Việc điều trị bệnh nhân nói chung, bệnh nhân tâm thần nói riêng đều phải dựa vào phương thuốc “4 trong 1”: Thầy, Thuốc, Bệnh nhân và Người nhà.
Làm hộp đựng vật sắc nhọn là một trong những hoạt động giúp bệnh nhân phục hồi chức năng tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
Gặp lại nhau sau 4 năm, anh Lê Văn H. cười chào và gọi đúng tên tôi. Ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần ai cũng biết tiếng H. bởi anh là tay chơi ghi-ta “ngọt” nhất nơi đây. Nghỉ học ngang lớp 9, H. làm thợ mộc giúp gia đình. Một lần bị cây trính rơi trúng đầu, anh đâm ra ngơ ngẩn như người mất hồn, thỉnh thoảng lên cơn tâm thần, được người nhà đưa vào trung tâm điều trị 13 năm trước.
H. cùng các bạn đồng bệnh bày biện các khay thức ăn lên bàn, chuẩn bị bữa trưa. Lãnh đạo trung tâm cho biết, từ tháng 8-2019, mỗi bệnh nhân được nhận một khay bằng inox, trong đó có từng ngăn đựng các loại thức ăn. Trước đó, bệnh nhân ăn bằng tô, cơm và các loại thức ăn chung một chỗ, đã không hợp vệ sinh lại trông mất vẻ mỹ quan, gây ít nhiều mặc cảm đối với bệnh nhân. H. ngồi vào bàn, anh nói hơn mười năm nay, chừ mới thấy có bữa ăn như ở tiệm!
Các cơ sở điều trị, điều dưỡng người tâm thần ở Đà Nẵng đã chú trọng đến bữa ăn và liệu pháp điều trị tinh thần cho bệnh nhân. Anh Nguyễn Đình N. mới vào Bệnh viện (BV) Tâm thần Đà Nẵng hơn tháng nay. Giờ hồi tâm lại anh vẫn không còn nhớ ai đưa mình vào, bởi lúc đó anh lên cơn rất nặng, xé bỏ áo quần, ré la dữ dội. Biết con mình mê chơi đàn, mẹ anh (ở phường Hòa Khánh Bắc) mang vào một cây ghi-ta. Từ đó, cả khu anh ở sớm chiều vang tiếng đàn, giọng hát.
Anh thích nhất ca khúc “Bài ca cho em” của nhạc sĩ Phan Nhân bởi lời ca hợp với tâm trạng của anh: “Nâng phím đàn, một bài ca viết riêng tặng em. Một bài ca thiết tha riêng tặng em. Một bài ca từ trái tim luôn yêu đời. Luôn mơ ước yêu thương con người...”. Anh cười: “Chừ thì khỏe hung rồi!”. Chế độ chữa trị, chăm sóc của bệnh viện cộng với “trái tim luôn yêu đời” do âm nhạc mang lại đã là liệu pháp giúp anh nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Theo thống kê của BV Tâm thần Đà Nẵng, số bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây hiện tăng gấp 3 - 4 lần so với 15 năm trước. BV hiện có 200 bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, mỗi ngày có từ 300-400 người đến phòng khám ngoại trú, chủ yếu là các bệnh rối loạn tâm thần do căn nguyên tâm lý như: rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm...
Về nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần, BS Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc BV Tâm thần Đà Nẵng, cho rằng có nhiều nguồn cơn. Người thì từ bên trong phát ra (nội sinh), họ có cuộc sống gia đình ổn định, không chút gì có thể nghĩ đến chuyện bệnh tật, thế rồi đùng một phát bệnh tâm thần bộc phát. Có người bị tâm thần do sốc tâm lý, bị thất tình, làm ăn thua lỗ, bị thảm họa (lũ lụt, lở đất).
Người thì bị di truyền, dù cha mẹ di truyền bệnh tâm thần sang con cái có tỷ lệ rất thấp. Người bị tâm thần do chấn thương ở đầu; trước là bị tai nạn lao động, nay phần lớn rơi vào các ca tai nạn giao thông. Người thì do nghiện chất, trước là heroin nay chuyển sang ma túy tổng hợp; thường gặp nhất là các bệnh nhân nghiện rượu.
Đa số bệnh nhân vô BV Tâm thần Đà Nẵng đều ở thể nặng. Theo y lệnh của bác sĩ điều trị, đội ngũ điều dưỡng tại đây thực hiện chế độ ăn uống, vệ sinh cơ thể, chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân. Ngoài việc động viên, giải thích về tình trạng bệnh cho bệnh nhân, nhân viên điều dưỡng tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt cộng đồng để bệnh nhân không buồn chán, tăng cường sự hợp tác với y tá để giảm bệnh.
Vài ba năm trở lại đây, BV Tâm thần Đà Nẵng tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể có bệnh nhân tham gia nhân các ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới (20-10)... Chiều thứ năm hằng tuần, bệnh nhân có hành vi tạm ổn được đưa đến bãi biển Xuân Thiều để đi dạo, hít thở khí trời thông thoáng, dọn vệ sinh quanh khu vực để họ cảm thấy mình còn có thể đóng góp cho cộng đồng.
BS Ngọc thông tin: “Trước đây, các cơ sở chữa bệnh tâm thần chú trọng chữa bệnh lý bằng thuốc mà ít quan tâm đến phục hồi chức năng, điều trị tâm lý để bệnh nhân có thể tái hòa nhập cộng đồng. BV tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng sống cho bệnh nhân, cách ứng xử, giao tiếp, làm quen, kết bạn, duy trì các mối quan hệ ngoài cộng đồng...”.
Để từng bước phục hồi chức năng về tinh thần cho bệnh nhân, BV tổ chức một số hoạt động có tính hướng nghiệp. Bệnh nhân làm một số sản phẩm đơn giản để khi rời BV họ dễ có việc làm, có thu nhập để tự tin khi tái hòa nhập với cộng đồng. Dệt chiếu, trồng rau (bán lại cho nhân viên và căng tin BV), may vá (cung cấp trang phục cho bệnh nhân), làm bình hoa bằng lụa... Phổ biến nhất là làm hộp đựng vật sắc nhọn có kích cỡ và màu sắc theo quy định của ngành y, bán lại cho các BV.
BS Bùi Quốc Dũng, Khoa Phục hồi chức năng, giới thiệu một số loại hình vui chơi, giải trí giúp bệnh nhân phục hồi nhận thức như: cờ tướng, vẽ tranh, chơi trò chơi điện tử trên máy vi tính, trò chơi ghép chữ... Bệnh nhân giờ đây sau khi ăn xong đã biết tự thu dọn chén bát của mình, mang ra bể nước rửa sạch rồi xếp ngăn nắp vào nơi quy định trong bếp ăn.
Bệnh tâm thần là một trong những thể bệnh cần phải điều trị dài hơi. Ở BV Y học cổ truyền Đà Nẵng, theo TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BV, bệnh nhân tâm thần ở đây được chia thành hai dạng: suy nhược thần kinh và tâm thần mạn tính.
Suy nhược thần kinh gồm rối loạn giấc ngủ, lo âu... Đó là sang chấn tâm lý giai đoạn đầu, có thể điều chỉnh mà không phải dùng thuốc. Bệnh nhân được hướng dẫn thực hiện phương pháp dưỡng sinh bao gồm chế độ ăn uống, luyện thở 4 thì (theo phương pháp dưỡng sinh của BS Nguyễn Văn Hưởng) kết hợp xoa bóp, bấm huyệt để điều hòa âm dương, lưu thông hệ kinh lạc.
Bệnh tâm thần mạn tính phải nhập viện điều trị theo phương pháp Đông – Tây y kết hợp. Y học hiện đại dùng thuốc nhiều sẽ gây ra tác dụng phụ. Đông y có tác dụng vừa giúp giảm liều dùng thuốc Tây y (và tất nhiên giảm tác dụng phụ của thuốc Tây y), vừa nâng cao thể trạng cho bệnh nhân tâm thần. Tùy từng đối tượng bệnh nhân, từng giai đoạn điều trị mà có sự kết hợp hài hòa giữa hai nền y học.
“Dù Đông hay Tây y, việc điều trị bệnh nhân nói chung, bệnh nhân tâm thần nói riêng đều phải dựa vào phương thuốc “4 trong 1”: Thầy, Thuốc, Bệnh nhân và Người nhà. Thiếu một trong 4 “phương vị” đó thì bệnh nhân khó mà hồi phục nhanh được”, BS Dũng khẳng định.
VĂN THÀNH LÊ