Chẳng có tình yêu nào là không thể (*)

.

Franz và Clara dày chưa đầy 300 trang, song cũng đủ cho nhà văn Pháp Phillippe Labro kể cho độc giả nghe về một chuyện tình kỳ lạ, khó chấp nhận nhưng lại lãng mạn, dâng đầy vẻ đẹp đến ngất ngây. Và, dù có khó chấp nhận đến bao nhiêu thì trên đời này, chẳng có tình yêu nào là không thể.

 

Franz và Clara là câu chuyện tình yêu của cậu bé 12 tuổi tên Franz và Clara - cô gái 20 tuổi có trái tim đau khổ. Đã từng chìm ngập trong nỗi buồn vì mất cha, giờ đây Clara ngỡ mình có thể tan biến đi trong mỏi mệt vì bị người bạn trai đầu đời lừa gạt. Sau những giờ luyện nhạc, cô gặm nhấm nỗi cô đơn trên chiếc ghế băng đặt cạnh hồ nước. Từ phía này, cô có thể nhìn lên bầu trời vẽ đầy những đám mây xám xịt hay thu vào tầm mắt sự mềm mại của những cánh vịt trời bay vút lên cao, rồi lắng nghe tiếng còi tàu vào bến. Mọi thứ xung quanh ít nhiều đều chuyển động và thay đổi, chỉ có lòng cô là bất động, nặng nề những hoài nghi. Thế rồi sự xuất hiện của Franz ở phía đầu bên kia băng ghế đã giúp Clara bước sang chương mới của cuộc đời.

Bằng sự bền bỉ của mình, Franz đã giúp Clara lấy lại thăng bằng sau tan vỡ. Cậu bảo với cô: “Tôi ấy à, khi buồn, tôi cố gắng bỏ qua mọi thứ. Tôi tập trung suy nghĩ vào một thứ duy nhất và không rời bỏ nó nữa, dù chỉ trong giây lát: một cánh chim, một cây dương xỉ, một hòn đá, một gương mặt cũng được, nhưng chỉ duy nhất một thứ thôi. Và như thế chúng ta chìm sâu vào tĩnh lặng. Để đến với khoảng trống. Nhiều người sợ khi nói về khoảng trống. Nhưng tôi thì không, tôi hy vọng bạn cũng thế”. Từng chút một, chút một, Franz chân thành đến gần bên Clara, khiến Clara mở lòng, dốc hết những muộn phiền, đẩy lùi sự ruồng bỏ và bất hạnh lại phía sau.

Nếu hôn nhân là một chặng đường dài cần sự vun đắp và thấu hiểu, thì tình yêu là một vẻ đẹp. Điều cần làm trước tiên là cảm nhận nó, nhìn thấy nó. Làm sao Labro có thể thuyết phục bạn đọc hãy tiếp tục những trang viết khi mà ông vẽ câu chuyện tình yêu bằng một khoảng không gian hẹp và mốc thời gian ngắn ngủi đến thế. Nơi duy nhất để tình yêu giữa hai con người lệch tuổi nảy nở là chiếc ghế băng bên cạnh hồ nước, trong những buổi trưa trôi qua chóng vánh trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ.

Vậy mà, tình yêu lứa đôi ấy vẫn có thể đơm mầm ngoạn mục, trở nên đẹp đẽ đến say mê. Clara từ chỗ giữ khoảng cách, chỉ xem Franz là một cậu bé quá thông minh và nghiêm cẩn so với tuổi, dần dần cũng đồng tình với cậu về ý niệm “cô và cậu là những con người trong cùng một gia đình, gia đình thiếu thốn tình cảm trìu mến”.

Có lẽ, sự gắn kết giữa hai người càng chặt chẽ hơn nhờ những bất hạnh mà họ từng có trong quá khứ. Clara mất bố, lớn lên trong sự cô đơn và thiếu thốn khi sống với người cô ơ hờ, đến lúc 20 tuổi, khi đang yêu đương tha thiết thì phát hiện ra đó chỉ là một trò đùa bỡn cợt. Franz lại khác, cậu lớn lên trong một gia đình danh giá, ngoài tiền bạc, thì thứ mà họ có nhiều nhất chính là sự xa cách. Bởi thế, ngay ngày đầu tiên cô xuất hiện, Franz đã dễ dàng bị thu hút bởi bóng hình một cô gái trẻ mà ngay cả dáng đi cũng lộ rõ sự cô đơn. Franz đã tìm thấy Clara, còn Clara là người đã giữ Franz ở lại.

Sự cứng cỏi và rõ ràng của Franz khiến Clara yên lòng, Franz lại cảm nhận được sự mềm mại và ấm áp từ cô gái mà cậu quan tâm. Cứ thế, hai người cần nhau, bước đến bên nhau, đặt lên nhau những cái hôn nhẹ nhàng làm tăng nhung nhớ.

Thế mạnh của Phillippe Labro là viết tự truyện, trong Franz và Clara, ông đã có lối hành văn khác. Câu chuyện được chia làm hai phần. Phần một, Clara kể lại cuộc gặp gỡ hai người bằng ngôi kể chuyện thứ nhất. Cuộc gặp gỡ ở phần hai sau mười năm xa cách do người kể chuyện ở ngôi thứ ba dẫn dắt. Việc chuyển ngôi khiến sự bắt nhịp tâm hồn của lứa đôi trở nên thiết tha và mãnh liệt hơn. Franz bé con bây giờ đã trở thành một chàng trai tuấn tú, thành đạt và lịch lãm, khiến Clara thoáng chốc trở nên thẹn thùng. Khéo hay cho rào cản tuổi tác lúc này đã hoàn toàn bị dỡ bỏ, họ đã thực sự tìm thấy nhau, thuộc về nhau.
Cuối truyện, Franz ra đi mãi mãi, sau khi họ kịp có với nhau một đứa con. Trong ngôi nhà giữa rừng cây, Clara nhìn ra ô cửa sổ, cô nghĩ Franz như một cánh bướm trắng, đã từng hiện hữu, từng cùng cô phiêu du. “Liệu cánh bướm có trở lại trong tầm nhìn của tôi không, liệu có vuốt ve không khí thêm lần thứ hai không. Nó đã không làm thế”, cô tự hỏi và trả lời khi trong lòng đang tha thiết nhớ Franz.

Tình yêu đẹp chính là nhờ những khoảnh khắc. Clara biết sự ràng buộc giữa hai con người mà chính cô từng nghĩ rằng không thể, nay lại trở thành sự êm dịu vĩnh hằng. Mãi mãi không phải là sự tồn tại của hiện thực, mà là ở trong tâm trí.

 Minh Thi

(*) Đọc Franz và Clara, Philippe Labro, NXB Phụ Nữ và Nhã Nam ấn hành.

;
;
.
.
.
.
.