giống heo cho chất lượng thịt ngon, năng suất cao mà lại ít mắc phải bệnh tật, được nhiều người lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, gia đình vừa được thoát nghèo.
Trung ương quy định việc miễn học phí được thực hiện cho con có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo, riêng thành phố Đà Nẵng mở rộng cho những người giám hộ và thoát nghèo 2 năm tiếp tục được miễn học phí.
Ở xã Hòa Khương có cháu Nguyễn Lê Thành Tâm (sinh năm 2014), học Trường MN Hòa Khương, mồ côi cha, thuộc diện hộ nghèo được miễn 100% học phí. Cháu Phùng Dư Khang (sinh năm 2014), không có cha, thuộc hộ cận nghèo được giảm 50% học phí. Chị Thái Thị Phi Lân, cán bộ công tác xã hội phụ trách giảm nghèo - trẻ em xã Hòa Khương cho biết, ngoài ra, các cháu thuộc diện này được hỗ trợ thêm chi phí học tập và tiền ăn trưa.
Theo số liệu của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang, đơn vị cùng với Phòng GD&ĐT huyện thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, thực hiện tốt chính sách về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo chủ trương quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, năm qua đã miễn giảm học phí cho 1.805 lượt học sinh với kinh phí 208,5 triệu đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 1.772 lượt học sinh với kinh phí 795,5 triệu đồng.
Chính sách nhân văn nâng bước cho con trẻ đến trường này được thực hiện đều khắp trên địa bàn Đà Nẵng. Ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, có một hoàn cảnh rất đáng thương. Khi mới hơn 1 tuổi, cháu Lê Thị T.K. được ba mẹ gửi cho bà Đoàn Thị Đủ ở tổ 15 giữ trẻ giùm. Sau đó, ba mẹ cháu bỏ đi biền biệt, rời khỏi nơi cư trú. Từ đó bà Đủ cưu mang, ngoài con gái mình bà còn nhận đỡ đầu nuôi dưỡng cháu.
Bà giờ mất sức lao động. Ông Hồ Đắc Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, cho biết trước hoàn cảnh của bà, địa phương đã đưa bà vào danh sách hộ nghèo để có chế độ hỗ trợ. Vừa qua, Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 2 triệu đồng để con gái bà góp thêm vốn buôn bán. Cháu T.K. sắp vào lớp 1, UBND phường giới thiệu cháu cho Trung tâm Bảo trợ Trẻ em thành phố Đà Nẵng để đơn vị quan tâm giúp đỡ kỹ năng sống cho cháu.
Vươn lên trong cuộc sống
Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, chồng mất để lại 2 con nhỏ. Ba mẹ con rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có được một mái nhà để che mưa đội nắng. Vừa qua, chị được Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng hỗ trợ một con bò giống trị giá 15 triệu đồng, học bổng cho 2 cháu bé đến trường. Và, ấm cúng hơn, chị được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng.
Ở thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, có một hộ nghèo với hoàn cảnh thương tâm. Anh Trần Công Chung có một đứa con 8 tuổi bị câm điếc bẩm sinh. Phải chăng ba mẹ anh từng ra chiến trường và là thương binh nên nhiễm chất độc hóa học khiến con gái anh bị bệnh? Chưa có câu trả lời. Anh đi phụ hồ. Vợ anh sáng đưa con gái xuống học ở Trung tâm Giáo dục Người điếc miền Trung (Central Deaf Services – CDS) trên đường 30 Tháng 4, chiều quay xuống đón về.
Thời gian còn lại chị giữ bò. Đó là con bò giống được Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an thành phố Đà Nẵng hỗ trợ trị giá 15 triệu đồng. Vừa qua, gia đình anh được Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng hỗ trợ xóa nhà tạm trị giá 50 triệu đồng. Chương trình Trẻ khuyết tật của Tổ chức Trẻ em Việt Nam (Children of Vietnam - COV) hỗ trợ cho con gái anh trọn gói 22 triệu đồng (gói học bổng 1.000 USD cho trẻ khuyết tật) bao gồm: giường, tủ áo quần, khám bệnh, vui chơi, quà thiếu nhi trong vòng 1,5 năm. “Trời cũng nhìn lại, cháu bé sinh sau vẫn bình thường. Cháu lớn quá tội, được chính quyền địa phương, các tổ chức, các nhà hảo tâm giúp đỡ, vợ chồng tui cũng cảm thấy đỡ tủi phần nào”, anh Chung chia sẻ.
Được hỗ trợ vốn từ Quận Đoàn Thanh Khê, chị Phan Thị Thuận chuyển sang nuôi heo đen. Ảnh: V.T.L |
Chị Phi Lân cho biết, trong năm 2018, tổng kinh phí cho chương trình giảm nghèo, nâng cao mức sống người nghèo trên toàn xã Hòa Khương lên đến gần 2,5 tỷ đồng. Qua chương trình xóa nhà tạm, làm nhà đại đoàn kết, 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã hỗ trợ xây 11 nhà với tổng kinh phí 620 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế qua việc tặng bò giống, xe nước mía, gà giống, máy xay bột, heo giống... với tổng kinh phí trên 51 triệu đồng.
Tuy sống trong cảnh nghèo nhưng nhiều học sinh không lấy đó làm điều tự ti, biết vượt qua khó khăn để đạt thành tích học tập đáng nể. Như trường hợp em Nguyễn Thị Thanh Mai (sinh năm 2004) ở thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Em là học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng với nỗ lực, cố gắng trong học tập, vừa qua đã thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – điều mà ngay cả nhiều học sinh con nhà khá giả cũng chưa chắc làm được. Nhận được tin này, Hội Đồng hương huyện Hòa Vang tại TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ em ban đầu 15 triệu đồng; đồng thời Hội sẽ kêu gọi, vận động để bảo trợ lâu dài cho em và trích từ Quỹ Ươm mầm tài năng hỗ trợ học bổng cho em đến hết đại học.
“Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, huyện Hòa Vang vận động hộ gia đình, các tổ chức, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân phối hợp cùng các cấp lãnh đạo chính quyền, hội đoàn thể, tiếp tục tập trung hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vừa thoát nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống”, ông Trần Văn Liên, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang thông tin.
Đối với chính sách hỗ trợ về y tế, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với hộ nghèo thoát nghèo theo chuẩn thành phố, thời gian 5 năm và hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố (Trung ương quy định chỉ hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương), nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách lên 50% đối với hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ 100% các chi phí khám, chữa bệnh tại bệnh viện đối với phụ nữ thuộc diện hộ nghèo và phụ nữ nghèo bị bệnh ung thư... |
VĂN THÀNH LÊ