Chuyện viết tắt và nói tắt

.

Trong giờ Việt ngữ học, nhiều sinh viên thắc mắc, chế độ 5C, 5E là gì hả thầy? Tạm trả lời với các em như sau: Đó là cách nói tắt/viết tắt của cách nói/cách viết sau đây: Con Cháu Các Cụ Cả; Cứ Chi Các Cụ Cho; Có Chi Các Cụ Chịu. 5E là cách viết tắt/nói tắt của tiêu chí vui để chọn vợ thời nay, khác với 5C là cách nói về vị thế cá nhân trong xã hội, cách nói tắt 5E có thể hiểu vui là: Mát mẺ, vui vẺ, mạnh khỏE, tươi trẺ và mắn đẺ.

Sinh viên Lào tham gia giờ học môn Tiếng Việt tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Ảnh: T.V.S
Sinh viên Lào tham gia giờ học môn Tiếng Việt tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Ảnh: T.V.S

Tiếng Việt quả là thú vị. Mỗi tiếng được ghi bằng một chữ, dễ dàng gieo vần, mỗi tiếng đều có khả năng biểu đạt nghĩa, phân tiết rõ ràng khi nói/viết. Tuy nhiên, khi nói tắt hoặc viết tắt phải bảo đảm các điều kiện cần và đủ để hiểu đúng nghĩa của nó. Đó là: Phải thuộc vào một hệ thống nhất định và/hoặc phải gắn với ngữ cảnh câu nói. Chẳng hạn, ngày xưa sinh viên trốn vé tàu là phổ biến, chữ tắt ĐSVN (Đường sắt Việt Nam) thường được suy diễn vui là Đời sinh viên nghèo; Đừng soát vé nó!

Ngôn ngữ thời 4.0 còn “lạ hóa” và phức tạp hơn nhiều. Cách viết FA với nghĩa độc thân; G9 là chúc ngủ ngon; No Star Where là không sao đâu... ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Chẳng hạn, hai cô cậu chát với nhau ngay khi làm quen trên mạng, cậu bé liền bảo: “Em vào WC cho anh xem đi!”. Cô bé mặt ửng đỏ thẹn thùng rồi quát: “Anh mới làm quen em mà đã đòi em vào “nhà vệ sinh” cho anh xem rồi à, đồ biến thái!”. Cuộc trò chuyện kết thúc trong sự giận dữ. Quả cậu bé bị oan, vì cô bé hiểu WC là toilet, trong khi cậu bé lại quy chiếu WC là webcam!

Một cách nói tắt/viết tắt có hệ thống và phù hợp với ngữ cảnh sẽ đưa lại một cách diễn đạt đúng, thậm chí có “khoái cảm thẩm mỹ nhất định”; còn cách nói tắt/viết tắt tùy tiện, thiếu hệ thống sẽ dẫn đến những cách hiểu sai lệch, ảnh hưởng đến chuẩn mực giao tiếp và sự trong sáng của tiếng Việt.

Trong thực tế dụng ngôn, ranh giới giữa cái đúng và sai; giữa cái chuẩn mực và lệch chuẩn... thường rất khó minh định. Bởi ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, được cộng đồng chấp nhận, miễn là hiểu được nhau trong giao tiếp. Đó là lý do tại sao những cách nói sai được chấp nhận như: cây cổ thụ; đường quốc lộ; hay nhiều cách nói “lạ tai” dần trở nên “quen tai” trong giao tiếp như: phê như con tê tê; chuẩn không cần chỉnh; ngon lành cành đào; chán như con gián; thích thì nhích... không chỉ được các 8X, 9X nói mà còn được các “già X” sử dụng.

Ngoài cách nói 5C, 5E đã giải thích ở trên, cách nói 4T (Tiền - Tình -Tù - Tội); 4 Ệ (nhất hậu duỆ, nhì tiền tỆ, ba quan hỆ, bốn trí tuỆ ) cũng được hình thành theo nguyên tắc dụng ngôn đã đề cập.

Nói theo quan điểm xã hội-ngôn ngữ học thì, sự lựa chọn hợp lý nhất là chọn lựa một trong những sự lựa chọn! Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất mà còn là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Việc “lựa lời”, vì vậy, luôn được chú trọng giao tiếp và ứng xử của người Việt ta từ xưa nay.

PGS.TS Trần Văn Sáng
 

;
;
.
.
.
.
.