Ngày nay, bên cạnh y học hiện đại (Tây y), y học cổ truyền (YHCT-hay còn gọi là Đông y) đang giữ vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, được đông đảo bệnh nhân lựa chọn. Khác với quan niệm YHCT chỉ là một chuyên khoa, hiện tại, các bệnh viện YHCT đều phát triển theo định hướng trở thành bệnh viện đa khoa YHCT, đòi hỏi nguồn nhân lực phải chuyên môn hóa sâu hơn, tinh hơn.
Nhóm bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng sang Hàn Quốc học về cấy chỉ thẩm mỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Băn khoăn nguồn nhân lực
Hiện nay, có nhiều nước trên thế giới sử dụng YHCT để chăm sóc sức khỏe người dân. Ở nước ta, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe YHCT là một lựa chọn ưu tiên của nhiều đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mới nổi, bệnh khó chữa. Dù vậy, theo đại diện Hội Đông y thành phố, số lượng nhân lực làm công tác YHCT có trình độ chuyên sâu chưa đạt so với nhân lực y tế nói chung. Mặc dù thời gian qua đã có sự tăng trưởng về số học viên được đào tạo tại các trường có ngành YHCT, nhưng trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng Đông y của người dân ngày càng cao thì nhân lực y dược cổ truyền vẫn chưa đáp ứng được. “Trong khi nhân sự của các bệnh viện thiếu thì các quy định về cấp giấy phép hành nghề cho lương y vẫn chưa theo sát thực tế.
Từ năm 1993-2000, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chủ trương để chuẩn hóa lương y, đây là cơ sở để cấp chứng chỉ hành nghề. Nhiều lương y không có giấy phép hành nghề đã buộc phải đóng cửa phòng mạch, tìm kế mưu sinh mới. Điều này vô cùng lãng phí, không tận dụng được đội ngũ lương y lành nghề để phát triển nền y học cổ truyền”, ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Hội Đông y thành phố nói.
Theo quy định của Thông tư 29/2015/TT-BYT về cấp, cấp lại giấy chứng nhận là lương y thì đối tượng đã được chuẩn hóa lương y phải có đủ các chứng chỉ học phần do cơ sở đào tạo y, dược, Trung ương Hội Đông y Việt Nam hoặc các cơ sở y học cổ truyền (viện, bệnh viện y học cổ truyền) phối hợp với trường trung cấp hay cao đẳng y tế, Hội Đông y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức bồi dưỡng chuẩn hóa (xét đặc cách với lương y lớn tuổi; tổ chức thi kiểm tra trình độ chuyên môn).
Từ năm 1993-2002, Sở Y tế thành phố phối hợp với Hội Đông y, Bệnh viện YHCT thành phố tổ chức được 4 đợt chuẩn hóa (trong đó có 3 đợt chuẩn hóa lương y, 1 đợt chuẩn hóa lương dược). Từ năm 2002 đến nay, không còn đợt chuẩn hóa nào được tổ chức; đồng nghĩa không có lương y, lương dược nào được cấp phép hành nghề.
Thực tế, hệ thống Đông y có những lý luận riêng; cách thức đào tạo, bồi dưỡng Đông y là đặc thù. Lấy hệ thống đào tạo của Tây y để quy chiếu vào Đông y là khập khiễng, cứng nhắc. Một lương y (xin được giấu tên) cho biết, không ít sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo ngành YHCT ra trường không hành nghề được.
Nhiều em đến vườn thuốc của ông để học tập, thực hành nhưng khi ông cất bảng ghi tên cây thuốc đi là… chịu chết. Trong khi đó, những em sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông bà, cha mẹ là lương y, được “vọc” cây thuốc từ bé thì các em lại rất rành rẽ.
Bác sĩ Đông y đồng thời là bác sĩ đa khoa
Những năm gần đây, hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT ngày càng được áp dụng phổ biến. Đây là phương pháp điều trị được nhiều người bệnh chọn lựa, nhất là với các bệnh lý xương khớp, suy nhược thần kinh, di chứng tai biến mạch máu não, liệt mặt…
Theo ThS.Bs Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc BV YHCT thành phố, tuổi thọ trung bình của con người tăng lên, dân số già tăng cùng với đó là gia tăng các bệnh mạn tính. Phương pháp dùng thảo dược tự nhiên và các phương pháp không dùng thuốc khác như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện dưỡng sinh… của YHCT phù hợp với đối tượng này.
Trước đây người ta quan niệm, YHCT là một chuyên khoa nhưng hiện tại Bệnh viện YHCT là một bệnh viện đa khoa. Ví dụ, bệnh nhân bị trĩ đến điều trị thì sẽ được khám, dùng thuốc, thủ thuật, tiêm chích, thậm chí phẫu thuật.
Hay bệnh nhân cơ-xương-khớp thì không chỉ châm cứu mà phải điều trị bằng phương pháp tiêm nội khớp (chích thuốc và dưỡng chất vào bên trong khớp -PV), tức là vừa dùng bài thuốc Đông y, vừa kết hợp phương tiện y học hiện đại. Do đó, bác sĩ YHCT phải có hiểu biết về nội khoa.
“Từ bác sĩ YHCT mới tốt nghiệp, để đào tạo ra thầy thuốc chuyên khoa sâu thường phải học tập thêm 2-3 năm nữa. Chúng tôi phải gửi nhân lực đến các Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện YHCT Trung ương, Bệnh viện YHCT Quân đội, Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh… để đào tạo liên tục, đào tạo sau đại học và tiếp nhận chuyển giao các gói kỹ thuật cao; kể cả cử các bác sĩ sang Hàn Quốc học tập về cấy chỉ, không chỉ cấy chỉ chữa bệnh mà còn cấy chỉ thẩm mỹ”, bác sĩ Ánh nói.
Nhân viên Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đà Nẵng đang phân chia đông dược. Ảnh: MAI HIỀN |
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Ý (Phụ trách đơn vị Cấy chỉ thẩm mỹ và điều trị liệt mặt, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng), ngày nay, bệnh nhân đến với Bệnh viện YHCT không chỉ để xoa bóp, bấm huyệt, chườm thuốc… rồi về mà còn điều trị các bệnh nội khoa khác. Ví dụ với bệnh nhân bị liệt mặt (do lạnh hoặc viêm nhiễm đường dây thần kinh…), Đông y dùng kết hợp các phương pháp châm cứu như điện châm, cứu ngải hoặc nhu châm tức cấy chỉ, sẽ phục hồi nhanh hơn. Bác sĩ Đông y đều phải trải qua các đợt học tập, tập huấn tại các khoa Tim mạch, Hồi sức cấp cứu… tại bệnh viện đa khoa để nắm vững kiến thức đa khoa trong hành nghề.
Thực tế, một bệnh nhân di chứng tai biến thường mang nhiều bệnh lý kèm theo như tiểu đường, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, hen phế quản… Với những bệnh lý như vậy đòi hỏi bác sĩ YHCT phải xử lý được thì mới đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị hiệu quả.
Trong bức tranh về nguồn nhân lực, bác sĩ Nguyễn Văn Ánh đánh giá: “Những năm gần đây, các trường đào tạo ngành YHCT đều liên kết với các bệnh viện đa khoa để sinh viên có điều kiện tiếp cận, thực tập nhằm bổ sung kỹ năng, kiến thức Tây y.
Vì lẽ đó, chất lượng bác sĩ YHCT về bệnh viện tăng lên rõ rệt. Dù vậy, có một thực tế là lực lượng dược sĩ và điều dưỡng YHCT lại chưa có chuyên ngành đào tạo. Chúng tôi buộc phải nhận dược sĩ và điều dưỡng Tây y về rồi đào tạo cho họ kiến thức Đông y dược cơ bản như xoa bóp bấm huyệt, cách bào chế, sắc thuốc cao đơn hoàn tán… Quá trình này cũng khá mất thời gian”.
Theo đánh giá của những chuyên gia phân tích nhu cầu nhân lực, nhân lực ngành YHCT đang thiếu rất trầm trọng, do đó nhiều trường đang tiến hành đào tạo chuyên ngành YHCT, thúc đẩy sự phát triển của ngành, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai. Sau tốt nghiệp, những bác sĩ ngành YHCT có thể làm việc tại những bệnh viện YHCT, khoa YHCT tại những bệnh viện đa khoa, tỉnh, huyện hay trạm y tế… Bác sĩ YHCT cũng được đào tạo bài bản như bác sĩ đa khoa trong 5 năm đầu, cho nên được cung cấp nhiều kỹ năng chăm sóc và điều trị như khám chữa bệnh, kê đơn, bốc thuốc, điện châm, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…; có thể tham gia công tác phòng bệnh, tổ chức chương trình chăm sóc sức khỏe bằng YHCT, phát hiện và xử lý bệnh cấp cứu… tại tuyến cơ sở hay tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực YHCT. |
Quỳnh Trang