Chọn Đà Nẵng sống và học tập

.

Những năm gần đây, không chỉ trở thành một điểm đến quen thuộc với khách du lịch Hàn Quốc, Đà Nẵng còn là nơi nhiều sinh viên đến từ quốc gia này chọn làm nơi học tập và làm việc.

Các bạn sinh viên Hàn Quốc trong một chương trình giao lưu tại Trường Đại học Duy Tân.  Trong ảnh: Bang Ryu Bin (đứng ngoài cùng bên phải) tham gia làm giám khảo một cuộc thi nhảy của sinh viên.
Các bạn sinh viên Hàn Quốc trong một chương trình giao lưu tại Trường Đại học Duy Tân. Trong ảnh: Bang Ryu Bin (đứng ngoài cùng bên phải) tham gia làm giám khảo một cuộc thi nhảy của sinh viên.

Một ngày của Bang Ryu Bin, Lee Doyeol, Lim Yeonja, du học sinh người Hàn Quốc, đang theo học tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu du lịch, Trường ĐH Duy Tân thường bắt đầu từ khá sớm. Các bạn thường nói vui rằng, một ngày của người dân địa phương làm việc từ sớm quá, nên các bạn phải tập để quen với thời gian biểu mới này. Các bạn đến với Đà Nẵng chưa lâu nhưng cảm thấy rất thích thú với cuộc sống nơi đây.

Ryu Bin đã có từng có thời gian học tiếng Việt tại ĐH Sư phạm Hà Nội nên cô có thể nói chuyện bằng tiếng Việt; tuy không nhiều nhưng cũng đủ để có thể trao đổi những vấn đề cơ bản. Tuy nhiên, tiếng Việt đối với người ngoại quốc như cô khá khó nên ngôn ngữ chính khi nói chuyện thường ngày và đi học vẫn là tiếng Anh. Cô gái thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung này cho biết cô chọn Đà Nẵng để học vì trước khi qua đây, cô đã đi du lịch Đà Nẵng và rất thích thành phố cũng như cuộc sống, con người nơi đây. Vì vậy, cô quyết tâm trở thành sinh viên trao đổi của Trường ĐH SeJong (Hàn Quốc) với Trường ĐH Duy Tân.

Cũng như Ryu Bin, Lee Doyeol (ĐH Dong-A) chọn đến Đà Nẵng học tập vì đây là một điểm du lịch rất nổi tiếng được nhiều người Hàn Quốc biết tới. Lee cho biết, hầu như trên các trang mạng xã hội, trong những bài viết về du lịch của những người trẻ ở Hàn Quốc đều bình luận rất tốt về điểm đến Đà Nẵng và đây cũng là thành phố mà nhiều người trẻ muốn đặt chân đến. Còn cô sinh viên năm 3, Lim Yeonja (ĐH Quốc gia Chungbuk) cho hay có những người bạn của cô đã từng đến Đà Nẵng tới 4 lần và vẫn muốn đi nữa. Vì thế chẳng có lý do gì để mình không lựa chọn đến Đà Nẵng học tập cả.

Đa số các bạn du học sinh đến Đà Nẵng học đại học đều học bằng chương trình tiếng Anh, lựa chọn những môn học ở Trường Đại học Duy Tân phù hợp với chương trình học của mình ở Hàn Quốc để đăng ký học và tích điểm.

Một trong những điểm chung được các bạn du học sinh Hàn Quốc rất thích là ẩm thực của Đà Nẵng. Các bạn nhận xét các món ăn rất ngon và phong phú. Bên cạnh đó, văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc tương đồng nên dễ thích ứng cuộc sống mới. Tuy nhiên, theo Lim Yeonja, một ngày của người Việt Nam bắt đầu và kết thúc sớm hơn so với ở Hàn Quốc; chưa kể, giao thông công cộng ở thành phố này chưa nhiều nên những người nước ngoài như Lim cần có thời gian để thích nghi.

Còn Ryu Bin bày tỏ sự cảm kích vì người Việt rất thân thiện và hòa đồng. “Ở đất nước chúng tôi, người bản địa họ rất giữ khoảng cách, ít khi chủ động trò chuyện trước; còn ở Đà Nẵng, chúng tôi được người địa phương chủ động làm quen hỏi han, trò chuyện, rất gần gũi, mến khách, khiến chúng tôi thấy rất thân thiện”, cô chia sẻ.

Được phân công đến Đà Nẵng trong thời gian 2 năm làm nghiên cứu sinh, công việc chính của bà Park Seunghwa, công chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc là tìm hiểu và nghiên cứu chính sách du lịch Việt Nam và văn hóa quản trị nói chung, tìm hiểu tình hình du lịch Đà Nẵng và chính sách du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Sau hơn 1 năm sống tại thành phố biển xinh đẹp này, bà Park mong muốn có thể ở thành phố này lâu hơn nữa bởi bà đã trót dành nhiều tình cảm cho nơi đây. Bà cho biết, khi có quyết định công tác tại Đà Nẵng, bà cũng có những băn khoăn, lo lắng vì phải đi đến một nơi hoàn toàn mới mẻ. Nhưng tới nơi rồi bà mới thấy, cuộc sống ở đây rất dễ chịu, con người hiền hòa, dễ mến. Đà Nẵng không chỉ có điểm tham quan được người Hàn Quốc ưa chuộng và đến du lịch mà còn có rất nhiều người Hàn Quốc đến sống. Gia đình bà Park hiện đang sống tại Đà Nẵng, các con bà học chung với nhiều trẻ em người Việt.

Bà cho hay, ngoài việc nghiên cứu, công việc hằng ngày của bà ở Đà Nẵng là hỗ trợ Phòng Xúc tiến thị trường (thuộc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng) trong công tác nghiên cứu và xúc tiến thị trường Hàn Quốc; hỗ trợ Phòng Truyền thông du lịch trong việc phiên dịch, biên dịch nội dung các ấn phẩm du lịch: bản đồ, cẩm nang, cổng thông tin du lịch... sang tiếng Hàn để phục vụ du khách; Hỗ trợ Trung tâm Hỗ trợ du khách trong việc giải quyết các tình huống liên quan đến du khách Hàn Quốc. Bà chia sẻ, ở đây mọi tiện nghi đều rất tốt, trừ hệ thống giao thông công cộng là chưa phát triển nhiều, nên với người nước ngoài việc đi lại chủ yếu vẫn là đi bộ hoặc bằng taxi. Mặc dù đi chợ hay đi mua sắm bà vẫn bị “nói thách” do là người nước ngoài, nhưng bà Park vẫn thích cách người ta đi chợ, hay ghé vỉa hè mua đồ ăn, bản thân bà cũng thích đi chợ Cồn để ăn bánh tráng thịt heo hay bánh xèo…

Cả ba sinh viên đang học chương trình trao đổi của Trường ĐH Duy Tân là Bang Ryu Bin, Lee Doyeol, Lim Yeonja và bà Park Seunghwa, khi quyết định đến Đà Nẵng học tập và làm việc, ban đầu đều có chút bỡ ngỡ, lạ lẫm nhưng họ đều “vì yêu mà đến” thế nên, sau một thời gian sinh sống và làm việc, họ đều mong muốn được lưu lại thành phố này lâu hơn. Như Lee Doyeo và Lim Yeonja, đều bày tỏ sau khi hoàn thành xong chương trình đại học sẽ tìm việc làm tại thành phố này, hay bà Park cũng muốn ở lại đây thêm một năm nữa vì chưa muốn rời xa những người bạn tại Đà Nẵng. Với họ, thành phố này có một sức hút kỳ lạ, không quá ồn ào cũng không quá tĩnh lặng, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông phát triển cộng với sự thân thiện, gần gũi của người dân địa phương chính là những điểm cộng khiến người phương xa đến mà không muốn rời đi.

Tiến sĩ Bùi Kim Luận, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu du lịch, Trường ĐH Duy Tân cho biết, những năm gần đây trường kết nối với các trường đại học của Hàn Quốc để tiến hành trao đổi sinh viên năm 3 và năm 4. Việc thực hiện trao đổi này giúp các sinh viên của hai bên có thêm các kỹ năng, kiến thức, văn hóa, rèn luyện tiếng... Thời gian học trao đổi của các sinh viên thường là từ 6 tháng (1 học kỳ) đến 1 năm, tùy theo chương trình hợp tác của các trường. Hiện Trường ĐH Duy Tân đang hợp tác trao đổi sinh viên với 8 trường đại học từ phía Hàn Quốc. Trường đang có 8 sinh viên người Hàn Quốc học trao đổi và 13 thực tập sinh tại các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao tại Đà Nẵng.

SONG KHUÊ
 

;
;
.
.
.
.
.