Hiện nay việc quản lý và chăm sóc người tâm thần (NTT) tại cộng đồng như thế nào cho tốt vẫn là mối bận tâm của nhiều gia đình người bệnh. Bởi nếu gia đình không có kiến thức và phương pháp chăm sóc, điều trị phù hợp dễ khiến bệnh tình ngày càng nặng hơn, thậm chí việc dễ bị kích động sẽ dẫn đến những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác. Ưu tiên hàng đầu trong chăm sóc NTT ở với gia đình là cần sự cảm thông và theo sát.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cùng các tình nguyện viên chuẩn bị thuốc trong buổi tư vấn, khám bệnh miễn phí cho người tâm thần tại cộng đồng đầu năm 2019. Ảnh:T.Y |
Tâm lý e ngại từ cộng đồng
Từng là cô học trò thông minh, học giỏi, thi đậu vào lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, không ai có thể ngờ rằng khi vừa bước vào những buổi học đầu tiên của năm cấp 3, cô bé N.H (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bắt đầu có những biểu hiện lạ. H. thường xuyên cáu gắt, nói hỗn với ba mẹ, thầy cô, suốt ngày ôm đầu kêu đau, cười nói một mình, đập phá đồ đạc, kết quả học hành giảm sút.
Có những hôm, H. nằng nặc không chịu đến trường vì “có người muốn giết con”, ba mẹ từ khuyên nhủ đến nạt nộ vẫn không thể “kéo” H. ra khỏi nhà. Lo lắng, chị U. (mẹ H) quyết định dẫn con đi khám tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Chị U. nói, lần đi khám đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời H.
Em được bác sĩ chẩn đoán bị tâm thần phân liệt, hoang tưởng, yêu cầu nhập viện điều trị lâu dài. Sau 2 tháng nằm viện, chị U. xin đưa con gái về nhà chăm sóc, thuốc thang. “Con gái tôi hiện đang được điều trị ngoại trú, uống thuốc hằng ngày, thỉnh thoảng mới đến Bệnh viện Tâm thần thăm khám, sức khỏe tạm thời ổn định nhưng gia đình vẫn e ngại, không dám để cháu đi đâu ra khỏi nhà”, chị U. chua xót nói.
Không ít gia đình có người bị tâm thần sau thời gian dài điều trị không hiệu quả trở nên chán nản. Ông T.V. (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) cho biết ông có người cháu gái bị tâm thần, gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi.
Ông V. chia sẻ: “Thỉnh thoảng cán bộ y tế cũng xuống thăm khám nhưng không ăn thua. Chủ yếu vẫn là dùng thuốc đúng giờ, đúng liều nhưng phải dỗ ngon dỗ ngọt nó mới chịu uống, chứ ép ép là nó vứt thuốc, những khi như thế cả nhà căng thẳng theo vì sợ nó lên cơn rồi quậy”.
Tâm lý e dè, sợ sệt luôn tồn tại trong nhân dân khi biết nhà hàng xóm của mình có người bị tâm thần. Đà Nẵng hiện có hơn 3.500 người bị tâm thần phân liệt, động kinh, trong đó chỉ có khoảng 400 bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và Trung tâm điều dưỡng NTT.
Bác sĩ Lê Đình Đại (đã về hưu), người có thâm niên điều trị bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chia sẻ, với người bệnh dạng mãn tính thì hết một đợt điều trị bệnh viện sẽ cho xuất viện về nhà.
Trong thời gian này, nếu không được uống thuốc đúng giờ, đúng liều, giữ tâm lý ổn định thì việc bệnh nhân “lên cơn” là rất khó kiểm soát. Trên thực tế, có không ít bệnh nhân tâm thần cầm dao truy sát người nhà, đập phá đồ đạc, chửi bới hàng xóm, đi lang thang trên đường khiến người dân sống gần đó cảm thấy bất an.
“Điều trị, chăm sóc NTT cần có sự cảm thông và theo sát việc uống thuốc từ gia đình và cán bộ y tế. Cần tránh tối đa những lời nói kích động, nạt nộ, bỏ mặc, thậm chí phải luôn trong tư thế nhún nhường trước những điều “chướng tai gai mắt” mà NTT thực hiện, điều này giúp người bệnh ổn định tinh thần, tránh bị kích động dẫn đến việc lên cơn”, bác sĩ Đại cho biết.
Cần sự cảm thông, yêu thương
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện mỗi cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đều có một cán bộ chuyên trách bệnh nhân tâm thần, có nhiệm vụ quản lý hồ sơ bệnh án của từng trường hợp và có phương án can thiệp hỗ trợ khẩn cấp về y tế cho NTT.
Trong đó tập trung chủ yếu hỗ trợ cho người bệnh thuộc dạng tâm thần phân liệt và động kinh, kết nối giúp người bệnh được chăm sóc, theo dõi và cấp phát thuốc đầy đủ. Tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, ngoài chức năng điều trị nội trú, ngoại trú cho các bệnh nhân tâm thần nặng, đặc biệt nặng, thì bệnh viện đã lập một Tổ Công tác xã hội từ năm 2017 với nhiều chương trình cụ thể, hỗ trợ chăm sóc NTT trên địa bàn thành phố.
Bác sĩ Trần Thiện Thanh, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến và Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, công tác chăm sóc người bệnh tại cộng đồng gặp khó khăn do phần lớn người bệnh chỉ biểu lộ lời nói, hành vi thất thường khi “lên cơn”, còn lại vẫn có tư duy, sinh hoạt, nói năng, ăn uống, ngủ nghỉ tương đối bình thường.
Bên cạnh đó, dù đã được cán bộ y tế căn dặn nhưng có không ít gia đình vẫn tự ý mua thêm thuốc bổ, thực phẩm chức năng về cho NTT dùng mà không hỏi qua ý kiến bác sĩ khiến hiệu quả điều trị ít nhiều bị ảnh hưởng do một số thành phần trong sản phẩm chức năng có thể gây phản ứng phụ... Mặt khác, hiện tuyến xã, phường chủ yếu là y tá, y sĩ, nữ hộ sinh làm công tác chuyên trách tâm thần, công việc lại thường xuyên thay đổi vị trí nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo bác sĩ Trần Thiện Thanh, công tác chăm sóc sức khỏe NTT tại cộng đồng hiện nay còn quan tâm nhiều đến việc dùng thuốc hằng ngày mà quên đi việc sử dụng các liệu pháp về tâm lý. Không ít gia đình, cha mẹ vẫn lớn tiếng quát mắng, nạt nộ NTT, thậm chí nhốt trong phòng, xích chân khi nhà có khách hoặc tổ chức đám tiệc.
Hiện nay, các đối tượng NTT đều hưởng chế độ bảo trợ của Nhà nước, mức bảo trợ tùy thuộc vào tình trạng bệnh, độ tuổi, kinh tế gia đình. Riêng người chăm sóc NTT được hưởng 180.000 đồng/tháng. Đây là mức hỗ trợ tương đối thấp, trong khi gia cảnh của NTT hầu hết khó khăn, ngặt nghèo.
Cán bộ chuyên trách thường xuyên chia sẻ và theo sát hướng dẫn cho người bệnh tham gia các hoạt động để cải thiện đời sống tinh thần. Trong ảnh: Các bệnh nhân nữ tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố đang làm móc khóa.Ảnh:MAI HIỀN |
Những năm gần đây, khám bệnh tại cơ sở là một trong những hoạt động của chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng. Từ cuối năm 2017, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng phối hợp với bác sĩ đa khoa tuyến quận/huyện mỗi tuần 1 lần đến Trung tâm Y tế dự phòng khám cho NTT. Việc thăm khám thường xuyên nhằm giúp cơ sở y tế nắm bắt tình hình sức khỏe bệnh nhân, từ đó có hướng điều trị tiếp theo sao cho phù hợp, đạt kết quả tốt nhất.
Ông Huỳnh Hiến, cán bộ chuyên trách tâm thần tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, hiện trên địa bàn quận có gần 500 NTT, trong đó có 268 trường hợp tâm thần phân liệt, còn lại là động kinh.
Đối với trường hợp bệnh nặng, có nguy cơ gây nguy hiểm cho cộng đồng, địa phương vận động gia đình đưa người bệnh vào Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần; với trường hợp quá nặng, cần bác sĩ cận kề chăm sóc, phải kiên quyết đưa vào Bệnh viện Tâm thần để điều trị.
Với những trường hợp còn lại, cán bộ chuyên trách trên địa bàn thường xuyên nắm bắt thông tin, lên lịch thăm khám, cấp phát thuốc đầy đủ; người còn khả năng lao động sẽ được địa phương tạo cơ hội có việc làm, tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi giải trí nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người bệnh.
Cũng theo ông Hiến, việc chăm sóc, điều trị y tế cho NTT ở cộng đồng hiện rất khó khăn, do có không ít NTT bị cộng đồng xa lánh, người dân e ngại, gia đình quản lý chặt khiến họ buồn bực, giận dữ hoặc dễ bị kích động, lên cơn, do đó yếu tố gia đình quyết định một phần quan trọng trong chăm sóc NTT tại nhà, họ cần được cảm thông, yêu thương mới có thể vượt qua bệnh tật.
HUỲNH LÊ