Ngày 2-10, Tate Modern - một trong 4 bảo tàng nghệ thuật quốc gia và nghệ thuật đương đại quốc tế của Vương quốc Anh giới thiệu tác phẩm điêu khắc với kích thước lớn của Kara Walker, nghệ sĩ người Mỹ. Tác phẩm cao 13 mét, được tạo ra bởi các nhân vật và sinh vật biển, trong số đó nổi bật hình dáng những con cá mập đang quẫy động mặt nước.
![]() |
Tác phẩm của Kara Walker ở Tate Modern, London. |
Trên hành lang, tượng một cậu bé da đen với những giọt nước mắt trong một vỏ ốc xà cừ mở toang hoác, một viên ngọc trai trong một con hàu đã chết, một con tàu chở nô lệ. Tất cả hiện ra sừng sững dưới một đài phun nước khổng lồ, trông rất quái dị, hài hước và đáng kinh ngạc.
![]() |
Chiếc vỏ sò bị tàn phá. |
Trong quá trình thực hiện tác phẩm này, Kara Walker đã chọn, nghiên cứu một số tác phẩm mang chủ đề về cá mập như bức “Watson and the Shark” (Watson và cá mập) - tranh sơn dầu của họa sĩ người Mỹ John Singleton Copley, miêu tả cuộc giải cứu cậu bé người Anh Brook Watson khỏi một cuộc tấn công của cá mập ở Havana, Cuba. Tiếp đó là tác phẩm “Cá mập sống” của Damien Hirst, một nghệ sĩ người Anh và là thành viên hàng đầu của «Nghệ sĩ trẻ của Anh quốc». Tác phẩm được Damien Hirst tạo ra vào năm 1991. Phiên bản của tác phẩm là xác con cá mập hổ được bảo quản bằng formaldehyd trong ống nghiệm.
![]() |
Nghệ sĩ Kara Walker. |
Cả nhóm tượng của Kara Walker đều hướng về phía mái nhà. Tiếng nước chảy từ các vòi phun đổ xuống bóng tượng hình thuyền buồm tạo nên giai điệu trầm mặc, tạo cảm giác kỳ lạ khi được đưa trở lại vào một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử: thời kỳ buôn bán nô lệ của đế chế Anh tại đảo Bunce. Đảo Bunce nằm cách Freetown khoảng 30km - thành phố cảng và thủ đô của Sierra Leone, ở Tây Phi. Nó nổi tiếng với những bãi biển và vai trò lịch sử trong buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Từ khoảng năm 1670, đảo này xuất khẩu hàng chục ngàn tù nhân châu Phi sang Bắc Mỹ và Tây Ấn. Đối với hàng chục ngàn người châu Phi, đây là nơi kết thúc cuộc sống của họ. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc và đưa đến hòn đảo và cuối cùng được đưa lên tàu nô lệ đến châu Mỹ.
Khi đến các thuộc địa của Mỹ, nô lệ châu Phi bị buộc phải làm việc trên các cánh đồng lúa, cánh đồng bông và đồn điền nằm dọc theo bờ biển Nam Carolina-Georgia. Đến khi đạo luật xóa bỏ chế độ nô lệ ra đời (1833), Quốc hội Anh đã xóa bỏ chế độ nô lệ ở hầu hết các thuộc địa của Anh, giải phóng hơn 800.000 người châu Phi nô lệ ở Caribean và Nam Phi cũng như một số ít ở Canada.
Trên đảo Bunce không có người ở. Các cấu trúc còn lại, bao gồm các pháo đài, các bức tường của khu phố buôn và cổng vào nhà nô lệ, được xây dựng bằng đá và gạch. Mặc dù sự cô lập của hòn đảo đã giúp ngăn chặn sự hủy diệt của con người, nhưng khí hậu khắc nghiệt đã dẫn đến sự xuống cấp liên tục. Sự phát triển không được kiểm soát của thảm thực vật trong và xung quanh các tàn tích, sự xói mòn bờ biển đe dọa đến việc bảo tồn khu vực này. Ngoài ra, xung đột và nền kinh tế yếu còn đang hồi phục sau ảnh hưởng của dịch Ebola 2014 đã cản trở nhiều kế hoạch bảo tồn đảo Bunce. Hiện nay, ông Joseph Opala, giám đốc của Liên minh đảo Bunce và một nhóm các nhà sử học và khảo cổ học làm việc cùng nhau để biến hòn đảo thành một địa danh có thể được đánh giá cao về giá trị lịch sử của nó.
![]() |
Chi tiết của nhóm tượng. |
Nghệ sĩ Kara Elizabeth Walker sinh ngày 26-11-1969, tại Stockton, thành phố phía Bắc California, Hoa Kỳ. Năm 1991, Kara có bằng Cử nhân Mỹ thuật về hội họa và in ấn, sau đó nhận bằng Thạc sĩ Mỹ thuật về hội họa và in ấn, Trường Thiết kế Rhode Island năm 1994.
Kara Walker nổi tiếng dũng cảm với những cuộc điều tra sáng tạo về chủng tộc, khuôn mẫu, giới tính, sự bất bình đẳng và bản sắc trong suốt lịch sử quốc gia của cô. Vượt lên trên cơn bão điên cuồng thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật cô từng tạo ra, qua nghệ thuật thị giác, tác phẩm của Walker đã kích thích nhận thức và thúc đẩy các cuộc trò chuyện, hội thảo về phân biệt chủng tộc. Kara liên tục khẳng định rằng nhiệm vụ của cô là gây sốc cho người xem và thậm chí đi xa đến mức khiến họ tức giận. Một lần Kara Walker bày tỏ: “Tôi làm nghệ thuật cho bất cứ ai quên cảm giác muốn gây chiến”. Chỉ riêng điều này là một dấu hiệu đủ mạnh về nghệ thuật của cô và tất cả bản chất được khắc sâu bên trong tác phẩm của Kara - tinh thần nổi loạn, ngôn ngữ sắc sảo và sự không khoan nhượng hết sức bền bỉ khi nói điều đúng.
HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)