Có lần, bạn ở quê ra, hai đứa gặp nhau mừng vui tíu tít. Chuyện cũ chuyện mới, chuyện xa chuyện gần, nhiều đến nỗi như cất giấu từ lâu đợi ngày gặp nhau mang ra kể. Bạn ngắm nhìn thành phố hoa lệ, buông một câu cảm thán xuýt xoa: “Ở thành phố náo nhiệt thật, không buồn tẻ như quê mình”. Bạn nào có hay, nhiều khi giữa phồn hoa của chốn thị thành, chỉ khao khát được trở về để náu mình trong không gian bình yên buồn tẻ ấy.
Ngôi nhà yên bình giữa vườn cây xanh mát mắt luôn gợi nhớ cho những đứa con tìm về. Ảnh: LÊ THÀNH LÂN |
Vài người bạn quen lâu ngày, thỉnh thoảng lại bảo tôi, rằng ở thủ đô bao nhiêu năm, cớ sao vẫn cứ nói cái giọng đặc sệt miền Trung trọ trẹ khó nghe như vậy. Thực ra đôi khi tôi cũng có nói giọng Bắc cho người ta dễ nghe dễ hiểu, nhưng dẫu cố gắng người ta vẫn nhận ra tôi là người miền Trung. Một lần đến chơi nhà cô em đồng nghiệp, khi nghe giọng của tôi, mẹ chồng bạn nói: Hồi xưa bác đi thanh niên xung phong trong đó, cái mảnh đất cằn cỗi đá sỏi, nghèo ơi là nghèo. Nếu không vì sợ khổ thì bác cũng làm dâu miền Trung rồi.
Thật ra thì chẳng cứ ngày xưa, miền Trung bây giờ vẫn còn khổ lắm. Vì năm nào chẳng khô hạn, năm nào chẳng lũ lụt tràn về. Con người dù có cần cù, chịu thương chịu khó đến bao nhiêu thì cũng có lúc bất lực nhìn đất trời nổi giận. Lạ nỗi, cái nắng, cái gió khi ở là nỗi cực hình, vậy mà xa rồi cũng trở thành nỗi nhớ.
Thỉnh thoảng vào một quán ăn nào đó, hay đang đi giữa đường, vô tình chợt nghe bàn bên, hay người đi cạnh mình nói giọng miền Trung, thể nào cũng ngoảnh lại nhìn một cái. Cảm giác cứ thân thương gần gũi như người bà con lâu ngày gặp lại. Đôi bận không kìm được còn cất tiếng hỏi: Có phải bác, có phải anh/chị quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hay không? Cái giọng nói nghe cứ thô thô thật thật đặc trưng mà sao nhớ thương đến lạ lùng.
Những người từ nhỏ đến lớn, lúc nào cũng được náu mình bên những người yêu thương, trên mảnh đất quê hương sẽ không hiểu được cảm giác của những người tha phương nhiều khi cô đơn lạc lõng đến chừng nào. Nhiều khi chỉ một câu hát, một dáng người quen thuộc, một cây khế đứng ven đường hay dăm chú cá rô đồng nhìn thấy ở chợ cũng khiến lòng nhớ nhà đến nôn nao quay quắt.
Nhớ dáng mẹ khi xưa với chiếc áo bảo hộ sờn màu, trời nắng trời mưa với đôi quang gánh trên vai, lúc nào cũng tất tả vội vàng như sợ chỉ chậm một chút thôi là không xong việc. Ngày xưa tóc mẹ còn xanh còn dày, bây giờ đã trắng bạc lưa thưa. Nhớ cây ổi ở vườn bà, những trưa hè vắt vẻo ngồi ở đó, vặt hết trái to rồi đến trái nhỏ, trái chín rồi đến trái xanh. Ông bà giờ đều đã về thế giới bên kia, cây ổi cũng ngày càng cằn cỗi già đi, bớt ra hoa đậu quả. Nhớ những mùa lũ nước ngập hết cả đường làng, cả bọn con nít rủ nhau lội bì bõm, giỡn đùa nhau cười khúc khích. Nhớ những ngày mùa hè gió Lào rát bỏng rủ nhau ngâm mình dưới dòng sông.
Cuộc sống với bao nỗi lo toan bộn bề, bao lần vội vã trở về rồi lại vội vã ra đi. Lần nào cũng đầy lưu luyến nhớ thương, cũng đầy ắp những ân tình gửi gắm. Thích nhất là được về quê vào những dịp Tết. Khi đó nhà nhà đều vui, như những con chim xa tổ lâu ngày đều bay về sum họp. Cảm giác ấm áp vô cùng, thân thuộc và thương yêu đến vô cùng, đến nỗi đôi bận nghĩ rằng nó giống như một giấc mơ.
Quê hương luôn luôn yên bình, khi mỗi sáng mai đón bình minh bằng tiếng gà gáy vọng vang, bằng tiếng ủn ỉn của chú lợn trong chuồng, bằng tiếng khua chổi quét lá khô rụng đầy trên sân của mẹ. Một ngày mới luôn bắt đầu bằng bát nước chè xanh nóng hổi, bằng những hỏi han rôm rả ở hiên nhà.
Tối qua cô con gái bé nhỏ ngồi chơi đồ hàng rồi ngân nga đọc thơ:
Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy hãy yêu
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều (*)
Giọng con ngọng nghịu vụng về, đọc thơ cũng không theo vần điệu, ấy vậy mà cũng đủ khiến lòng mẹ xuyến xao. Quê hương đâu chỉ là cánh diều, đâu chỉ là dòng sông, đâu chỉ là dậu mồng tơi, là tiếng ếch rộn vang đồng mỗi khi mưa đổ xuống…
Quê hương với những người tha phương như mẹ là nỗi nhớ mong. Là dù có đi mô rồi cũng nhớ về, “đi xa muốn về, khổ đau càng muốn về”, giống như đứa trẻ thơ khi ốm đau muốn nũng nịu vùi mình trong vòng tay ấp iu của mẹ.
Lê Giang
(*) Thơ Đỗ Trung Quân