Chăm sóc bệnh nhân tâm thần

A lô, tổ 550 xin nghe!

.

Thương hiệu “5 không” của thành phố (không hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không người nghiện ma túy, không có giết người cướp của) được triển khai hiệu quả từ năm 2001 đến nay có sự góp sức không nhỏ của Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (gọi tắt là tổ 550, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố).

Hai người phụ nữ giả sư cô xin ăn bị Tổ xử lý thông tin lang thang xin ăn quận Hải Châu phát hiện. Ảnh: Q.T
Hai người phụ nữ giả sư cô xin ăn bị Tổ xử lý thông tin lang thang xin ăn quận Hải Châu phát hiện. Ảnh: Q.T

Trắng đêm tìm người tâm thần

8 giờ sáng, văn phòng của Tổ 550 (hiện đặt tại Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng, 64 Đống Đa) rộn ràng tiếng chuyện trò trao đổi. Người tất bật ghi hồ sơ, người điện thoại về cơ sở xác minh thông tin đối tượng… không khí khẩn trương, gấp rút.

Đêm qua lại là một đêm các anh không ngủ. Cuộc gọi lúc 2 giờ sáng báo có người tâm thần đi lang thang đã xốc cả đội dậy. Hai nhân viên phụ trách hồ sơ cùng lái xe lập tức di chuyển đến hiện trường. Từ đường Điện Biên Phủ, các anh theo chân đối tượng qua nhiều con đường rồi cuối cùng, dẫn dụ đối tượng vào con hẻm cụt trên đường Nguyễn Chí Thanh. Bằng nghiệp vụ, các anh đưa đối tượng lên xe về Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố.

Với đôi mắt còn đỏ kè vì trắng đêm, anh Võ Nguyên Hùng (phụ trách Tổ 550) chia sẻ: “Những cuộc gọi lúc nửa đêm, những chuyến xe vội vã, những vật lộn, giằng co với đối tượng… đã là “chuyện thường ngày ở huyện” với các cán bộ của Tổ 550. Khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ thì đường dây nóng 0236550550 vẫn “thức”. Bất cứ khi nào chuông điện thoại reo là chúng tôi lên đường.

Có đêm nhận 2, 3 cuộc gọi, đi đến sáng”. Chìa cho chúng tôi xem bắp chân vẫn còn hằn dấu răng người, anh Hùng cười như mếu: “Đây là vết tích mà đối tượng N. (người tâm thần, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đã cắn tôi. Khi đi làm nhiệm vụ thu gom, đối tượng mà chúng tôi sợ nhất là người tâm thần. Khi họ lên cơn, họ rất hung dữ, cắn xé, tát cán bộ. Ai thuộc Tổ 550 cũng từng bị tấn công vài lần”.

Từ đầu năm đến nay, Tổ 550 đã nhận gần 500 cuộc điện thoại. Đa số các cuộc gọi đều rơi vào ban đêm. Đang rà soát lại hồ sơ đối tượng, anh Lê Mạnh Thiên góp chuyện: “Nhiều lúc chúng tôi đang tập trung viết hồ sơ, có công an khu vực kèm sát bên cạnh mà có người tâm thần vẫn vùng ra, chạy đến tát nổ đom đóm mắt. Có đối tượng thì phun nước miếng vào mặt cán bộ. Nói chung là hàng trăm trường hợp không biết kể sao cho hết”.

Anh Thiên sinh năm 1984, bắt đầu làm việc tại tổ 550 từ năm 2012. Hơn 8 năm gắn bó với Tổ, cùng anh em thực hiện hàng trăm cuộc thu gom, anh đã quen mặt, nhớ tên các đối tượng tâm thần, lang thang trên địa bàn thành phố. Đó là chị N (phường Mỹ An), bà X. (phường Bình Thuận), chị T. (chung cư Vũng Thùng), chị V.A (phường Hòa Cường Nam)… “Sau khi nhận được điện thoại từ người dân, chúng tôi đến hiện trường và phối hợp với công an khu vực hoặc Phòng cảnh sát trật tự thành phố, đưa đối tượng về Trung tâm Bảo trợ xã hội, lập biên bản bàn giao cho trung tâm quản lý.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đưa đối tượng vào trung tâm, Phòng cảnh sát trật tự Công an thành phố cùng với Tổ 550 đến Trung tâm Bảo trợ xã hội ghi lời khai, lý lịch và tiến hành phân loại đối tượng, đồng thời, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tiếp nhận đối tượng, chăm sóc và nuôi dưỡng tạm thời. Đối với người tâm thần thì đưa họ lên bệnh viện Tâm thần, lấy ý kiến xác nhận của bệnh viện, đồng thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tiếp nhận vào Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng”, anh Thiên nói về quy trình thu gom người tâm thần, người lang thang xin ăn của tổ 550.

Nỗ lực giữ vững thương hiệu

Không có người tâm thần, lang thang xin ăn là một trong “5 không” mà Đà Nẵng đề ra, được triển khai thực hiện từ năm 2001 đến nay. Đây là một trong nhiều nội dung nhằm cụ thể hóa chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị (VHVMĐT), với quan điểm thực hiện các nếp sống VHVMĐT thì trước hết phải giải quyết được vấn nạn về người lang thang xin ăn. Thực tế, từ những năm 1996, 1997, Đà Nẵng đã bắt tay thực hiện chương trình “không có người lang thang xin ăn” theo sự chỉ đạo chung của Bộ LĐ-TB&XH. Khi ấy, mỗi năm, Sở LĐ-TB&XH thành phố tổ chức nhiều cuộc “ra quân” thu gom những người lang thang xin ăn theo đợt, mỗi đợt cao điểm ra quân tập trung vài trăm người. Dù vậy, chỉ sau một thời gian, tình trạng này lại tái diễn.

Và giải pháp đưa ra là phải làm thường xuyên, liên tục. Vì thế, chương trình “5 không”, trong đó “không có người lang thang xin ăn” ra đời. Theo đó, Đà Nẵng đã thành lập một lực lượng chuyên trách (Tổ 550), được đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện như xe chuyên dụng, có đường dây nóng để bất kỳ người dân nào cũng có thể gọi điện cung cấp thông tin 24/24 và được “thưởng nóng” khi phát hiện đối tượng trên địa bàn.

Bà Thu Ba (sinh năm 1951, trú đường Ba Đình, quận Hải Châu) kể: “Những năm đó, đi đâu cũng nghe tuyên truyền việc người dân không nên cho tiền người lang thang xin ăn, rồi ai báo tin có người lang thang xin ăn sẽ được nhận 200.000 đồng. Từ báo, đài, ti-vi, rồi tuyên truyền qua loa, trong các cuộc họp tổ dân phố. Có thể nói, đây là một trong những chương trình được tuyên truyền sâu rộng nhất đến quần chúng nhân dân. Cái hay của chương trình là ở chỗ đã phát huy được sức mạnh, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân nên đã phát huy hiệu quả tích cực”.

Tại các quận, huyện hiện đã thành lập tổ xử lý thông tin lang thang xin ăn. Các tổ có trách nhiệm phối hợp với lực lượng công an khu vực, quy tắc… thường xuyên duy trì kiểm tra, rà soát địa bàn, bố trí lực lượng làm việc cả vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết, ngày rằm. Đơn cử như trên địa bàn quận Hải Châu, Tổ xử lý thường xuyên kiểm tra các điểm nóng như chợ, chùa, các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng. Trong năm 2018, Tổ xử lý đã cảnh cáo, nhắc nhở 43 trường hợp vi phạm (trong đó có 15 đối tượng lang thang xin ăn, 18 đối tượng tâm thần, 10 đối tượng lang thang không nơi cư trú).

Từ khi thành lập đến nay, Tổ 550 thành phố trải qua nhiều thăng trầm, cao điểm trong năm 2015, số người lang thang xin ăn được phát hiện tăng 300% so với năm trước đó. Về vấn đề này, anh Nguyên Hùng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến số lượng người tâm thần, lang thang xin ăn tăng đột biến. Số đối tượng mà tổ 550 thu gom, sau đó xác minh thì phần lớn đối tượng là người ngoại tỉnh, cư trú không ổn định.

Đối tượng lang thang xin ăn đã bị thu gom khi được bàn giao về địa phương nhưng lại tiếp tục đi lang thang xin ăn nên rất tinh vi trong việc đối phó với lực lượng chức năng, di chuyển rất nhanh chóng qua địa bàn khác khi bị phát hiện. Thêm vào đó, lực lượng chức năng địa phương tham gia xử lý người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm và lực lượng chức năng còn mỏng. “Đơn cử như tổ của chúng tôi khi mới thành lập là 10 người, nhưng hiện tại chỉ còn 6 người. Mỗi ca trực phân công 3 đồng chí. Có người vừa đi làm ngày hôm trước, đêm trực, đến sáng hôm sau lại tiếp tục một ngày làm việc hành chính”, anh Hùng nói.

Để Đà Nẵng giữ vững thương hiệu thành phố “5 không”, thiết nghĩ, vấn nạn người lang thang xin ăn phải được giải quyết dứt điểm. Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: “Những tháng cuối năm 2019, Sở tiếp tục tổ chức giao ban với các quận, huyện và duy trì lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn, các khu vực trọng điểm (chợ, chùa, khu du lịch, khu vui chơi) và các vùng giáp ranh. Bên cạnh đó, vẫn duy trì các đợt cao điểm ra quân kiểm tra, kiên quyết xử lý các đối tượng lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, xác định nơi cư trú để trả về địa phương quản lý. Đồng thời, tổ chức lồng ghép vào các chương trình, dự án để hỗ trợ hộ có hoàn cảnh khó khăn học nghề, học văn hóa, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để họ chuyển đổi việc làm khác ổn định cuộc sống”.

Quỳnh Trang


 

;
;
.
.
.
.
.