Đây là một quán bán hàng tạp hóa, ở một xã rất sâu, có lẽ là sâu nhất của một tỉnh miền núi. Ở những nơi như thế này, đến cả những cái quán nhỏ cũng hiếm. Nhiều gia đình vẫn giữ nếp tự cung tự cấp, thi thoảng lắm mới đi mua một món gì đó không tự làm ra được. Xà phòng, mắm muối, mì tôm, đồ dùng… Ít người mua, nên cũng hiếm người bán. Tôi ngồi ở đấy với ông lão chủ nhà cả một buổi chiều, chỉ có một người đến mua hai gói mì tôm.
Trong quầy tạp hóa nhỏ ấy. Ảnh: K.H |
Trời đổ xuống một cơn mưa.
Cơn mưa lớn, lặng lẽ đến, không có gió, mây trên cao thẫm dần, và từ tốn đổ xuống. Những hạt mưa to, vỡ lốp đốp trên mặt con đường nhỏ ngay trước cửa nhà, dày hạt dần, và rồi nước trút như có ai nghiêng cả một cái chậu siêu khổng lồ tít trên trời kia đổ xuống vậy. Trong nhà có ti-vi, một cái quạt trần nhỏ chạy như đuổi ruồi. Tất cả mọi đồ đạc đều ngăn nắp, gọn gàng hết mức có thể. Cứ nhìn cái quầy hàng với bao nhiêu thứ mà được bày biện gọn gàng thế kia thì đủ biết chủ nhà là người hết sức ngăn nắp. Không có cái gì để sai chỗ, không có những thứ có thể xếp chồng lên nhau mà người ta không xếp.
Tôi hỏi ông lão, rằng ông thường lấy hàng ở đâu về bán? Từ đây mà ra huyện lỵ thì xa lắm, phải đi mất mấy tiếng đồng hồ, qua những cung đường cua như tay áo. Ông bảo, chẳng phải đi đâu. Ngồi đây gọi điện ra huyện, lâu lâu lại có một chiếc xe tải nhỏ chở vào, đủ thứ. Nhưng thỉnh thoảng, tiện ra huyện thì đám con ông cũng tranh thủ lấy hàng về.
Trong những chuyến đi, mà thường là vào vùng sâu vùng xa, tôi hay gặp những cái quán như thế này. Nó không dành cho những người lỡ độ đường. Nhưng tất nhiên, nếu như bạn bị đói, bạn có thể nhờ chủ nhà nấu giúp một bát mì tôm, và đập vào đấy một quả trứng.
Sau khi cơn mưa ngừng, sau người phụ nữ đến mua hai gói mì tôm, thì có một cô bé xuất hiện. Cô bé con chừng tám chín tuổi, đi chân đất, cái quần vải hoa cộc đến gần đầu gối, áo phông chắc mặc thừa của anh hay chị, dài trùm qua mông. Mái tóc dày nhưng rối, buộc túm sau gáy. Em đứng ở trước cửa hàng, và nhìn vào không chớp mắt. Ông già đang ngồi cạnh tôi, không hỏi. Con chó con nằm trên hè, tì cằm vào hai chân trước, im thin thít. Và em bé, cũng đứng yên ở đấy, nhìn vào. Tất cả, ông lão, con mèo, em bé, dường như đều đã biết rằng sẽ chẳng có mua bán gì ở đây cả. Cứ tự nhiên mà mặc kệ nhau thôi.
Em làm tôi nhớ đến tôi của những năm tháng nào đấy, xa thật là xa.
Trong những giấc mơ đêm đông buốt giá của tôi, luôn có một cái quầy tạp hóa đầy màu sắc. Trong tất cả những quầy hàng ở phố chợ khi ấy, bên cạnh những phản toàn thịt với xương bò, một cái chân bò còn nguyên cả móng; gần hàng gạo và các loại hạt; cách ra một chút là hàng sửa xe đạp đầy dầu với mỡ, một cái chậu men sứt đựng nước đục ngầu cho ông thợ kiểm tra chỗ thủng trên săm… lại có quầy tạp hóa ấy. Tôi thích nó nhất. Nó lúc nào cũng rực rỡ, gọn ghẽ, ngăn nắp. Xanh đỏ tím vàng… màu gì cũng có. Luôn sáng rực lên, hút chặt lấy ánh mắt của tôi. Nó như một đốm lửa tự dưng cháy trên cả một đống củi vừa mục vừa ẩm. Kỳ lạ thế. Chẳng giống bất kỳ quầy hàng nào khác trong chợ cả.
Phía sau quầy tạp hóa ấy luôn có hai người. Một là người phụ nữ. Cô ấy trông hàng, và đan len. Mùa đông cũng như mùa hè, trên tay cô luôn có đôi kim đan. Kể cả lúc có người vào mua hàng, ngẩng lên để trả lời thì đôi tay ấy vẫn thoăn thoắt như là chúng cũng có mắt. Và hai là cậu con trai. Cậu bé chắc tầm tuổi tôi, hoặc lớn hơn một chút. Cậu ta bị down. Cặp mắt xếch ra hai bên, mũi tẹt, miệng không bao giờ ngậm, nước dãi cứ chảy ra. Cậu ta hay cười. Nhưng cười hay không thì nước dãi vẫn chảy. Vì thế mà ở cổ cậu ta lúc nào cũng có một chiếc khăn.
Chiếc khăn màu xanh. Luôn là màu xanh lá cây. Cậu ngồi cạnh cô ấy, và liên tục dỡ ra rồi lại cuộn vào những cuộn len. Thỉnh thoảng thì cậu ngủ. Cậu nằm co như một con mèo, trên chiếc ghế dài nhưng lại có tựa, đầu gối lên đùi mẹ. Vì ám ảnh với nụ cười ngốc nghếch của cậu bé ấy mà sau này tôi hay lẩn thẩn tìm đọc về chứng down. Bình thường, người ta có 46 nhiễm sắc thể tồn tại thành từng cặp trong nhân tế bào.
Một nửa số này của bố, nửa còn lại của mẹ. Nhưng những người bị down thì lại có đến 47 nhiễm sắc thể, thừa ra 1. Chính cái sự thừa ra này khiến cho họ không thể nào phát triển bình thường về thể chất lẫn trí tuệ. Đại khái vậy.
Thỉnh thoảng mẹ cho tôi được mua một món gì đó, trong một khoản tiền nhất định, trước khi chúng tôi quay về nhà. Tôi thường cầm tiền và đi thẳng đến cái quán tạp hóa ấy. Nhất định là tôi sẽ mua, cái gì không quan trọng, nhưng sẽ mua ở đúng cái quầy tạp hoá ấy. Cậu bé kia nếu thức, nhất định sẽ chìa tay ra đòi bắt tay. Đương nhiên nếu ngủ thì thôi. Cậu chìa tay ra, miệng nhệch cười, giọng nói méo méo: Bắt tay nào! Bắt tay nào! Cậu thường nắm rất chặt, rất thân thiện, và ấm áp kỳ lạ.
Bàn tay cậu trắng, và xanh. Khác với tay tôi. Tay tôi đầy vết gai cào và những vết đứt vì dùng dao để thái rau nấu cám cho lợn. Tôi không biết tại sao tôi lại muốn bắt tay cậu ta. Có lẽ vì cái nụ cười khó khăn ấy. Người ta nói, người dại với người khôn khác nhau ở chỗ, người khôn khi cười thì mắt cũng cười, người dại thì không. Nhưng tôi nhớ là mắt cậu ta cũng cười khi bắt tay tôi. Miệng cười rất khó khăn, mắt cũng vậy. Hai con mắt nhỏ và xếch. Khi không cười nó thật là buồn bã.
Sau này tôi lớn, đi học, rồi đi xa. Cái thị xã nhỏ, khu chợ nhỏ đều đã thay đổi. Thị xã lên thành phố, khu chợ thành trung tâm thương mại. Cái quầy tạp hóa đã biến mất.
Tôi nhớ nụ cười ấy. Một cái gì đó giống như là nỗi buồn bởi một điều mình mong chờ đã đột ngột mất đi. Và giờ, nhìn cô bé đứng ở ngoài kia, lại nghĩ, chưa chắc em ấy muốn mua cái gì, mà có lẽ chỉ là đi tìm một điều gì đó. Ví như là con chó con với hai cái tai bé xíu luôn dựng lên đây chẳng hạn. Khi nào nó lớn, tai sẽ dài ra và cụp xuống. Còn bây giờ, hai cái tai hình tam giác luôn dựng lên. Em ấy muốn ngắm con chó, đơn giản vậy thôi. Tôi thật rất muốn biết vì sao em lại đứng ở đấy, giống y như tôi năm nào. Tôi đã đến đấy chỉ để mua một niềm vui, vậy thôi.
Nhưng tôi đã ngồi yên, thậm chí thở thật khẽ. Cảm giác như nếu mình thở mạnh, hắt hơi, ho, hay lúc lắc cái đầu, thì em bé kia sẽ rời đi mất.
Trước mặt, ngoài kia, trong cái buổi chiều đang thẫm dần, cô bé ấy là thật, hay là ảo ảnh, cũng không biết nữa.
Khải Huyền