Closed-circuit television - Truyền hình mạch kín (CCTV), còn được gọi là video giám sát là việc sử dụng máy quay video để truyền tín hiệu đến một địa điểm cụ thể, trên một bộ màn hình giới hạn. Nó khác với truyền hình phát sóng ở chỗ tín hiệu không được truyền một cách công khai, mặc dù nó có thể sử dụng nhiều điểm hoặc liên kết có dây hoặc không dây. Máy được sử dụng để giám sát trong các khu vực có thể cần giám sát như ngân hàng, cửa hàng và các khu vực khác cần bảo mật.
Hệ thống truyền tín hiệu về trung tâm của các camera. |
Sử dụng camera quan sát sinh hoạt hằng ngày của công chúng là phương tiện phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới. Trong những năm gần đây, việc sử dụng máy quay video đã được giới thiệu như một hình thức giám sát mới, thường được sử dụng trong lĩnh vực thực thi pháp luật, với máy ảnh đặt trên ngực hoặc đầu của cảnh sát.
Trong các nhà máy công nghiệp, thiết bị camera có thể được sử dụng để quan sát các bộ phận của một quá trình từ phòng điều khiển trung tâm, ví dụ như khi môi trường hay sự cố nào đó xảy ra không phù hợp với con người. Hệ thống camera quan sát có thể hoạt động liên tục hoặc chỉ theo dõi một sự kiện cụ thể, khi cần thiết. Một hình thức camera quan sát tiên tiến hơn, sử dụng đầu ghi video kỹ thuật số (DVR), cung cấp khả năng ghi hình trong nhiều năm, với nhiều tùy chọn chất lượng và hiệu suất cùng các tính năng bổ sung như phát hiện chuyển động và cảnh báo thư điện tử.
Mọi người đi ngang qua một camera quan sát trên đường Oxford ở London. |
Có khoảng 350 triệu camera giám sát trên toàn thế giới tính đến năm 2016. Khoảng 65% số camera này được lắp đặt ở châu Á. Sự phát triển của camera quan sát đã chậm lại trong những năm gần đây. Việc triển khai công nghệ này đã tạo điều kiện tăng trưởng đáng kể trong giám sát Nhà nước, tăng các phương pháp giám sát, kiểm soát xã hội tiên tiến và một loạt các biện pháp phòng, chống tội phạm trên toàn thế giới.
Nhiều năm sau khi Edward Snowden - người tố giác người Mỹ đã sao chép và rò rỉ thông tin tối mật từ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) vào năm 2013 khi anh là nhân viên và nhà thầu phụ của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) - tiết lộ chương trình giám sát hàng loạt của chính phủ Hoa Kỳ, người Mỹ thường cảm thấy như họ bị theo dõi mọi lúc. Đặc biệt, tại thành phố Atlanta, cảm giác bị theo dõi mọi lúc nhiều hơn ở tất cả các thành phố khác của Hoa Kỳ, theo báo cáo mới của một trang web công nghệ so sánh.
Camera giám sát tại một lối đi giữa hai ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. |
Thành phố được theo dõi sát sao nhất tiếp theo là Chicago, nơi có 35.000 camera giám sát để mắt tới khoảng 2,7 triệu người, tức có khoảng 13 camera/1.000 dân. Washington D.C. chỉ có 5,61 camera cho mỗi 1.000 cư dân. London và Atlanta, theo nghiên cứu là nằm trong danh sách 10 thành phố được giám sát nhiều nhất. Theo các nhà phân tích, có 8 trong số 10 thành phố được giám sát nhiều nhất thế giới nằm ở Trung Quốc.
Một camera an ninh kết xuất 3D trong một sân bay ở Trung Quốc. |
London đứng thứ sáu với 627.707 camera/9 triệu cư dân và Atlanta, Georgia đứng thứ 10 với 7.800 camera/ 501.178 người. Hệ thống giám sát này quét các đặc điểm khuôn mặt của người dân trên đường phố từ các khung hình của video trong thời gian thực, tạo ra một bản đồ ảo của khuôn mặt. Sau đó, nó có thể khớp thông tin này với khuôn mặt được quét của nghi phạm trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát. Nếu có một sự cố bất thường, phạm pháp, hệ thống sẽ thông báo ngay cho các sĩ quan.
Trùng Khánh, thành phố đông dân nhất Trung Quốc được cho là nơi có tỷ lệ nhiều camera giám sát nhất, với hơn 168 camera/1.000 đầu người. Thành phố này áp dụng kế hoạch thí điểm sử dụng nhiều camera hiện đại để giải quyết tội phạm, được xếp hạng cao về sự tin cậy của công dân. Nhiều vụ việc xảy ra ở vài khu vực khác nhau của Trùng Khánh đã được camera nhận dạng khuôn mặt và đây được xem là một cách chống lại tội ác. Theo Bộ Công an Trung Quốc, Trung Quốc dự kiến sẽ có 626 triệu camera quan sát được sử dụng vào năm tới.
HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)