Đến Bảo tàng Khu 5 vào những ngày cuối tháng 12 lịch sử, lòng tôi tràn ngập cảm xúc khi đứng trước những chứng tích của quá khứ hào hùng. Mỗi hiện vật như một “sứ giả” đến từ miền ký ức, tĩnh lặng, uy nghiêm, nhắc nhở con cháu về ngày hôm qua và cả những ngày sau.
Công tác bảo quản hiện vật được cán bộ Bảo tàng Khu 5 duy trì thường xuyên. Ảnh: Q.T |
Bước trên những bậc tam cấp vòng theo đường xoắn ốc của Bảo tàng Khu 5, trước mắt tôi là hàng ngàn hiện vật được trưng bày. Những vật dụng giản dị quen thuộc của những người lính cụ Hồ: đôi dép cao su, ba lô con cóc, mũ tai bèo, chiếc gậy vượt Trường Sơn, những lá thư tay phủ màu thời gian, thậm chí những tấm áo còn vương vệt máu khô… khiến lòng tôi dâng trào xúc động. Tôi lặng người trước đôi dép nhỏ nhắn, được chú thích là của người nữ biệt động Phan Thị Mùa (bí danh Phan Thị Mai) - người đã vận chuyển 4kg thuốc nổ, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, đốt cháy kho xăng Đà Nẵng vào lúc 19 giờ trung tuần tháng 8-1972. Chị Mai là người gốc Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Người con gái gan dạ ấy đã nghĩ ra cách nhét thuốc nổ dưới đáy dép để vượt qua vòng kiểm soát gắt gao của địch. Đặc biệt hơn, chị ngụy trang 4 kíp nổ vào mái tóc dài để qua mặt máy dò kim loại, góp phần phá hủy hàng triệu lít xăng, làm tê liệt các hoạt động quân sự của địch trong thời gian dài mà không bị phát hiện. Với chiến công này, chị được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì năm 1975.
Nếu không được Đại úy Phạm Hải, Trợ lý sưu tầm của Bảo tàng Khu 5 kể lại, tôi khó lòng tin được khẩu súng B40 có số hiệu N0 13298, dài 95cm của chiến sĩ Đỗ Văn Liêm, Đại đội 3, Tiểu đoàn 72, Tỉnh đội Quảng Nam lại chứa đựng câu chuyện cảm động đến thế. Đỗ Văn Liêm sinh năm 1956, dân tộc Kinh, quê ở xã Yên Khánh, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là xã Yên Khánh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xung phong nhập ngũ khi mới tròn 16 tuổi. Sau một thời gian phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt, đầu năm 1973, Đỗ Văn Liêm cùng đồng đội vượt Trường Sơn để vào chiến trường miền Nam chiến đấu và được biên chế ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 72, Tỉnh đội Quảng Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Nam là một hướng trọng điểm của chiến trường Quân khu 5 do bộ đội chủ lực quân khu đảm nhiệm.
Trong trận đánh chiếm cầu Kỳ Phú nhằm cắt đứt phía đông, cô lập thị xã Tam Kỳ, không để quân địch ở Chu Lai, Hà Lam ứng cứu cho thị xã, anh Liêm đã bắn phát súng B40 đầu tiên vào đội hình của địch, mở đầu cuộc tấn công đánh chiếm cầu Kỳ Phú. Đúng 1 giờ sáng ngày 24-4, Đại đội 3 đã làm chủ được cầu Kỳ Phú, diệt 1 trung đội bảo an, khai thông cầu, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn tiến vào giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ, mở ra một hướng quan trọng để giải phóng thành phố Đà Nẵng (ngày 29-3-1975), góp phần cùng nhân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Với thành tích trong chiến đấu, đồng chí Đỗ Văn Liêm được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công hạng ba.
“Súng B40 của đồng chí Đỗ Văn Liêm do đồng chí Đoàn Chí Toàn - cán bộ Bảo tàng Quân khu 5 sưu tầm và được trưng bày tại Bảo tàng Khu 5 từ năm 1975. Năm 2017, trong một lần cùng đồng đội vào Nam thăm lại chiến trường xưa ở Quảng Nam và ghé vào Bảo tàng Khu 5, nhìn thấy khẩu súng B40 của mình được trưng bày trang trọng, đồng chí Đỗ Văn Liêm vô cùng xúc động. Đây là một kỷ vật vô cùng quý giá, gắn bó với đồng chí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ nhưng thật sự vinh quang. Khẩu súng ấy nhắc nhớ tất thảy về đồng đội, về thời kỳ chiến đấu và quyết tâm cùng quân dân Khu 5 giải phóng quê hương, đất nước”, Đại úy Hải nói.
Tại Phòng trưng bày Bảo tàng Khu 5 còn có những kỷ vật liên quan đến cuộc tổng tiến công nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Đó là thanh kiếm của Trường Huấn luyện tân binh Quân khu I và Vùng I chiến thuật của chế độ Sài Gòn. Thanh kiếm bằng sắt mạ, dài 90cm, có bao sắt, chuôi có hình cành lá, lưỡi đã gỉ. Thanh kiếm này từng gắn liền với nhiều thế hệ học viên tại Trung tâm Huấn luyện tân binh Hòa Cầm. Sau mỗi khóa học, các học viên phải tuyên thệ trước lưỡi kiếm về lòng dũng cảm và trung thành với chế độ Sài Gòn. Tuy nhiên, trước những thắng lợi dồn dập từ chiến trường của Quân giải phóng, ngày 26-3-1975, khoảng 3.000 học viên của trung tâm đã nổi dậy làm binh biến, quay về với nhân dân. Thanh kiếm đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho sự thất bại của quân đội Sài Gòn.
Mỗi hiện vật chứa đựng một tiếng nói vọng về từ quá khứ. Ảnh: Q.T |
Không chỉ có những hiện vật được các cán bộ Khu 5 miệt mài sưu tầm, một số hiện vật do chính chủ nhân hoặc người thân của hiện vật hiến tặng cho bảo tàng. Ví như chiếc xe Honda 67 của Anh hùng Võ Văn Minh được trưng bày tại phòng 9 của Bảo tàng Khu 5. Đại úy Phạm Hải kể, vào chiều ngày 12-11-2015, trong không khí trang trọng tại số nhà K382/37/7 đường Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, gia đình đồng chí Võ Văn Minh đã làm lễ trao tặng chiếc xe Honda 67 cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5. Đồng chí Võ Văn Minh đã dùng chiếc xe này chở 8kg thuốc nổ C4 và 10 kíp nổ để phá hủy kho bom, đạn ở sân bay Đà Nẵng vào ngày 29-11-1974. Đây là hiện vật vô cùng quý giá mà gia đình đã giữ gìn hơn 40 năm qua.
Chiến tranh đang dần lùi xa về quá khứ, những chiến công của quân và dân Khu 5 trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi là một bản anh hùng ca sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước, ý chí quyết tâm và sự hy sinh cao cả cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Bảo tàng Khu 5 đang trưng bày 16.700 hiện vật, được phân chia bảo quản theo từng chất liệu: sắt, vải, giấy, mây, tre, thủy tinh, sành sứ. Các kho hiện vật được trang bị máy hút ẩm, máy điều hòa nhiệt độ. Công tác bảo quản duy trì thường xuyên hằng ngày, theo từng chất liệu. Hiện vật là kim loại được bảo quản thường xuyên bằng dầu chống rỉ. Hiện vật bằng giấy được bảo quản bằng các loại hóa chất hút ẩm. Hiện vật mây, tre được bảo quản bằng dung dịch chống mối mọt... |
QUỲNH TRANG