Trên hành trình làm “điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi, bám biển, các lực lượng Vùng 3 Hải quân luôn sẵn sàng vượt sóng gió trùng khơi, đi vào tâm bão để ứng cứu bà con gặp nạn, cũng như triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ…
Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân (ngoài cùng bên trái) và Đại tá Bùi Duy Thống, Phó Chính ủy Vùng 3 Hải quân (giữa) tặng áo phao, thuốc, cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho ngư dân Đà Nẵng. Ảnh: VOV.VN |
Vượt sóng dữ cứu ngư dân
Một ngày cuối tháng 8, tàu Thái Thụy 88 (ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) chở gần 3.200 tấn than từ tỉnh Quảng Ninh vào thành phố Cần Thơ. Khi tàu vừa đến địa phận tỉnh Quảng Trị thì nhận được tin bão Podul có gió giật cấp 10 đã vào Biển Đông. Nghe tin bão, con tàu tăng tốc tìm nơi trú ẩn nhưng do sóng to, gió lớn, tàu Thái Thụy 88 bị hỏng máy, trôi dạt tại vùng biển giáp ranh giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lúc 13 giờ, ngày 29-8. Giữa sóng dữ, con tàu chìm dần, Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Vũ cùng 9 thuyền viên quyết định rời tàu, xuống phao cứu sinh rộng chừng 5m2. Tuy nhiên, trong giây phút thập tử nhất sinh, tất cả thuyền viên không ai kịp mang theo phương tiện liên lạc. Mọi hy vọng sống sót của 10 con người lúc này chỉ dựa vào mấy quả pháo sáng, pháo khói cùng một ít lương khô, nước ngọt có sẵn trên phao. Giữa màn mưa như trút, những chiếc pháo sáng, pháo khói được các thuyền viên bắn lên trời trong vô vọng. Một số tàu tránh bão vội vàng đi qua nên không kịp nhìn thấy. Mọi người bắt đầu kiệt sức, đói và rét sau những giờ chống chọi với mưa to, gió lớn...
Nắm được tin dữ, từ đất liền, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân lệnh cho 4 tàu của vùng vượt sóng tìm kiếm, ứng cứu. Sau khi lênh đênh trên biển đúng 26 giờ đồng hồ, toàn bộ thuyền viên tàu Thái Thụy 88 được tàu Đức Nam 01 chở hàng ngang qua vùng biển này ứng cứu. Nhận được tin báo quan trọng này, tàu kiểm ngư 365 của Vùng 3 đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường và chuyển toàn bộ thuyền viên gặp nạn lên tàu khám sức khỏe cũng như cấp phát thuốc, áo ấm, thức ăn, đưa về đất liền.
Mới đây, được sự kết nối của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, chúng tôi liên lạc được với anh Nguyễn Thanh Vũ, Thuyền trưởng tàu Thái Thụy 88. Từ đầu dây bên kia, giọng anh vẫn xúc động: “May mắn nhất là khi mọi người kiệt sức, không đủ khỏe để thường xuyên tát nước ra khỏi phao, giữa lúc lương thực và nước ngọt đều cạn kiệt, pháo sáng còn duy nhất 1 trái thì chúng tôi được tàu Đức Nam 01 phát hiện và được tàu kiểm ngư 365 ủ ấm, kiểm tra sức khỏe kịp thời. Thật sự, lúc được cứu, chúng tôi thấy mình như được sinh ra lần nữa”.
Cũng con tàu 365 trong cơn bão Podul đã cứu thành công một tàu cá Quảng Bình với 14 thuyền viên gặp nạn. Thượng úy Bùi Văn Thùy, Thuyền trưởng tàu 365 cho biết, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm 10 ngư dân mất tích trên tàu Thái Thụy 88 thì anh tiếp tục nhận tin báo tàu cá QB 91124 TS gặp sự cố, trên tàu lúc này có thuyền trưởng Nguyễn Quang Thoại cùng 13 thuyền viên. Trước khi bị chết máy, trôi tự do, tàu được xác định đang hoạt động ở vùng biển phía đông bắc, cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khoảng 70 hải lý. Sau nhiều giờ liên tục tìm kiếm, tới khoảng 2 giờ sáng ngày 30-8, tức gần 15 giờ tàu QB 91124 dạt trôi trên biển, tàu 365 đã tiếp cận, lai dắt vào cách cảng Cửa Việt tầm 4 hải lý thì tàu Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tiếp nhận, lai dắt vào bờ. Sau khi ứng cứu thành công tàu QB 91124, con tàu 365 vội vàng quay ngược ra khơi, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm tàu Thái Thụy 88.
Mỗi ngày, mỗi giờ, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn trong tâm thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Với họ, ngoài công tác chính trị, mỗi ngư dân còn là một người thân, người bạn đồng hành, cùng nhau vượt qua bao khó khăn, gian nan trên biển. Thiếu tá Phạm Văn Thành, phụ trách Ban Dân vận Vùng 3 Hải quân cho biết, từ đầu năm đến nay, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã cứu hộ thành công 6 tàu, trên đó có 58 ngư dân và 10 thuyền viên gặp nạn. “Chúng tôi luôn xác định đó là nhiệm vụ chính trị, quan trọng, xuất phát từ mệnh lệnh trái tim nên sẵn sàng lao vào tâm bão để cứu người. Bên cạnh đó, về nhiệm vụ bảo vệ hòa bình trên biển, bảo vệ ngư trường biển Việt Nam, chúng tôi luôn xác định ngư dân là thế trận quốc phòng quan trọng. Họ cũng chính là nguồn tin chính xác để lực lượng hải quân nhanh chóng triển khai những phương án tác chiến kịp thời, hiệu quả”, Thiếu tá Phạm Văn Thành nhấn mạnh.
Sẵn sàng là điểm tựa của ngư dân
Từ tháng 8-2019, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, giai đoạn 2019-2020. Trong đó, tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của bà con trong khai thác thủy sản; tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân làm ăn trên biển, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, cùng với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Ngoài ra, các tàu trực, tàu tuần tiễu, tàu kiểm tra, kiểm soát ngư trường căn cứ tình hình thực tiễn hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt cho ngư dân trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản; hỗ trợ khắc phục sự cố, sửa chữa máy móc, trang thiết bị trên biển…
Trung tá Mai Xuân Hưởng, Trưởng ban Tuyên huấn Vùng 3 Hải quân cho biết, nhiều năm qua, các hoạt động sát cánh cùng ngư dân vươn khơi bám biển được liên tục triển khai, đặc biệt là công tác cứu hộ cứu nạn, bảo đảm “cơ động nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, phương tiện sau” và triệt để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và chỉ huy tại chỗ); huy động tổng lực về người và phương tiện, bằng mọi biện pháp phải cứu người, cứu tài sản, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế.
Hiện nay, Vùng 3 Hải quân thường xuyên có 2 tàu trực bến và 2 tàu trực tuần tra trên biển. Khi có bão, 2 tàu vận tải có nhiệm vụ thông báo bão, áp thấp nhiệt đới; các tàu chống lật, tàu kéo, tàu vận tải, tàu chống lôi… với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, dầu mỡ cung cấp cho ngư dân sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Các chiến sĩ còn tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và các hoạt động như tặng áo phao, cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân…
Chuẩn Đô đốc Mai Trọng Định, Chính ủy Vùng 3 Hải quân cho biết thêm, trong khuôn khổ chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ; phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm, tặng quà cho gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, thuộc diện chính sách, có công cách mạng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng của Vùng 3 Hải quân chốt giữ, tuần tra, kiểm tra, vận động bà con ngư dân và triển khai các biện pháp bảo đảm để việc khai thác thủy sản được bền vững, an toàn, đúng quy định pháp luật.
TIỂU YẾN