Ấm tình quân dân

Sáng danh "Bộ đội Cụ Hồ"

.

Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, các đơn vị trong toàn quân đề ra kế hoạch 75 ngày hành động sáng tạo, quyết thắng, thi đua ở các đơn vị.

Quà tình nghĩa của Lữ đoàn Thông tin 575 trao tặng hộ khó khăn, gia đình chính sách xã Tà Bhing.
Quà tình nghĩa của Lữ đoàn Thông tin 575 trao tặng hộ khó khăn, gia đình chính sách xã Tà Bhing.

Nâng cao đời sống người dân miền núi

Mưa nhẹ hạt. Xe rẽ vào thôn A Liêng, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, thấp thoáng từ xa một cây cầu nhỏ, mọi người reo lên: “Cầu treo kìa!”. Đến nơi mới biết đây là cầu bê-tông hẳn hoi. Bên trái còn nguyên một chiếc cầu treo vắt ngang trên con suối nhỏ, có lẽ chỉ để gợi nhớ một thời gian khó chứ giờ không dùng cho giao thông miền núi.

Dừng xe dưới một con dốc nhỏ, trên đó là nhà Briu Hưng. Căn nhà vách gỗ, đôi chỗ để lọt vào ánh sáng buổi xế trưa miền sơn cước. Vợ chồng Briu Hưng trồng keo, làm lúa cạn, thỉnh thoảng làm thuê, cuộc sống còn lắm gian nan. Qua bình chọn của UBND xã Tà Bhing, vợ chồng anh được Lữ đoàn Thông tin 575 – Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng một con bò giống. Khi ký nhận biên bản, anh không giấu được niềm vui: “Quà tặng ý nghĩa này sẽ giúp vợ chồng tôi có thể vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.

Cách đó không xa là nhà vợ chồng Blup Trới, ở thôn Glêê. Nhà chỉ có sườn gỗ, bốn bề trống thông thốc, không vách, không cửa nẻo, ngày đêm gió núi mưa rừng dội cái lạnh vào nhà. 10 ngày trước đó, Lữ đoàn đã cử 15 chiến sĩ lên xây tường, lát gạch men cho căn nhà “hai không” này. Hôm chúng tôi ghé thăm, mấy anh lính trẻ người trộn vữa, người cân ống nước để lấy mặt bằng lát nền. Anh em phải làm đến 6-7 giờ tối cho kịp ngày bàn giao. Với công trình sửa chữa trị giá trên 24 triệu đồng này, vợ chồng Blup Trới sẽ có nhà mới, ăn cái Tết tươi vui, đầm ấm đúng nghĩa.

Xe đưa chúng tôi về lại UBND xã Tà Bhing thì trời tạnh mưa. Bà con trong danh sách 20 hộ nghèo, gia đình chính sách được tặng quà lục tục kéo đến. Mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng, có cả gạo nên hơi nặng, các chiến sĩ trẻ phải giúp bà con đưa quà ra xe máy.

Trước đó, Lữ đoàn đã tổ chức lực lượng giúp bà con hai thôn Glêê và A Liêng sửa chữa, tổng dọn cảnh quan môi trường đường nông thôn. Ngoài ra, còn hỗ trợ cây keo giống trị giá 9 triệu đồng cho 3 hộ khó khăn trên địa bàn xã.

Thực ra, theo Thượng tá Lê Xuân Đông, Chính ủy Lữ đoàn 575, không phải đợi đến hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo” kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đơn vị mới đến giúp bà con xã Tà Bhing; mà từ năm 2012, suốt 7 năm qua, ở vùng núi cách Đà Nẵng trên 80 cây số này, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động thắm tình quân dân như: tặng gạo, xóa đói giảm nghèo, khám chữa bệnh cho người nghèo; xây nhà tình nghĩa, lập vườn thuốc nam... Những ngày đầu, cán bộ, chiến sĩ đơn vị hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo kiểu cầm tay chỉ việc. “Đem keo giống từ Đà Nẵng lên, anh em phải đi đường rừng có khi 2-3 cây số mới tới rẫy để bày dân trồng. Hồi anh em mới lên, đi mua gói mì tôm không có, chừ thì quán ăn, tiệm tạp hóa cung cấp đủ các loại lương thực-thực phẩm, đồ gia dụng”, Thượng tá Đông so sánh.
Chị A Viết Thị Bông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Bhing chia sẻ: “Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 575 đã góp phần nâng cao đời sống người dân Tà Bhing về mọi mặt. Chúng tôi biết ơn lắm”.

Cống hiến tài năng nhằm giữ yên biển, đảo

Đến Trung đoàn 351 – Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, hỏi về “cây sáng kiến” thì Thượng tá Phan Thanh Chương, Phó Chính ủy Trung đoàn sẽ không ngần ngại giới thiệu ngay Đại úy Ngô Văn Hùng, Trợ lý Kỹ thuật ra-đa, Ban Kỹ thuật của Trung đoàn. Dáng người nhanh nhẹn, đôi mắt ánh lên vẻ thông minh, chàng trai 31 tuổi này tốt nghiệp sĩ quan chuyên ngành ra-đa của Hải quân. Anh tích cực nghiên cứu cải tiến, sáng chế trang thiết bị kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng huấn luyện, khai thác làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật. Thời gian qua, anh đã hoàn thành 3 sản phẩm sáng kiến, trong đó nổi trội nhất là “Phần mềm mô phỏng ra-đa Score 3000”.

Khi đưa vào sử dụng, “Phần mềm mô phỏng ra-đa Score 3000” giúp việc huấn luyện các trắc thủ ra-đa thao tác sử dụng thuần thục, phát huy hết tính năng kỹ chiến thuật của đài ra-đa Score 3000 trong chiến đấu, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị kỹ thuật. Phần mềm cũng giải quyết được các yêu cầu nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng tiếp cận, khai thác, tiến tới làm chủ trang bị đài ra-đa Score 3000; nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quan sát, quản lý, kiểm soát chặt chẽ vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng tá Chương đánh giá: “Trung đoàn 351 đóng quân ở núi cao, đảo xa khắp 7 tỉnh miền Trung nên máy móc dễ hỏng hóc, sáng kiến của Đại úy Hùng còn giúp tiết kiệm chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian tích lũy và giảm các hư hỏng phát sinh của trang bị khí tài trong huấn luyện. Phần mềm này mô phỏng ra-đa Score 3000 nên khi ngoài trời thời tiết xấu cũng có thể tổ chức huấn luyện ngay trong phòng”.
“Phần mềm mô phỏng ra-đa Score 3000” đoạt giải 3 hội thi sáng kiến cải tiến mô hình huấn luyện toàn quân năm 2016, giải 3 Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ 17 năm 2016, giải B giải thưởng Nguyễn Phan Vinh năm 2017. Đặc biệt, theo Thượng tá Chương, phần mềm được phê duyệt đưa vào huấn luyện tại Học viện Hải quân, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân, các đơn vị ra-đa toàn binh chủng, các trung tâm huấn luyện của các Vùng Hải quân trên cả nước.

Đoàn công tác Lữ đoàn Thông tin 575 chụp ảnh lưu niệm trước công trình sửa chữa nhà anh Blup Trới, ở thôn Glêê, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang.
Đoàn công tác Lữ đoàn Thông tin 575 chụp ảnh lưu niệm trước công trình sửa chữa nhà anh Blup Trới, ở thôn Glêê, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang.

Cùng với đó, “Phần mềm ngân hàng dữ liệu sóng hồi mục tiêu ra-đa và dữ liệu mục tiêu AIS” cũng đã hỗ trợ đắc lực cho các trắc thủ ra-đa. Khi chưa có phần mềm, trắc thủ phán đoán mục tiêu theo kinh nghiệm cảm tính. Khi có phầm mềm, hệ thống sẽ so sánh dữ liệu cũ đã lưu trữ và dữ liệu cập nhật từng ngày để cho phán đoán chính xác hơn. Phần mềm này đoạt giải thưởng Nguyễn Phan Vinh năm 2019 do Quân chủng Hải quân Việt Nam phát động.

30 năm và 75 năm là một cột mốc lịch sử không chỉ riêng người lính mà với toàn dân. Chào mừng hai sự kiện trọng đại này, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã triển khai thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sĩ Hải quân” với nhiều sáng kiến được nghiên cứu, ứng dụng đưa vào phục vụ công tác huấn luyện, nâng cao tuổi thọ của vũ khí, thiết bị, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ở các cơ quan, đơn vị.

Theo đó, ngoài các phần mềm của Trung đoàn 351, còn có các sản phẩm khác như: “Bộ mô hình học cụ phục vụ huấn luyện chiến đấu tổ hợp P15Y trên tàu tên lửa”, “Thiết bị lắp góc mục tiêu và chỉ thị đồng bộ pháo AK-176M” của Lữ đoàn 172, “Mô hình hệ thống rô-bốt PLUTO PLUS và thao tác vận hành hệ thống” của Lữ đoàn 161... Tất cả những “cây sáng kiến” của Vùng 3 Hải quân đưa sản phẩm trí tuệ của mình phục vụ nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ yên đời sống người dân trong địa bàn mình đóng quân.

Lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả đợt thi đua cao điểm “75 ngày hành động sáng tạo, quyết thắng” chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lực lượng vũ trang Quân khu đã tổ chức tốt các hoạt động diễn đàn, tọa đàm, văn hóa, văn nghệ, triển lãm, chiếu phim, tham quan triển lãm, đặc biệt đã phối hợp với địa phương tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Đặc biệt, hành trình “Lực lượng vũ trang Quân khu chung tay vì người nghèo”, trong đó có Lữ đoàn Thông tin 575, đã huy động được tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng để tham gia các hoạt động như: sửa chữa nhà, tặng con vật nuôi, cây giống, tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó...

Thượng tá Lương Đình Chung, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 5
 

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.