Cá cấn

.

Chiều mưa, bạn từ xa đến, tôi mời bạn về ngoại ô thưởng thức món cá cấn, cơm thơm. Chẳng phải tò mò vì món lạ, mà vì lâu rồi bạn mới có dịp trở lại. Mưa đầu mùa cũng là lúc cá cấn theo nước tràn đồng về trẩy hội sau bao chật hẹp suối khe.

Vùng Hòa Sơn này, nghe kể ngày trước cá cấn nhiều lắm, mùa nào cũng có. Cả cánh đồng dưới chân núi vùng tây Hòa Vang này cá tôm nhiều lắm. Cùng với quá trình đô thị hóa, thời tiết, thuốc trừ sâu… ruộng đồng thu hẹp, bây giờ lượng cá dần vơi. Cá cấn thân phận bình thường bỗng trở thành đặc sản.

Để có một trã cá cấn đúng chất, phải chọn cá thật tươi, gia vị ướp cho thấm trước khi kho. Ảnh: T.T.T
Để có một trã cá cấn đúng chất, phải chọn cá thật tươi, gia vị ướp cho thấm trước khi kho. Ảnh: T.T.T

Cá cấn. Có người giải thích đây là cá chép non, cũng có người gọi đây là loại cá riêng vùng nước ngọt từ sông suối “chạy đồng”. Tôi không muốn biết cặn kẽ bởi với tôi, cá cấn chỉ là món ăn mà có lẽ nó ngon là do đồ màu, gia vị và cách kho tạo nên. Cơm nóng với trã cá cấn như thử thách vị giác. Ngoài kia mưa đầu mùa. Bạn tôi như bị thôi miên, im lặng trước trã cá cấn và “chăm chỉ” đến mức tôi có cảm giác bữa ăn này với bạn ngon hơn cả đại tiệc.

Đĩa thịt heo “rừng”, rổ rau, bát canh gà lá giang như hờn ghen trước trã cá cấn. Tôi nhìn bạn gắp từng con cá nhỏ mà nghe quê hương gần gũi thấm trong thơm ngon dung dị hiền lành. Trong nỗi nhớ của người xa quê, nhiều người thường không nhớ cao sang mỹ vị mà đôi khi quay quắt nhớ đĩa rau muống luộc, quả cà. Người quê tôi cũng vậy, “Quảng kiều” bao năm, thấy lại trã cá cấn như gặp lại tuổi thơ, gặp lại những ngày xưa mãi xa, mà sao cái ngon, cái ngọt của chén cơm gạo đầu mùa, nó khiến mình như được nâng niu bởi biết bao kỷ niệm.

Cá cấn xưa là món ăn nhà nghèo. Để có một trã cá cấn đúng chất ngày xưa, phải chọn cá thật tươi, rửa nhẹ, để qua rổ cho ráo nước. Sau đó cho vào nồi, muối vừa ăn, mì chính, tiêu, chút nước mắm, ít đường, nghệ tươi giã nhỏ, lá gừng, nén và nhất định phải có dầu phụng quê đổ ngập lên cá. Ướp thấm khoảng nửa giờ, khi kho chắt bớt dầu ra. Lửa nhỏ, riu riu đến khi con cá cứng khô thì thêm dầu phụng vào. Nhìn từng lớp cá cấn chuyển dần sang màu vàng nâu của gia vị, lấm trong thứ nước sền sệt dẻo thơm, ấy là lúc cá cấn đã thấm. Hôm nào mẹ kho cá cấn, đến bữa cơm mấy đứa con chìa bát rất nhanh, cả nhà rôm rả như có đại tiệc.

Người ta nói nhìn vào cái bếp biết được sự thay đổi của nền kinh tế. Hồi nhỏ, nhà nào cũng nấu bằng củi cân ký, bột cưa, trấu. Sau đó, sang hơn một chút là nấu bằng bếp dầu. Bây giờ thì những cái bếp ấy vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Phương tiện và cách nấu thay đổi rất nhiều, và hình như cái cảm về sự ngon cũng đổi thay? Ngày trước bạn cho tôi nửa củ khoai lang mật, gói trong tờ giấy vở học trò sao mà ngon hằn trong nỗi nhớ đến giờ, còn lát bánh tét trong đêm giao thừa nó ngon khiến bao đôi mắt thèm khát của trẻ như đắm đuối theo từng đoạn lá mẹ bóc… Cuộc sống khá hơn, không còn cảnh mỗi khi nhà có khách mẹ sai cầm cái rá qua nhà hàng xóm mượn vài lon gạo. Cái sổ gạo quyết định hạnh phúc và đau khổ của biết bao người giờ mấy ai còn nhớ? Có những nỗi nhớ khiến ngạc nhiên sao mình một thời chịu đựng sự phi lý nó bình thường như là cuộc đời phải diễn ra như thế. Nhưng có một cách cảm về cái ngon hình như muốn quay về ngày xưa.

Mẹ tôi hay nói hồi xưa sao cái món chi cũng ngon. Hình như cái thiếu, cái đói làm cho con cá, lát thịt trở nên uy quyền trong bữa cơm hơn. Nhưng lạ là khi cuộc sống càng khá giả, không còn nghĩ đến lon gạo, cân củi lại thèm những món bình thường của ngày xưa. Cuộc sống càng văn minh, con người càng tìm về hoài niệm. Như món cá cấn kho nghệ tươi, rau lang luộc chấm mắm cái cá cơm nguyên con, cơm nóng đầu mùa, trời mưa rả rích… chao ơi nó ngon mà như ngày xưa mẹ tôi hay nói: ăn đến thủng nồi trôi rế.

Thầm nghĩ, biết đâu những lần cá cấn hiếm hoi này rồi cũng thành chuyện xưa cũ. Mình đang làm chứng sự thay đổi mà nhiều khi không nhận ra. Mà thôi, không phải thiếu nỗi nhớ. Bạn và tôi, chén cơm cá cấn như một nhắc nhớ cho sự trở về.

Trần Thu Thủy
 

;
;
.
.
.
.
.