Có một lần, lâu rồi, lúc mới chuyển đi khỏi ngôi nhà cũ trên một con phố cũ của Hà Nội, buổi trưa về nhà với con, đáng lẽ về nhà mới thì tôi, có lẽ mải nghĩ gì đó, nên cứ theo quán tính mà đi về con phố ấy. Tận lúc dừng xe lại, hàng xóm nhoẻn cười chào mới nhận ra là mình đã về nhầm nhà.
Ngõ Tạm Thương (Hà Nội). Ảnh: VƯƠNG ANH |
Tôi ở con phố ấy chưa đầy chục năm. Trước nhà có một cây long não cổ thụ, phải hai người ôm mới tròn gốc. Bên trái là hàng bún riêu rất nổi tiếng, lúc nào khách đến ăn cũng đông nườm nượp. Cả con phố ấy, nhà nào có mặt tiền cũng đều mở cửa hàng, buôn bán gì đó. Nhiều vốn thì mở cửa hàng to, thuê thêm nhà bên cạnh, ít vốn thì cửa hàng nhỏ. Ngôi nhà số 15 tôi ở, phía trên là một hộ khác, sau lưng, liền tường cũng là một hộ khác. Một số nhà có ba hộ gia đình. Những căn nhà ở ghép từ những năm 50 của thế kỷ 20 như thế ở Hà Nội có rất nhiều. Và phần lớn những ngôi nhà to, vài trăm mét mặt phố rực rỡ lung linh hôm nay, người ta đều phải mua của rất nhiều hộ mà ghép lại.
Lại nói ngôi nhà số 15 ấy, sát tường có một cái ngõ. Ngõ bé lắm. Rộng chưa đầy 1 mét, là lối đi của nhà đằng sau và nhà bên trên. Thêm nữa, ba nhà này vốn từng có một khu vệ sinh chung, khoảng chục mét vuông. Về sau, một nhà đông con tách ra, mua lại của hai hộ còn lại cái chỗ hơn chục mét vuông ấy, và xây lên một căn nhà 4 tầng. Mỗi tầng, trừ diện tích cầu thang ra, chỉ đủ để kê một tấm đệm. Vậy là cái ngõ bé tí tẹo sát vách nhà tôi có đến 3 hộ gia đình đi lại hằng ngày.
Đầu ngõ, một cặp vợ chồng bên Đông Anh sang ngồi bán thịt lợn. Hai vợ chồng đi chung một chiếc xe máy. Đằng sau xe chở thúng thịt thà dao thớt, vợ ngồi thu lu như con cún con ở đằng trước. Ngày nào cũng như ngày nào, xuân hạ thu đông, cứ 5 giờ sáng là có mặt, kê tấm phản ra, dao thớt bỏ ra, cối xay thịt bỏ ra, và khiêng cái thúng cả thịt lẫn xương xuống, rì rà rì rầm vì sợ mọi người mất ngủ.
Trời sáng rõ thì mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, thịt ra thịt xương ra xương, gọn ghẽ. Chồng ngồi vắt vẻo trên yên xe máy dựng cạnh gốc cây long não, vợ ngồi sau phản thịt. Cả xóm tôi mua thịt của hai vợ chồng nhà ấy. Cả hai vợ chồng đều vui tính, nhau nhảu mồm miệng, thế nên cái đầu ngõ cả buổi sáng cứ râm ran đủ mọi thứ chuyện. Chị vợ ngồi bán đến vãn đi rồi thì mấy cô mấy chị trong ngõ đi làm. Họ dắt xe máy ra, chị ta đứng dậy, gọi chồng kéo tấm phản lấy lối đi. Xe đi qua lại kéo vào. Vì không được bán hàng trên hè phố nên họ mới phải ngồi thụt vào trong cái ngõ ấy.
Thường thì đến tầm chín rưỡi, mười giờ thì hết hàng. Cái bánh mì gặm dở trong lúc bán hàng được lôi ra ăn nốt, dọn dẹp sạch sẽ rồi “Chào các ông bà chúng con về!”. “Ừ, về đi cho sớm. Mai nhớ đến sớm!”. Bà nội của các con tôi dặn thế, là bởi hôm sau nhà có giỗ, nhờ hai vợ chồng mua gà sạch bên ấy, mổ sẵn rồi mang sang. Thức gì có thể nhờ được họ mua thì cả xóm nhờ. Gà vườn, vịt nhà, cá sông, tôm sông… cứ nhờ là yên tâm, đâu khắc vào đấy.
Cái ngõ bé, ẩm ướt, tối om vì bên trên nhà nào cũng cơi nới từ tầng hai, chìa ra, che hết mọi tia sáng. Sáng ra đã tối, cứ nhập nhà nhập nhoạng như sắp hết ngày đến nơi. Lâu lâu lại có một trận đuổi nhau huỳnh huỵch giữa chồng với vợ, giữa mẹ với con. Lâu lâu lại có ai đó nổi cơn lôi đình, bới móc cả tổ tiên dòng họ nhà nhau lên chửi như mất gà. Sống với nhau kề tai kề miệng, đóng cửa thì thôi, mở ra là nhìn thấy mặt hàng xóm, không va chạm hình như cũng buồn. Thế nên, dăm bữa nửa tháng lại có một trận. Không ai thua ai, không ai nhường ai, tưởng như đến chết cũng không nhìn mặt nhau nữa. Ấy thế mà hai vợ chồng hàng thịt kia lại có thể tồn tại hòa bình suốt mười mấy hai mươi năm trời. Không ai dằn hắt, không ai cau có, không ai xua đuổi. Mà rõ ràng không phải họ hàng thân thích gì, cũng không ai nhớ chính xác họ ngồi đấy từ bao giờ, và vì sao lại ngồi đấy chứ không phải chỗ nào khác trên con phố này.
Không ai thấy bị hai vợ chồng nhà ấy làm phiền cả. Trong khi chỉ cần nhà trên phơi quần áo mà có mấy giọt nước tong tong nhỏ xuống lối đi thì có khi bị bóng gió, nói mát, thậm chí gọi xuống dạy cho một bài học về cách ứng xử với hàng xóm láng giềng ngay.
Hóa ra, quan niệm về cái sự làm phiền nhau đôi khi rất khó giải thích.
Hai vợ chồng ấy, nhờ cái phản thịt ở đầu ngõ mà nuôi được hai cậu con trai trưởng thành, học hành đâu vào đấy, có nghề, giờ đã đi làm, một cậu sắp lấy vợ. Trong khi lũ thanh niên ở phố đầy đứa chẳng học hành gì, lêu lổng chơi bời, tiêu pha phá phách. Có những nhà cửa hàng hôm qua còn sáng choang, hôm nay đã làm thủ tục sang tên. Rồi đi đâu đó, thật xa cái con phố nhỏ bé nhưng ồn ào náo nhiệt. Đi xa để tìm một cuộc sống khác, để quên những chuyện buồn đã xảy ra trong cuộc đời.
Một ngày tôi cũng rời con phố ấy.
Cuộc sống luôn đầy những bất ngờ và vô số ngã rẽ. Tôi đã tưởng rằng mình sẽ sống rất lâu ở đấy, trong căn hộ chung một số nhà với 3 hộ khác, sáng sáng ngồi ở vỉa hè đi chợ và quen hầu hết những bà bán hàng rong; bữa nào mệt, ngại nấu thì sang… nhà hàng xóm để ăn bún riêu; và tiêu pha những tháng năm còn lại trong cái chao chát mà cũng nhân ái ấm áp kỳ lạ của hàng phố. Nhưng cuối cùng thì cũng phải rời đi.
Cái ngày tôi mải nghĩ quên đường về nhà mới, dừng xe trước cây long não, vợ chồng nhà hàng thịt vừa mới dọn dẹp xong xuôi mọi thứ lên chiếc xe máy cà tàng và chuẩn bị ra về. Nhìn thấy tôi, chị vợ nở nụ cười tươi rói, răng vẫn còn dính cọng hành. Chắc là hôm nay đổi món, không gặm bánh mì nữa mà ăn sang, hẳn bát phở.
- Cô chú vẫn khỏe đấy chứ?
Tôi ngẩn người ra. Ô hay, sao mình lại quay về đây?
Có lẽ nào cái con phố ấy, ngôi nhà chật chội nóng nực đầy chuột với gián, cái ngõ bé tí ẩm ướt tối tăm và hè phố đầy lá long não buổi chiều nào cô con gái nhỏ của tôi cũng tung tăng chạy nhảy dùng làm sân chơi ấy… đã tự nhiên trở thành một phần linh hồn của đời sống mà tôi đang có?
Đôi khi, ở rìa thành phố, bên bờ con sông Cái, những ngày heo may về tôi chợt nhận ra là lòng mình đang mênh mông nhớ những cơn gió luồn lách dưới những mái nhà ngói cổ, nhớ những chiếc lá khô vàng rụng xuống mặt đường và gió thổi đi lao xao, nhớ cả những tiếng cãi cọ bên trên trần nhà hay phía sau bức tường, nhớ cả tiếng dao thớt lách cách lúc mờ sáng của hai vợ chồng nhà nọ.
Người ta có thể nhớ những niềm vui, và nhớ cả những nỗi buồn.
Phố vẫn là phố, chỉ có những người sống trong lòng phố là dịch chuyển, đổi chỗ, đến, rồi đi…
Diệu Huyền