Độc đáo Bu Gà cà-phê

.

Người ta tìm đến một quán cà-phê không chỉ vì nơi đó có thức uống ngon, thiết kế đẹp, phục vụ chu đáo mà đôi khi vì… tò mò cái tên của quán. Tôi đến Bu Gà cà-phê chính vì lý do trên.

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo trên con đường Nguyễn Hoàng đông đúc xe cộ, Bu Gà cà-phê dễ khiến người ta lướt qua nhanh bởi nó chẳng khác gì một ngôi nhà cấp 4 bình thường trong hẻm. Thậm chí, nó còn trông cũ kỹ, giản dị với lối trang trí phảng phất hơi thở của thời kỳ bao cấp. Trong không gian ấy, những vật dụng thời trước như: chạn chén bát, ti-vi màn hình đen trắng, đèn dầu và những món đồ cũ chỉ còn lại trong ký ức của mỗi người, được bài trí đẹp mắt.

Chủ nhân của nó hẳn là một người theo chủ nghĩa sống chậm, ưa hoài niệm nên mỗi ngóc ngách của Bu Gà cà-phê đều được thiết kế đậm chất xưa. Cả câu nói vốn dĩ quá nổi tiếng: “Bán cho tôi một vé về tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng được tỉ mỉ ghi chú lên góc tường. Phải ngồi ở Bu Gà cà-phê một lúc lâu, tôi mới giải mã được cái tên của quán.

Thì ra, Bu Gà chính là cái lồng gà (lồng nhốt gà) - vật nuôi quen thuộc của nhà nông. Chủ quán đã sử dụng những cái bu gà này để làm trụ, kê lên đó cái mâm nhôm - cũng là vật dụng quen thuộc ngày xưa để tạo thành những chiếc bàn. Thực sự, với những ai lớn lên từ vùng quê đều dễ dàng cảm nhận sự thân thuộc, gần gũi qua những vật dụng này.

Thực đơn ở Bu Gà cà-phê khá đơn giản với các thức uống trà, cà-phê, nước ép quen thuộc. Mức giá khá bình dân chỉ từ 10.000 đồng, phù hợp với mọi đối tượng. Đặc biệt, tầng 2 của Bu Gà cà-phê là một tiệm bán đồ đã qua sử dụng (đồ bành) như quần áo, giày dép và một vài vật dụng gia đình khác. Có lẽ, bạn trẻ sẽ tìm được khá nhiều món đồ hay ho với giá cả bình dân khi lên căn gác này.

Thạch Lam
 

;
;
.
.
.
.
.